Mắc bệnh hiếm gặp nhưng bị chẩn đoán thành sùi mào gà
Ngày 26/9, báo Tiền Phong thông tin về trường hợp nữ bệnh nhân 57 tuổi được tiếp nhận, thăm khám tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM trong tình trạng sang thương, sần sùi nhiều ở vùng môi lớn của âm hộ.
Theo đó, khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía người bệnh ghi nhận người bệnh có tiền căn từng mắc ung thư cổ tử cung, đã điều trị phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung và nạo hạch hai bên. Do đó, bác sĩ tại bệnh viện địa phương thăm khám và chẩn đoán bị sùi mào gà - căn bệnh xã hội lây nhiễm chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, khiến người bệnh hoang mang.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thơ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Tiền Phong
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thơ, Phó khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho hay, qua thăm khám nhận thấy vùng âm hộ bệnh nhân có nhiều mụn nước giả. Tình trạng mụn nước xuất hiện nhiều và tập trung ở vùng đối xứng giữa hai bên môi lớn tạo thành những mảng sùi đối xứng. Kết quả sinh thiết cho thấy bệnh nhân không bị sùi mào gà mà bị u bạch huyết (Lymphangioma).
Được biết, Lymphangioma (u bạch huyết) là bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng đa số là trẻ em. Bệnh thường xuất hiện ở phần gần của chi, thân mình, nách, miệng rất hiếm gặp ở âm hộ. Những trường hợp bị u bạch huyết ở âm hộ rất hiếm gặp và dễ nhầm lẫn với sùi mào gà, u mềm lây. Đến nay, Y văn Thế giới mới chỉ ghi nhận khoảng dưới 100 ca Lymphangioma được báo cáo ở âm hộ.
Hiện tại, vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác dẫn đến u bạch huyết. Bên cạnh những lo ngại về thẩm mỹ, u bạch huyết có thể gây ra một số biến chứng bao gồm sưng và đau âm hộ, viêm mô tế bào tái phát và rối loạn chức năng tâm lý tình dục. Y học vẫn chưa có phương pháp điều trị tối ưu và bệnh dễ tái phát. Các lựa chọn điều trị khác bao gồm xạ trị, áp lạnh, xạ trị bề mặt, laser nhuộm xung, ánh sáng xung cường độ cao và đốt điện.
Người đàn ông mắc bệnh não Wernicke do rượu
VietNamNet thông tin, buổi tối trước khi vào viện 1 ngày, ông T. (51 tuổi, ở Phú Thọ) thấy mệt nhiều nên đi ngủ sớm. Sáng ngủ dậy, gia đình phát hiện bệnh nhân nằm trên giường trong tình trạng rối loạn ý thức, gọi hỏi không trả lời, thở mạnh, tăng tiết đờm dãi, liệt cứng tứ chi, 2 tay co, 2 chân duỗi...
Người bệnh nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng nhãn cầu rung giật liên tục; 2 tay tăng trương lực cơ, tư thế gấp khuỷu tay vào ngực; liệt mặt trung ương; ho khạc kém, bí tiểu...
Ngay sau đó, bệnh nhân được khảo sát cộng hưởng từ sọ não, xét nghiệm máu cơ bản và chuyên sâu. Kết quả chụp cộng hưởng từ MRI sọ cho thấy tổn thương giảm khuyếch tán lan tỏa ở cạnh não thất bên 2 bán cầu, biểu hiện dạng tổn thương của bệnh não do chuyển hóa hoặc độc chất, tổn thương dạng hủy myelin do thẩm thấu vùng cầu não.
Do có tổn thương não đặc biệt nên bệnh nhân được chọc dịch não tủy để sàng lọc thêm. Các bác sĩ hội chẩn lâm sàng, hình ảnh học, xét nghiệm và đưa ra chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh não Wernicke do rượu và điều trị theo phác đồ. Chiều ngày 26/9, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện tại, dù tình trạng sức khoẻ đã cải thiện dần nhưng tiên lượng bệnh nhân vẫn còn nặng nề.
Được biết, bệnh não Wernicke là một rối loạn khởi phát cấp tính với biểu hiện lâm sàng như rung giật nhãn cầu, liệt vật nhãn 1 phần, lú lẫn,... Bệnh xảy ra chủ yếu do thiếu vitamin B1 và thường xuất hiện ở những người nghiện rượu. Với trường hợp bệnh nhân T., người nhà cho biết ông uống hơn 500ml rượu trắng nấu không rõ nồng độ mỗi ngày nhưng rất ít đi khám sức khỏe.
Nữ bệnh nhân có thận móng ngựa dạng hiếm
Theo báo Phụ Nữ Việt Nam, bệnh nhân N.T.H (45 tuổi, ở Hải Dương) đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng ngủ không sâu giấc, cơ thể mệt mỏi, khó ở vào ban ngày, ngoài ra không có dấu hiệu bất thường nào khác.
Tại bệnh viện, người bệnh được tư vấn xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng. Kết quả máu cho thấy không có bất thường, trừ chỉ số Triglyceride (mỡ máu) tăng nhẹ. Kết quả siêu âm ổ bụng phát hiện có hình ảnh nghi ngờ thận phải lạc vị trí tại hố chậu trái, chưa loại trừ thận đôi bên trái, gan thoái hóa mỡ độ II…
Để kiểm tra kỹ lưỡng, các bác sĩ đã chỉ định chụp cắt lớp vi tính, có tiêm thuốc cản quang nhưng trên phim chụp không quan sát thấy thận phải. Thận trái có hình ảnh bất thường với tên gọi "thận móng ngựa" (thể Sigma).
Thận móng ngựa là bệnh hiếm gặp với tỷ lệ mắc 1/400-1/500, gồm 6 thể, trong đó thận sigma là biến thể ít gặp của thận móng ngựa. Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam
ThS.BS Lê Quỳnh Sơn - Chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Medlatec cho hay, với các kết quả có được, bệnh nhân được chẩn đoán có bất thường giải phẫu dạng thận Sigma bên trái. Thận móng ngựa là bệnh hiếm gặp với tỷ lệ mắc 1/400-1/500, gồm 6 thể, trong đó thận sigma là biến thể ít gặp của thận móng ngựa. Thận sigma là do nhu mô thận cả cực trên và cực dưới hai thận dính vào nhau.
“Biến thể giải phẫu về thận móng ngựa có 6 thể thì ở bệnh nhân này là thể lạc chỗ cùng bên, dính nhau. Tức trong các thể của thận móng ngựa thì đây là thể hiếm gặp nhất, nhưng đã tình cờ gặp được ở bệnh nhân đến khám sức khỏe”, bác sĩ Sơn nói.
PGS.TS.BS Nguyễn Đình Tuấn - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chia sẻ thêm đa số các trường hợp bị thận móng ngựa đi khám tình cờ phát hiện ra, do không có triệu chứng.
Ở bệnh nhân này, thận phải “câm”, hai thận lệch sang trái, đài thận, bể thận, niệu quản hai bên còn đầy đủ và bệnh nhân không có triệu chứng gì thận tiết niệu. Dị dạng thận thấy chủ yếu trên siêu âm, chụp CT nhưng may mắn bệnh nhân này chức năng thận bình thường nên chưa ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Đinh Kim (T/h)