Người phụ nữ phát hiện bị ung thư da từ vết loét ở móng chân
Báo Đại Đoàn Kết dẫn thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết mới đây, khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, tiếp nhận bệnh nhân nữ L.T.P (68 tuổi, Thanh Hoá) trong tình trạng 1 ngón chân có mảng màu đen, loét, rỉ dịch và chảy máu, đau nhẹ. Bệnh nhân đã đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế uy tín, nhưng tình trạng không đỡ.
Theo lời bệnh nhân kể, khoảng 2 năm nay có xuất hiện tổn thương màu đen vùng móng – da ngón chân, theo thời gian tổn thương màu đen tăng dần về kích thước, không đau và sần sùi, loét rỉ dịch.
Hình ảnh ung thư tế bào hắc tố: màu sắc không đồng đều, bờ không rõ và không đều, có loét. Ảnh: Đại Đoàn Kết
Cách đây 11 tháng, bệnh nhân đã đến khám và điều trị bệnh viện huyện nhưng bệnh không thuyên giảm. Sau đó, bệnh nhân có tới khám và điều trị ngoại trú tại bệnh viện tuyến cao hơn nhưng kết quả cũng không được cải thiện.
Ngày 16/1, bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám và được chỉ định xét nghiệm máu, siêu âm, chụp dermoscopy – một xét nghiệm đặc thù trong chuyên ngành Da liễu có thể phát hiện sớm những dấu hiệu ung thư da.
Sau quá trình khám và xét nghiệm, Bác sĩ đưa ra chẩn đoán sơ bộ là ung thư tế bào hắc tố (Malignant melanoma – MM) một ngón chân P. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện để thực hiện cắt toàn bộ tổn thương màu đen và xét nghiệm mô bệnh học nhằm khẳng định chắc chắn bệnh ung thư tế bào hắc tố. Sau vài ngày, đã có kết quả giải phẫu bệnh khẳng định là ung thư tế bào hắc tố.
TS.BS. Nguyễn Hữu Quang - Phó trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, ung thư tế bào hắc tố là một trong loại ung thư ác tính nhất vì tiến triển nhanh, di căn xa.
XEM THÊM: Cảnh báo "nguy hiểm chết người" khi sưởi ấm mà nhiều gia đình mắc phải trong mùa đông giá rét
Năm 2022, ước tính có khoảng 99.780 trường hợp ung thư hắc tố mới xảy ra ở Mỹ, gây ra ước tính 7.650 ca tử vong. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm thì kết quả điều trị khỏi.
Dấu hiệu nhận biết ung thư tế bào hắc tố là các tổn thương màu đen với kích thước >6mm, tiến triển về kích thước, không đồng nhất về màu sắc bất kỳ vị trí nào da và niêm mạc nhưng đối với người Việt Nam thì thường xuất hiện tại các vị trí đầu cực như bàn, ngón chân. Với những dấu hiệu trên, khuyến cáo bệnh nhân nên đi thăm khám tại bác sĩ chuyên khoa.
Người đàn ông tử vong sau khi ăn tiết canh
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa ghi nhận một ca tử vong do nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Bệnh nhân là ông T.V.H. (50 tuổi, ở Giao Thủy, Nam Định), có tiền sử khỏe mạnh. Ba ngày trước khi vào viện, ông H. mổ heo, chế biến tiết canh liên hoan tất niên cùng bạn bè.
Sau liên hoan ít ngày, ông H. thấy đau mỏi người, tiêu chảy, kèm sốt cao rét run, người khó chịu, chân tay tím tái nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Giao Thủy, sau đó được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn theo dõi do liên cầu lợn (Streptococcus suis).
Liên cầu lợn có 35 type huyết thanh, trong đó type 2 có độc lực cao nhất và thường gây bệnh ở người. Ảnh minh họa
Sau đó, bệnh nhân H. được bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh, vận mạch, đặt ống nội khí quản thở máy và chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, mặc dù đã được các bác sĩ hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân H. đã tử vong do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và rối loạn đông máu nặng.
Theo các bác sĩ, liên cầu lợn là một vi khuẩn cư trú tự nhiên ở đường hô hấp trên, đặc biệt là amidan, khoang mũi, đường sinh dục và tiêu hóa của heo khỏe mạnh hoặc bị bệnh. Liên cầu lợn có 35 type huyết thanh, trong đó type 2 có độc lực cao nhất và thường gây bệnh ở người.
Người bị nhiễm liên cầu lợn có thể biểu hiện dưới nhiều thể lâm sàng khác nhau, như: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, hội chứng sốc nhiễm độc với suy đa cơ quan... nên tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn rất cao.
Tin mới nhất về hai ca được “thông van tim xuyên bào thai” ở Việt Nam
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, sáng 25/1, đại diện Bệnh viện Từ Dũ cho biết, sức khỏe của hai thai phụ và bào thai được can thiệp thông tim xuyên tử cung do bị tim bẩm sinh ngày 4/1 và 12/1 ổn định và tốt lên hàng ngày. Thai phụ đầu tiên hiện đang được chăm sóc và theo dõi tại Bệnh viện Từ Dũ, thai phụ thứ hai đã được xuất viện.
Trường hợp đầu tiên là thai phụ sinh năm 1996 (ngụ ở Đà Nẵng), mang thai lần đầu bị dị tật bẩm sinh không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất. Thai phụ được chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ can thiệp bào thai. Hiện tại, bào thai đã được 36,5 tuần tuổi, tình trạng sức khỏe mẹ và bé đều ổn định.
Ekip Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 thực hiện ca thông van tim xuyên bào thai. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
TS.BS CKII Trần Nhựt Thư Hương - Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh Bệnh viện Tư Dũ cho biết, thai phụ không bị biến chứng, tình trạng tim mạch bào thai có cải thiện. Bệnh nhân vẫn đang nằm ở Bệnh viện Từ Dũ theo dõi, dự trù sẽ sinh ở tuần 38 (khoảng 23 tháng Chạp). Các bác sĩ cố gắng điều trị cho bé ra đủ tháng đủ ngày để không phải chịu rủi ro của non tháng.
"Câu chuyện điều trị không chỉ dừng lại ở trong bào thai mà cần phải theo dõi điều trị sau sanh nữa, quãng đường còn rất là dài", bác sĩ Thư Hương chia sẻ.
Cũng theo TS.BS Trần Nhựt Thư Hương, trường hợp thông tim bào thai thứ hai vào ngày 12/1 vừa qua là thai phụ 27 tuổi (ngụ tại quận 3, TP.HCM), hiện mang thai 30,5 tuần, tình trạng tim mạch cải thiện, không diễn tiến hơn thiểu sản thất trái. Thai phụ đã ổn định và được xuất viện, về nhà theo dõi và tái khám định kỳ.
Đinh Kim (T/h)