Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 26/9: Cô gái mất thị lực mắt phải sau khi tiêm filler nâng mũi

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 26/9/2022. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 26/9/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Cô gái mất thị lực mắt phải sau khi tiêm filler nâng mũi

Trao đổi với báo Tiền Phong vào ngày 25/9, bác sĩ Trần Thanh Thủy – Phó Giám đốc sở Y tế Đà Nẵng cho biết đã ghi nhận vụ việc một cô gái sau khi tiêm filler nâng mũi tại spa đã bị biến chứng mù mắt. Được biết, bệnh nhân là chị T.T.V. (27 tuổi, ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Trước đó, vào tối ngày 9/8, bệnh nhân đến một spa trên đường Tạ Hiện (quận Hải Châu) để tiêm filler nâng mũi. Sau khi nhân viên tiêm được 5 phút, bệnh nhân bị sụp mắt, bầm tím lan rộng trên mặt, không thể mở mắt được. Vì quá đau, chị kêu khóc thì được nhân viên trấn an chỉ cần nằm hít thở, thư giãn.

Liên hệ với chủ cơ sở, chị được người này “kê đơn thuốc” gồm medrol 16mg, 6 long huyết, 6 viên zinax. Sau đó, chị được đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng, các bác sĩ chẩn đoán bị tắc mạch vùng mắt phải do tiêm filler chất làm đầy (H.A gel); biến chứng mất thị lực mắt phải; liệt dây thần kinh số 2, 3, 4, 5; viêm hoại tử mô quanh mắt.

Bệnh nhân trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Tiền Phong

Bác sĩ Lê Đức Nhân – Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng xác nhận trường hợp nói trên đã nhập viện. Sau khi tiếp nhận và thăm khám bệnh nhân, các bác sĩ nhận định trường hợp này sẽ gây ra biến chứng rất nặng nên đã liên hệ với Bệnh viện Việt Đức và chuyển viện ngay trong đêm

Sau gần nửa tháng điều trị, sức khỏe bệnh nhân tạm ổn định, được xuất viện nhưng mắt phải đã mất thị lực. Gia đình bệnh nhân cho biết, chủ spa thanh toán số tiền viện phí hơn 200 triệu đồng, hiện đã cắt đứt mọi liên lạc với gia đình. Bệnh nhân hiện đang ở nhà, mắt phải không nhìn thấy và đang đợi tái khám để kiểm tra thị lực.

Theo lời kể của người bệnh, chị biết cơ sở làm đẹp này từ Facebook, thấy kết bạn với nhiều người, đăng nhiều hình ảnh “sản phẩm” đẹp nên nghĩ rất “uy tín”. Lãnh đạo sở Y tế cho hay đã giao các đơn vị chức năng tiếp tục xác minh vụ việc, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý.

Tưởng bị rối loạn tiêu hóa, đi khám mới biết ung thư

Theo báo Dân Trí, bà P.T.T (52 tuổi, ở Quảng Ninh) thường xuyên cảm thấy đau bụng nhưng chỉ nghĩ bản thân bị rối loạn tiêu hóa nên không đến bệnh viện kiểm tra. Mãi tới khi xuất hiện đau bụng nhiều, người mệt mỏi, sút cân, đại tiện phân lỏng, người bệnh mới đến Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí thăm khám.

Qua thăm khám, nội soi đại tràng, các bác sĩ phát hiện người bệnh có khối u lớn ở đại tràng, tiến hành làm xét nghiệm sinh thiết phát hiện ung thư đại tràng phải biến chứng bán tắc ruột và chảy máu.

Người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt nửa đại tràng phải có khối u kèm theo vét hạch. Nhận định trong mổ các bác sĩ thấy tổn thương u đại tràng phải kích thước lớn khoảng 15x10x8cm gây bán tắc ruột và chảy máu tại bề mặt khối u trong lòng ruột.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Dân Trí

Bác sĩ CKI Trịnh Công Định chia sẻ, với tổn thương u đại tràng của người bệnh, thông thường bệnh đã có thời gian tiềm tàng, tiến triển trước đó một khoảng thời gian. Tuy nhiên, với triệu chứng này, một số người lầm tưởng rằng đó là rối loạn tiêu hóa hoặc viêm đại tràng mà không đi khám hoặc kiểm tra.

