Cô gái 19 tuổi mang khối u nang buồng trứng nặng hơn 8,5kg
Theo Tri Thức Trực Tuyến, các bác sĩ Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng thông tin vừa phẫu thuật cắt u nang buồng trứng phải cho bệnh nhân T.T.B.D. (19 tuổi, ngụ tại xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng).
Trước đó, người bệnh vào viện trong tình trạng đau bụng vùng hạ vị, được bác sĩ chỉ định siêu âm và làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả, bệnh nhân bị u nang buồng trứng. Sau hội chẩn, các bác sĩ đã cắt bỏ khối u với đường kính 24x32 cm, dạng dịch nhầy trong, trong có nhiều vách, trọng lượng hơn 8,5 kg.
Hậu phẫu, bệnh nhân tỉnh, huyết áp 110/70 mmHg, vết mổ khô. Dự kiến, bệnh nhân xuất viện trong vài ngày tới.
Chị em phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ nhằm phát hiện bệnh và điều trị sớm. Ảnh minh họa: Digitalmarketingdeal
Các bác sĩ khuyến cáo chị em phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ nhằm phát hiện bệnh và điều trị sớm. Khi thấy có dấu hiệu đau bụng, bụng to bất thường, cần đến ngay bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và xử trí kịp thời.
Trúng đạn từ súng hơi, bé gái 11 tuổi suýt mất mạng
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, khoa Ngoại Lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng vừa tiếp nhận cấp cứu và điêu trị một trường hợp bị bắn bằng súng hơi suýt mất mạng. Cụ thể, bệnh nhân là một bé gái 11 tuổi.
Trước đó, bệnh nhân đang chơi đùa ở rặng tre sau nhà thì bất ngờ giật mình với tiếng súng hơi bắn, sau đó là cảm giác đau ngực quằn quại kèm khó thở. Gia đình đã nhanh chóng đưa cháu đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu.
Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã thăm khám lâm sàng, kết hợp với chẩn đoán hình ảnh xác định bé gái bị tràn máu – tràn khí màng phổi trái gây suy hô hấp cấp tính, nguyên nhân từ vết thương thấu ngực do súng hơi bắn trúng.
Hình ảnh cho thấy vết thương của viên đạn đi từ lưng xuyên qua ngực gây thủng phổi trái và dừng lại ở vùng vai ngay sát động mạch dưới đòn trái - một trong những động mạch lớn của cơ thể. Ngay lập tức, bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu dẫn lưu khoang màng phổi trái.
"Việc lấy viên đạn ra khỏi cơ thể cũng là một thách thức đối với các bác sĩ khoa Ngoại Lồng ngực, bởi lẽ viên đạn nhỏ 5mm, nằm ở sâu trong cơ thể, nằm ngay phần trên của thành ngực, sát dưới động mạch dưới đòn trái, nơi có hệ cơ bám chắc, xương che phủ, mạch máu phong phú, đặc biệt là có đám rối thần kinh cánh tay… Đó là chưa kể đến vấn đề thẩm mỹ cho bé", bác sĩ Dương Chí Lực – người tham gia trực tiếp trong ekip phẫu thuật chia sẻ.
Bác sĩ Lực nói thêm: "Tuy nhiên, các bác sĩ đã siêu âm định vị chính xác vị trí viên đạn, sau đó chọc 1 kim nhỏ và dài chạm vào viên đạn, từ đó rạch đường mổ nhỏ lần theo thân kim để tiếp cận viên đạn… Sau 30 phút viên đạn đã được lấy ra không hề làm tổn thương các thành phần xung quanh".
Đường đi của viên đạn có xuyên qua ngực trái, rất may là bệnh nhân bị đảo ngược phủ tạng (tim chếch sang bên phải) nên mới "né" được quai động mạch chủ. Theo bác sĩ Lực, đây là trường hợp may mắn rất hy hữu, hiếm gặp, nếu không thì gần như không cứu được. Sau 7 ngày phẫu thuật và điều trị, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, hồi phục gần như bình thường, vết thương ngoài da cũng đã lành.
Cứu người phụ nữ mang thai 21 tuần gặp tai nạn giao thông
Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) vừa tiếp nhận bệnh nhân T.T.C. (26 tuổi) bị vỡ lách, gãy xương cánh tay, mất máu nặng và đang mang thai tuần thứ 21, VTV News thông tin.
Thai phụ được theo dõi sau phẫu thuật. Ảnh: VTV News
Được biết, người bệnh bị tai nạn giao thông tự ngã, sau tai nạn thấy đau bụng, đau vùng thượng vị mạn sườn trái, vùng cánh tay trái biến dạng và được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã nhanh chóng sơ cấp cứu, làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị vỡ lách, gãy xương cánh tay trái/ thai 21 tuần.
Nhận thấy đây là một trường hợp rất nguy kịch, nghi ngừ chảy máu tăng lên, bất thường huyết động trong khi bệnh nhân đang có thai 21 tuần, ban lãnh đạo nhanh chóng hội chẩn để có phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân và thai nhi.
Kết quả xét nghiệm cho thấy có tình trạng thiếu máu, chưa kể mất máu nhiều làm giảm lưu lượng máu đến bánh rau, nguy cơ dẫn đến thai chết lưu hoặc sảy thai. Mặt khác, bệnh nhân cũng không thể chuyển tuyến được vì nguy cơ có thể tử vong trên đường di chuyển.
Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa và cân nhắc kỹ, Ban giám đốc và các bác sĩ quyết định điều trị nội khoa bảo tồn lách vỡ và theo dõi tim thai liên tục, khi bệnh nhân ổn định hơn thì sẽ phẫu thuật kết hợp xương cánh tay.
Qua gần 10 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhân đã dần ổn định, bụng đỡ đau, thai phát triển bình thường, siêu âm kiểm tra cho thấy mức độ tổn thương lách đã được kiểm soát, không mất máu thêm.
Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật kết hợp xương gãy cho bệnh nhân. Kíp phẫu thuật được thực hiện bởi các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp. Sau 5 ngày phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, các chỉ số trong ngưỡng an toàn. Người bệnh có thể xuất viện trong một vài ngày tới.
Đinh Kim (T/h)