Người phụ nữ bất ngờ vỡ ối, sinh con ngay trên xe
Theo báo Công An Nhân Dân, Bệnh viện Thanh Vũ Medic Bạc Liêu cho biết vừa tiếp nhận kịp thời sản phụ Đ.N.H (SN 1996, ngụ thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) trên đường đi khám thai định kỳ thì bất ngờ vỡ ối, sinh con trên xe hơi.
Em bé chào đời an toàn, nặng 3kg. Ảnh: Công An Nhân Dân
Bác sĩ Võ Văn Lùng - Trưởng khoa Sản Bệnh viện Thanh Vũ Medic Bạc Liêu chia sẻ, theo lịch hẹn, chị H. sẽ đến bệnh viện vào sáng 25/12 để thăm khám thai nhi được 36 tuần. Tuy nhiên, khi đang trên xe gần đến bệnh viện, sản phụ H. bất ngờ vỡ ối, hạ sinh bé trai ngay trên xe.
Tài xế tức tốc đưa sản phụ đến bệnh viện để các bác sĩ cắt dây rốn cho bé, truyền dịch, tiêm oxytocin tăng co... Bé trai chào đời an toàn, nặng 3kg. Sau khi ủ ấm, hai mẹ con được chuyển đến phòng sinh để kiểm tra sức khoẻ.
“Vì mang thai lần thứ 3 nên tôi bất ngờ, hoang mang khi sinh con mà chưa đến ngày dự sinh. Rất may là nhờ anh tài xế và các bác sĩ ở Bệnh viện Thanh Vũ phản ứng nhanh, xử trí kịp thời mà mẹ con tôi an toàn”, chị H. nói.
Hội chứng khiến người đàn ông phải ngủ ngồi suốt 7 tháng
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, khoa Lao và Bệnh phổi Bệnh viện Quân y 175 đã tiếp nhận và điều trị thành công cho nam bệnh nhân L. X.T (70 tuổi, ngụ ở Đồng Nai) với biểu hiện không thể nằm được do ho, khó thở và phải ngủ ở tư thế ngồi 7 tháng liên tiếp.
Trước đó, bệnh nhân được Bệnh viện Quân y 175 tiếp nhận trong tình trạng thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ ban ngày và không thể nằm do khó thở, chất lượng cuộc sống giảm sút nặng.
Bệnh nhân đã đi khám tại nhiều bệnh viện và thực hiện nhiều xét nghiệm khác nhau tuy nhiên không chẩn đoán được nguyên nhân, triệu chứng bệnh không cải thiện và ngày càng tiến triển nặng.
Sau khi thăm khám tại Bệnh viện Quân y 175, các bác sĩ đã nghi ngờ bệnh nhân có hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Sau đó, bệnh nhân được hội chẩn chuyên môn và thực hiện kĩ thuật đo đa kí giấc ngủ. Kết quả đã xác định chẩn đoán hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ mức độ nặng, chỉ số ngưng thở khi ngủ cao.
Bệnh nhân đã được tiến hành can thiệp điều trị bằng hỗ trợ thở máy áp lực dương liên tục không xâm nhập (CPAP) và đáp ứng tốt. Hiện tại sau điều trị, bệnh nhân đã nằm được tư thế bình thường, ngủ ngon giấc hơn, chất lượng cuộc sống cải thiện rõ rệt và xuất viện.
Trung uý, Ths.Bs Trịnh Đức Lợi - khoa Lao và Bệnh phổi Bệnh viện Quân y 175 thăm khám cho người bệnh. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
TS.BS Nguyễn Hải Công - Trưởng khoa khoa Lao và Bệnh phổi Bệnh viện Quân y 175 cho hay, hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (Obstructive sleep apnea) là một rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ phổ biến nhất, đặc trưng bởi các sự kiện: ngưng thở, giảm thở, thức tỉnh liên quan đến gắng sức hô hấp do đóng một phần hoặc hoàn toàn đường hô hấp trên khi ngủ.
Ở Việt Nam, chưa có số liệu thống kê nhưng trên thế giới, bệnh này xuất hiện ở 15% nam giới và khoảng 5% nữ giới. Các đối tượng nguy cơ cao mắc phải hội chứng này bao gồm nam giới, tuổi cao, béo phì, chu vi vòng cổ trên 40cm, lưỡi to dày…
Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ là mặt bệnh còn tương đối mới ở Việt Nam, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đúng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tim mạch trầm trọng như: Tăng huyết áp kháng trị, rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành, tăng áp lực động mạch phổi, suy tim phải, đột quỵ, tăng tỷ lệ đề kháng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường type 2.
Đặc biệt, bệnh nhân cảm thấy luôn mệt mỏi, giảm khả năng tập trung và làm giảm hiệu quả công việc. Đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các tai nạn giao thông khi lái xe và tai nạn nghề nghiệp.
Bé 6 tuổi nguy kịch do vỡ khí quản sau tai nạn sinh hoạt
Theo thông tin trên VTV News, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa kịp thời cấp cứu và phẫu thuật thành công cho bé trai 6 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch do vỡ khí quản sau tai nạn sinh hoạt.
Cụ thể, bệnh nhi P.N.K. (6 tuổi, trú tại Hải Dương) khi đang chơi xe điện 3 bánh ở gần nhà thì bị ngã, vô lăng chiếc xe đập vào cổ. Sau ngã, bệnh nhi bắt đầu khó thở, sưng vùng má, cổ, phồng vùng ngực.
Ngay lập tức, gia đình đưa bệnh nhi đến bệnh viện tỉnh để cấp cứu. Nhận thấy đây là trường hợp chấn thương vô cùng phức tạp, nguy kịch tính mạng, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành đặt nội khí quản và chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại khoa Cấp cứu và Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp chấn thương khí quản gây ra tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi, tràn khí dưới da mức độ nhiều, đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán và can thiệp cấp cứu. Bệnh nhi được hỗ trợ thở máy, bù dịch, sử dụng thuốc vận mạch, an thần và kháng sinh phổ rộng để tránh nhiễm khuẩn vào trung thất.
Bệnh nhi dự kiến sẽ được ra viện trong vài ngày tới nhưng vẫn cần tái khám định kỳ để các bác sĩ theo dõi quá trình hồi phục. Ảnh: VTV News
Ngay sau đó, các bác sĩ cho bệnh nhi đi chụp X-quang phổi, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có dựng hình cây khí phế quản và nội soi khí quản cấp cứu. Kết quả thăm dò cho thấy bệnh nhi chấn thương vỡ thành sau khí quản, có tràn khí màng phổi 2 bên, tràn khí trung thất, tràn khí ngoài da toàn thân.
Bệnh nhi được chuyển đến khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa để tiếp tục hồi sức và tiến hành hội chẩn tìm ra hướng can thiệp hợp lý. Sau khi hội chẩn liên khoa, bệnh nhi được kết luận bị vết rách khí quản rộng, kéo dài và có chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
ThS.BS Phạm Anh Tuấn – khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa cho biết: "Khó khăn nhất trong quá trình hồi sức bệnh nhi trước mổ là việc đặt nội khí quản qua chỗ vị trí rách, phù nề rất nhiều, chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi có thể khiến trẻ thêm nguy kịch.
Chúng tôi phải kết hợp đặt nội khí quản và thông khí nhẹ nhàng, tránh tổn thương cho phổi và giảm áp lực đường thở cho trẻ, duy trì tình trạng bệnh nhi ổn định nhất trước khi bước vào phẫu thuật."
Sau khi lên kế hoạch chi tiết, PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, cùng ekip các bác sĩ của bệnh viện và ekip hỗ trợ của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi. Các bác sĩ đã thực hiện khâu nối, cố định lại các tổn thương, vi phẫu chỉnh hình khí quản và dẫn lưu tràn khí cho bệnh nhi.
XEM THÊM: 3 thứ kết hợp với mật ong thành "thần dược của nhà nghèo", giúp giảm ho, giải độc gan hiệu quả
Sau 3 giờ đồng hồ căng thẳng, ca phẫu thuật diễn ra thành công, tình trạng bệnh nhi tiến triển tích cực, không còn tràn khí màng phổi, cải thiện tình trạng suy hô hấp, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Bệnh nhi được duy trì an thần, thở máy và tiếp tục được chuyển về khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa để theo dõi chặt chẽ và chăm sóc đặc biệt.
Sau 5 ngày, bệnh nhi đã có thể tự thở và sẽ có kế hoạch ra viện trong vài ngày tới. Tuy nhiên, bệnh nhi vẫn cần tái khám định kỳ để các bác sĩ theo dõi quá trình hồi phục. Theo các bác sĩ, dù là một tổn thương nặng nhưng khi hồi phục hoàn toàn, các chức năng của khí quản, phế quản sẽ hoạt động bình thường và chất lượng cuộc sống của bệnh nhi được đảm bảo.
Qua trường hợp của bệnh nhi này, các bác sĩ cũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên lựa chọn các trò chơi, phương tiện phù hợp với lứa tuổi cho con em mình và cần quan tâm, sát sao đến con hơn trong quá trình vui chơi để tránh xảy ra những tai nạn sinh hoạt đáng tiếc, gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ.
Đinh Kim (T/h)