Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 26/7: Đang ngủ trưa, bé 2 tuổi bị rắn hổ mang bò lên giường cắn

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 26/7/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 26/7/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Đang ngủ trưa, bé 2 tuổi bị rắn hổ mang bò lên giường cắn

Báo Công an Nhân Dân đưa tin, trưa 25/7, bé trai V.A.T (2 tuổi, trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì bị rắn hổ mang cắn.

Theo các bác sĩ, bé trai nhập viện trong tình trạng co giật từng cơn, hôn mê, chân trái tím đen... Gia đình bé cho biết, trưa 24/7, khi bé ngủ trên giường, rắn hổ mang đã bò lên giường và cắn vào ngón chân cái bên chân trái của bé.

Thấy con khóc thét, gia đình phát hiện đã đánh chết con rắn và vứt ra vườn. Vì trẻ vẫn chơi và ăn uống bình thường, gia đình đã đi lấy thảo dược (không rõ nguồn gốc) về đắp vào đùi cho bé để "chữa rắn cắn". Qua một đêm ngủ dậy, chân bé tím đen, sốt cao, co giật nên gia đình đã đưa con đi cấp cứu.

Các bác sĩ chạy đua từng giờ từng phút để cứu tính mạng cháu bé. Ảnh: Công An Nhân Dân

Các bác sĩ đã cấp cứu ngay lập tức cho trẻ, chạy đua từng giờ từng phút để cứu tính mạng cháu bé. Tuy nhiên, tiên lượng bệnh nhi rất nặng, các bác sĩ khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương để đưa ra phương án điều trị tốt nhất, cũng như vận chuyển - chuyển tuyến an toàn nhất cho cháu bé.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thanh Hương - khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo, khi trẻ bị rắn độc cắn, trẻ cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Trong lúc chờ đợi để có xe đưa trẻ đi cấp cứu, các gia đình cần lưu ý một số điểm, gồm cho trẻ ngồi hoặc nằm xuống, cố gắng hạn chế cử động; điều chỉnh tư thế để giữ vùng bị rắn cắn thấp hơn tim, ngay cả trong lúc trẻ được vận chuyển đến bệnh viện. Nếu có thể, người thân hãy rửa vết thương cho trẻ bằng xà phòng và nước. 

Cấp cứu bé trai 3 tuổi bị chó cắn đứt xương hàm

Theo TTXVN, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết đơn vị vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho bé trai 3 tuổi ở Hà Nội bị chó cắn đứt xương hàm, nguy cơ đe dọa tính mạng.

Trước đó, ngày 16/7, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp bé trai 3 tuổi nhập viện do bị chó cắn, tổn thương nặng vùng đầu mặt cổ. Gia đình bệnh nhi cho biết, đó là chó của nhà người quen, giống becgie, nặng khoảng 40 kg.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình và Thẩm mỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã tiên lượng và nhận định đây là trường hợp đa vết thương phần mềm phức tạp ở vùng quan trọng, cần được thăm khám, điều trị cấp cứu đa chuyên khoa, song song kiểm tra tình trạng vết thương có đe doạ tính mạng bệnh nhi hay không.

Sau khi đã kiểm soát sẽ cho cháu bé đi chụp chiếu để loại trừ tổn thương. Tất cả các bác sĩ chuyên khoa sẽ cùng thăm khám và kết luận sơ bộ để triển khai xử trí trong phòng mổ, cũng như theo dõi những ngày sau mổ để điều trị biến chứng tương lai lâu dài.

Bệnh nhi được kiểm soát tình trạng đường thở, mạch máu và huyết động, kiểm soát các vết thương lớn chảy máu trong miệng và mũi. Với vết thương vùng cổ, răng chó rất sắc có thể cắn vào mạch máu lớn, động mạch cảnh gây nguy hiểm đến tính mạng của bé. Bệnh nhi được kiểm tra tình trạng tri giác, mức độ hôn mê bởi tình trạng hô hấp có thể che mờ các triệu chứng khác.

XEM THÊM: Con trai 3 tuổi phải nhập viện vì hành động bất cẩn của người bố

Khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ nhận thấy vết thương có nguy cơ gây nhiễm trùng, xé toác da, đi vào vùng trán và góc mắt trong, gây đứt ống tuyến lệ, rách mi mắt, gãy đôi xương hàm, xương gò má...

Sau khi chẩn đoán và kiểm tra kĩ càng, các bác sĩ đa chuyên khoa: Sọ não, phẫu thuật hàm mặt, phẫu thuật mạch máu tim mạch lồng ngực, mắt, tạo hình vi phẫu phối hợp xử lý trong thời gian nhanh nhất có thể và đưa bệnh nhi vào phòng phẫu thuật.

Trong mổ, cháu bé đã được các bác sĩ tiến hành cắt lọc làm sạch vết thương, sử dụng kính hiển vi để "bới tìm" ống tuyến lệ chỉ nhỏ khoảng 0,5 mm, từ đó khâu nối lại. Ngoài ra, ê kíp sửa chữa xương gò má và góc hàm, đảm bảo chức năng ăn nhai sau này.

Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng 6 tiếng đã giúp phục hồi tối đa sức khỏe cho bệnh nhi. Một tuần sau mổ, tiên lượng bệnh nhi tương đối thuận lợi, vết thương không sưng tấy đỏ, xương cố định tương đối vững chắc, tiếp tục được theo dõi, điều trị.

Phẫu thuật loại bỏ khối u tủy sống kích thước lớn cho người đàn ông

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, ngày 25/7, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) thực hiện thành công ca phẫu thuật loại bỏ khối u tủy sống kích thước lớn cho một nam bệnh nhân.

Trước đó, nam bệnh nhân P.N.H. (51 tuổi, trú xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) gặp tình trạng đau lưng lan xuống chân, tê bì cảm giác, teo cơ hai chân, đi lại khó khăn, đại tiểu tiện khó kéo dài. Người thân đưa bệnh nhân đi điều trị nhiều nơi nhưng không có tiến triển.

Khi tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành thăm khám. Kết quả chụp Cộng hưởng từ (MRI) cho thấy, khối u tủy sống kích thước lớn 180x15mm (từ D6 đến D12) chắn toàn bộ tủy sống và nằm chèn ép lên dây thần kinh.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật vi phẫu loại bỏ khối u, giải phóng chèn ép lên ống tủy. Các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh và khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện đã phối hợp thực hiện thành công ca phẫu thuật.

Sau hơn 3,5 giờ toàn bộ khối u được loại bỏ, bảo vệ an toàn cấu trúc tủy sống và rễ thần kinh cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, điều trị phục hồi, hai chân bệnh nhân bớt tê bì, bệnh nhân có thể đi lại nhẹ nhàng, đại tiểu tiện cũng thuận lợi hơn.

Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Mận - Trưởng Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, đây là ca phẫu thuật rất khó vì u tủy sống có cấu trúc giải phẫu phức tạp, khối u lớn, chèn ép, dính vào các dây thần kinh, nguy cơ liệt sau mổ rất cao.

Bác sĩ Mận khuyến cáo, u tủy sống là một căn bệnh nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, người bị u tủy sống có nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật