Mảnh xương bò lớn mắc kẹt ngay ngã ba hầu họng của người phụ nữ
VTV News đưa tin, người phụ nữ 51 tuổi (ở Quảng Nam) vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam với tình trạng nuốt đau, nuốt vướng. Khai thác thông tin được biết, bệnh nhân đang ăn bún thì thấy đau chói trong họng, không ăn, không nuốt được tiếp.
Qua thăm khám và trên kết quả chụp X-quang cột sống cổ, các bác sĩ phát hiện có hình ảnh dị vật cản quang ở hạ họng. Ngay sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định nội soi để lấy dị vật.
Bệnh nhân được chuyển phòng nội soi để tiến hành gắp dị vật. Sau 5 phút thực hiện thủ thuật nội soi thực quản ống mềm lấy dị vật gây mê gắp thành công mảnh xương bò có kích thước 2 x 4cm với đầu nhọn góc cạnh, nằm tại vị trí ngã ba hầu họng.
Dị vật gắp ra là mảnh xương bò có kích thước 2 x 4cm với đầu nhọn góc cạnh. Ảnh: VTV News
Theo bác sĩ nội soi Trần Duy Hoàn, trường hợp mắc dị vật nếu để muộn sẽ có nguy cơ áp xe thực quản, áp xe cổ hoặc trung thất dẫn đến nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy, khi bị hóc dị vật người bệnh cần đến cơ sở y tế để lấy dị vật càng sớm càng tốt, tránh chữa bằng mẹo, hay cố nuốt chửng vào đường tiêu hóa có thể gây nguy hiểm.
Để phòng ngừa hóc dị vật thực quản, người dân cần thận trọng khi ăn uống, nhai kỹ, không nên ăn uống vội vàng, không nói chuyện và cười đùa trong khi ăn. Đối với trẻ em và người già, cần loại bỏ xương trước khi ăn.
Điện thoại sạc qua đên phát nổ, 2 vợ chồng bỏng nặng
Theo thông tin trên báo Người Lao Động, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, hai bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Phòng khám đa khoa Hùng Vương (ở Tuyên Quang), trong tình trạng bỏng nặng vùng mặt, tay, chân. Ngay lập tức các bác sĩ tại phòng khám cấp cứu xử trí vết bỏng, giảm đau, chống sốc.
Theo bác sĩ điều trị, cả hai bệnh nhân bỏng nặng vùng mặt, 2 bàn tay, mặt ngoài đùi bên trái, cẳng chân 2 bên, bàn chân bên trái, diện tích khoảng 10% đến 20%. Ngay sau khi được cấp cứu ổn định tại phòng khám, cả hai bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương tiếp tục điều trị.
Hai bệnh nhân đang được điều trị, sức khỏe hiện ổn định. Ảnh: Đại Đoàn Kết
Các bác sĩ chia sẻ, hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, đang tiếp tục được điều trị nhưng việc phục hồi cần rất nhiều thời gian. Theo bệnh nhân, điện thoại được cắm sạc để qua đêm ở đầu giường, lúc sáng sớm bất ngờ phát nổ gây cháy chăn màn và cháy sang người.
Bác sĩ khuyến cáo không vừa sạc vừa sử dụng điện thoại, không sạc qua đêm, nơi sạc điện thoại nên cách xa người và vật liệu dễ cháy. Không nên dùng điện thoại khi ngồi cạnh khu vực tỏa ra lượng nhiệt lớn vì có thể khiến thiết bị có thể hấp thụ nhiệt, nóng lên và phát nổ.
Cứu thai phụ bị tiền sản giật nặng kèm hội chứng nguy kịch hô hấp cấp
Theo báo Người Lao Động, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết các bác sĩ tại đây vừa điều trị thành công cứu chị D.T.N.P (38 tuổi) bị tiền sản giật nặng kèm hội chứng nguy kịch hô hấp cấp.
Cụ thể, chị P. mang thai lần 4 khi thai 29 tuần phát hiện tiền sản giật nặng kèm hội chứng HELLP (tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu), suy thận cấp kèm tràn dịch đa màng nên nhập Bệnh viện Từ Dũ.
Tại đây, chị được chỉ động mổ lấy thai cấp cứu ngay sau khi nhập viện. Bé trai sinh non chỉ 650 gram nên được chuyển khoa Sơ Sinh chăm sóc đặc biệt. Sau mổ, tình trạng suy thận cấp của chị P. tiến triển nặng kèm tổn thương phổi lan toả hai bên và suy hô hấp.
Bệnh viện Từ Dũ đã hội chẩn với chuyên gia tim mạch, sản khoa Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Sau đó, các bác sĩ quyết định chuyển chị P. đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhằm kịp thời can thiệp, hồi sức tim mạch chuyên sâu.
Các bác sĩ thăm khám cho nữ bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: Người Lao Động
Nhận định về ca bệnh, ThS.BS Giang Minh Nhật - Trưởng đơn vị Hồi sức tích cực tim mạch Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho hay, bệnh nhân chuyển đến trong tình trạng suy hô hấp cấp, không đáp ứng thở máy xâm lấn, tổn thương phổi trên X-quang ngực chiếm hơn 80% thể tích phổi.
Nhanh chóng, chị P. được can thiệp VV-ECMO (oxy hoá máu màng ngoài cơ thể) cấp cứu vì suy hô hấp giảm oxy máu kháng trị. Sau can thiệp VV-ECMO và lọc máu liên tục 14 ngày, tình trạng suy hô hấp và tổn thương thận cấp của chị P. hồi phục ngoạn mục, tổn thương gan, giảm tiểu cầu và tán huyết đều ổn định.
Bác sĩ Nhật chia sẻ, hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS) chiếm khoảng 8% bệnh nhân có hội chứng HELLP nặng, với nguy cơ tử vong xấp xỉ 50%. Can thiệp ECMO ở sản phụ có hội chứng HELLP thường có nguy cơ chảy máu trong quá trình thủ thuật và theo dõi rất cao do số lượng tiểu cầu trong máu giảm nặng, đòi hỏi cần có chiến lược điều trị kháng đông hợp lý.
XEM THÊM: Lưỡi câu móc vào mắt bé trai 11 tuổi khi đang chơi đùa
Theo TS.BS Bùi Chí Thương – Trưởng khối sản Bệnh viện Nhân dân Gia Định, hội chứng HELLP là một biến chứng hiếm chiếm 0,1% đến 1% các trường hợp mang thai, nhưng rất nguy hiểm trong thai kỳ, bao gồm tán huyết, tăng men gan, và giảm tiểu cầu.
Hội chứng này thường đi kèm ở sản phụ có tăng huyết áp trong quá trình mang thai. Tỷ lệ tử vong hội chứng HELLP giảm rất thấp trong những năm gần đây với nhiều tiến bộ của các kỹ thuật hiện đại cùng sự phối hợp giữa chuyên ngành sản khoa và hồi sức.
Đinh Kim (T/h)