Nhân đây, các bác sĩ khuyến cáo mọi người rằng việc thực hiện các phương pháp sàng lọc có thể giúp phát hiện sớm các khối u khi còn rất nhỏ, từ đó có cơ hội điều trị khỏi bệnh, tiên lượng tốt hơn và chi phí điều trị bệnh ít tốn kém hơn.

Phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa là nội soi kiểm tra đại tràng và dạ dày định kỳ, ngoài ra còn có phương pháp xét nghiệm tìm máu tiềm ẩn trong phân.

Kịp thời chẩn đoán, điều trị cho mẹ con sản phụ

Mới đây, các bác sĩ tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) kịp thời chẩn đoán, điều trị cho mẹ con sản phụ N.L.T.N (25 tuổi, ngụ Khánh Hòa). Báo Người Lao Động đưa tin, sau khi đi khám nhiều nơi, sản phụ phát hiện nhịp tim thai nhi chậm. Với mong muốn tìm cơ hội sống cho con, sản phụ đến Bệnh viện Từ Dũ điều trị trong tình trạng nhịp tim thai chậm 50 lần/ phút ở tuổi thai 29-30 tuần (thông thường nhịp tim thai giai đoạn này là 140-160 lần/ phút).

Các bác sĩ tiến hành kiểm tra toàn bộ sức khỏe của mẹ và bé, phát hiện bé bị tình trạng nhịp tim thai chậm bất thường đơn độc, chuyên môn gọi là Block nhĩ –thất (block A-V) độ III. Đây là một bệnh lý do sự tắc nghẽn việc dẫn truyền tín hiệu từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Ngoài ra, bé không kèm theo bất cứ sự bất thường về cấu trúc của tim hay cấu trúc các cơ quan nào khác.

Sau đó, các bác sĩ tiến hành sàng lọc một số bệnh lý liên quan và nghi mắc bệnh lý hệ thống tự miễn. Tại Bệnh viện Từ Dũ hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy, sản phụ được chẩn đoán mắc bệnh Lupus ban đỏ hệ thống. Bệnh lý này có thể gây ảnh hưởng đến tất cả cơ quan trong cơ thể như: thận, não, tim, phổi, mạch máu… nên cần được điều trị lâu dài để hạn chế các biến chứng, đặc biệt ảnh hưởng đến thai nhi như sẩy thai, thai chết lưu, block nhĩ- thất…

Về bệnh lý của em bé, bệnh viện đã hội chẩn với chuyên khoa tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 2 nhiều lần và quyết định sẽ can thiệp đặt máy tạo nhịp cho bé ngay sau sinh. Khi thai được 35-36 tuần, bé có biểu hiện suy tim, tim to biểu hiện của sự quá tải tuần hoàn. Do đó, bác sĩ quyết định phẫu thuật lấy thai ra ngoài để đặt máy tạo nhịp ngay lập tức, hỗ trợ hoạt động cho tim bé được tốt hơn.

Sản phụ hiện đã được xuất viện nhưng phải tiếp tục điều trị bệnh lý Lupus ban đỏ nhằm tránh các biến chứng xảy ra. Ảnh: Người Lao Động

Sản phụ được tiến hành mổ lấy thai vào ngày 13/9. Sau 5 phút, bé trai được đưa ra ngoài trong sự sẵn sàng của tất cả nhân viên y tế trong kip mổ, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 lập tức đặt máy tạo nhịp cho bé. Sau phẫu thuật, tình trạng nhịp tim và hô hấp của bé ổn định. Bé được chuyển về Bệnh viện Nhi đồng tiếp tục theo dõi. Sau 7 ngày, nhịp tim ổn định, bú tốt, hồng hào hơn, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Trong khi đó, sau khi mổ, sản phụ đã hết sốt, vết thương lành tốt, vận động, đi lại, ăn uống bình thường và được xuất viện. Được biết, sản phụ phải tiếp tục điều trị bệnh lý Lupus ban đỏ nhằm tránh các biến chứng xảy ra.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật