Đột ngột giảm 6kg/tháng, cô gái phát hiện mắc ung thư
Theo VietNamNet, một tháng trước khi vào viện, nữ bệnh nhân L. (22 tuổi, quê Phú Thọ) phát hiện vùng cổ to bất thường, ăn uống khó khăn hơn. Ngoài ra, người bệnh còn đột ngột giảm 6kg/tháng, mệt mỏi nhiều, mất ngủ.
Kết quả siêu âm tuyến giáp tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho thấy hình ảnh thùy trái có nhân kích thước 3x3cm, cứng chắc, di động cùng nhịp nuốt, hạch nhóm VI cổ trái, nang thùy phải tuyến giáp.
Bệnh nhân được các bác sĩ khoa Ung bướu và Chăm sóc giảm nhẹ chọc hút tế bào nhân tuyến giáp cả 2 thùy. Kết quả, chị bị ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú, chỉ định nhập viện phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, vét hạch cổ.
Ung thư tuyến giáp thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Ảnh minh họa
Bác sĩ cho biết, việc phẫu thuật giúp bệnh nhân điều trị triệt căn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được đi xạ hình lại tuyến giáp, xét điều trị Iod131 phóng xạ. Khi ổn định, bệnh nhân sẽ bổ sung hormone tuyến giáp suốt đời.
Ung thư tuyến giáp là bệnh ung thư phổ biến, thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Theo Globocan 2020, ung thư tuyến giáp đứng thứ 9 trong các loại ung thư với hơn 5.400 ca mắc mới, rất may đây là loại ung thư có tỷ lệ chữa khỏi cao.
Bé 12 tuổi nguy kịch vì vi khuẩn lao tấn công phổi, bụng, xương
VietNamNet dẫn thông tin từ bác sĩ CKII Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, đơn vị vừa điều trị thành công cho bé gái 12 tuổi nhiễm vi trùng lao, rơi vào nguy kịch.
Bệnh nhi trong quá trình điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Bé sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, hệ miễn dịch bị suy giảm trầm trọng nên nhiễm vi khuẩn lao. Vi khuẩn này đã tấn công nhiều cơ quan như phổi, bụng, cơ xương khớp.
Bệnh nhi suy hô hấp nặng và sốc nhiễm khuẩn, được hỗ trợ thở máy xâm lấn, chống sốc, kháng sinh, kháng lao, vận mạch, chọc màng phổi. Sau 1 tháng điều trị, bệnh nhi đã được cai máy thở, tỉnh táo, phục hồi gần như hoàn toàn và xuất viện.
Theo bác sĩ Việt, đây là trường hợp mắc bệnh lao rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Để phòng bệnh, bác sĩ Việt khuyến cáo phòng ngừa bằng thuốc chủng ngừa, tiêm nhắc định kỳ, dinh dưỡng đầy đủ nâng cao thể trạng, thể dục thể thao, bổ sung vitamin và khoáng chất.
Bên cạnh đó, cần hạn chế tiếp xúc với người mắc lao, đặc biệt các đối tượng có nguy cơ cao: người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người có bệnh nền nặng.
Việc giáo dục sức khỏe cho người dân, hướng dẫn các biện pháp tránh và kết hợp tầm soát bệnh lao cho tất cả trẻ em tiếp xúc người nghi hoặc mắc bệnh lao rất quan trọng. Khi biểu hiện sốt, ho, khò khè kéo dài không đáp ứng điều trị thông thường, nổi hạch, cần được sàng lọc bệnh lao.
Huyết áp nữ bệnh nhân 49 tuổi tăng đột ngột khi đang mổ
Ngày 25/3, bác sĩ Nguyễn Quốc Đông, khoa Ngoại thận – Tiết niệu Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho hay, nữ bệnh nhân 49 tuổi thường xuyên đau thắt lưng trái, mệt mỏi. Tuy nhiên, người bệnh có tiền sử trầm cảm nặng nên không chú ý đến sức khỏe, theo thông tin trên VnExpress.
Gần đây, cơn đau tăng dần, đau dữ dội cả bụng, tụt huyết áp, tiểu ra máu, bệnh nhân nhập viện cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy thận trái ứ nước, có ổ tụ máu, mất chức năng hoàn toàn do sỏi niệu quản.
Hình ảnh thận chấn thương gây tụ máu. Ảnh: VnExpress
Bệnh nhân được theo dõi liên tục, truyền ba đơn vị máu hồi sức. Sau vài giờ, sức khỏe bệnh nhân chuyển biến xấu, huyết áp giảm nhanh, lượng huyết sắc tố máu tụt nhanh từ 101 g/l xuống 66 g/l, rối loạn đông máu, chỉ định mổ cấp cứu.
Người bệnh có tiền sử mắc bệnh huyết áp. Quá trình mổ có nhiều cơn tăng huyết áp, tối đa 200 mmHg khiến việc cầm máu khó khăn, rất nguy kịch. Kíp bác sĩ dùng thuốc và theo dõi chỉ số, ổn định huyết áp. Sau 2 giờ, bác sĩ hút ra hơn hai lít máu, xử lý sạch ổ tụ. Hẫu phẫu, bệnh nhân tỉnh, huyết áp trở lại bình thường, có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Đinh Kim (T/h)