Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 29/3: Bé gái chào đời với cân nặng tương đương trẻ 2 tháng tuổi

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 29/3/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 29/3/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bé gái chào đời với cân nặng tương đương trẻ 2 tháng tuổi

Theo tờ Tri Thức Trực Tuyến, ngày 28/3, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Hải Hà (Quảng Ninh) cho biết đã tiếp nhận thai phụ Đ.T.L. (36 tuổi) vào viện vì mang thai 41 tuần 4 ngày (quá ngày dự sinh), thai to.

Thai phụ được các bác sĩ thăm khám, có chỉ định mổ lấy thai. Bé gái chào đời nặng 5,3 kg, cân nặng tương đương trẻ 2 tháng tuổi. Đây là em bé nặng cân nhất từ trước đến nay chào đời tại viện.

Em bé chào đời với cân nặng 5,3kg. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

Các bác sĩ chia sẻ, "con to” thường gặp ở mẹ tiểu đường thai kỳ. Trẻ dễ bị hạ đường huyết, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, viêm phổi… Thai phụ này không thường xuyên khám và quản lý thai kỳ tại cơ sở y tế chuyên khoa, bỏ qua mốc tầm soát tiểu đường thai kỳ nên rất khó để đánh giá và tiên lượng sức khỏe của mẹ, thai nhi sau sinh.

Theo Bộ Y tế, cân nặng của một thai nhi trong khoảng 2,5-3,5 kg được coi là lý tưởng, trên 3,5 kg được coi là thai to. Các bác sĩ khuyến cáo, mẹ bầu cần thường xuyên khám thai định kỳ.

Nếu mang thai to thì cần khám định kỳ để theo dõi sức khỏe của mẹ và bé, có chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý. Thai phụ cũng cần tầm soát tiểu đường trong thai kỳ, tránh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

2 bé ở Nghệ An bị bỏng thực quản do hóa chất

Chiều ngày 28/3, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An thông tin, các bệnh nhi N.X.T.K. và N.T.A. đều nhập viện vì bị bỏng thực quản do hoá chất.

Kết quả nội soi tiêu hoá của các bé lần lượt được kết luận là loét toàn bộ thực quản, phù nề nấp thanh môn và tầng thượng hầu; sẹo cũ tạo lỗ hẹp thực quản cách cung răng trên khoảng 12cm. Cả hai trường hợp bệnh nhi đều phải chịu nhiều đau đớn trong các đợt điều trị dài ngày tại bệnh viện.

Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời các bác sĩ khoa Tiêu hóa Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho hay, bỏng thực quản là tình trạng tổn thương thực quản thường gặp ở trẻ em do uống nhầm hóa chất gây bỏng và ăn mòn thực quản như nước tẩy rửa Javen, giấm, axit dùng trong sản xuất pin, ắc-quy hoặc bazơ dùng trong sản xuất bánh tro, mì sợi...

Hàng năm, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đều tiếp nhận, cấp cứu nhiều bệnh nhi bị bỏng thực quản do hoá chất. Hầu như tất cả những trường hợp trẻ em bỏng thực quản do hóa chất, đều bắt nguồn từ sự bất cẩn của người lớn.

Hai trường hợp nói trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trẻ nhỏ bị bỏng thực quản do sự bất cẩn của các bậc làm cha, làm mẹ. Các cha mẹ phải thật thận trọng trong bảo quản hóa chất, để xa tầm tay trẻ, tránh ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.

Khi nghi ngờ trẻ bị bỏng thực quản, người nhà không nên tự ý móc họng cho trẻ ói vì sẽ làm hóa chất tiếp xúc thêm thực quản một lần nữa. Thay vào đó, cần nhanh chóng sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất kèm theo hóa chất gây bỏng.

Cụ bà nhập viện sau khi tự ý dùng thuốc điều trị mất ngủ

Theo Bệnh viện Châm cứu Trung ương, đơn vị đã tiếp nhận và điều trị cho một cụ bà 73 tuổi với triệu chứng liên tục cảm thấy sợ hãi, lo lắng, kèm theo cơn hoảng loạn kèm đau đầu, vã mồ hôi... sau khi tự ý dùng thuốc chữa mất ngủ.

Người bệnh kể, khoảng một tuần nay khó vào giấc, dễ tỉnh, có hôm thức trắng đêm khiến sức khỏe sa sút. Bà tự dùng một loại thuốc ngủ không rõ tên để cải thiện tình trạng. Sau vài ngày sử dụng, bà xuất hiện dấu hiệu lo lắng, hồi hộp quá mức, thi thoảng có những cơ hoảng loạn kèm sợ hãi.

Mọi người chỉ nên sử dụng thuốc ngủ để điều trị mất ngủ khi có sự tư vấn của bác sĩ. Ảnh minh họa: Sức Khỏe & Đời Sống

TS.BS Ngô Quang Hải – Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho hay, các bác sĩ phát hiện loại thuốc ngủ bệnh nhân tự ý dùng là một loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA), gây rối loạn lo âu. Đây là loại thuốc khi dùng phải có sự chỉ định và theo dõi nghiêm ngặt do có nhiều tác dụng phụ.

Bệnh nhân nhập viện được châm cứu kết hợp xoa bóp, bấm huyệt, đắp ngải, điện châm và điều chỉnh cắt thuốc chống trầm cảm. Sau 5 ngày, bệnh nhân vẫn còn cảm giác bồn chồn, lo lắng nhiều và khó đi vào giấc ngủ nên tiếp tục được điều trị theo hướng hoạt huyết, thông kinh, an thần. Hiện nay tình trạng người bệnh đã ổn định hơn, theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật