Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 23/1: Người đàn ông hôn mê, suy hô hấp sau khi ăn một con ốc

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 23/1/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 23/1/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Người đàn ông hôn mê, suy hô hấp sau khi ăn một con ốc

Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ TS.BS TS.BS. Nguyễn Đức Phúc – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, ngày 19/1, dơn vị đã tiếp nhận bệnh nhân T.V.B. (37 tuổi, ở Quỳnh Dị, Quỳnh Lưu, Nghệ An) trong tình trạng suy hô hấp, ý thức mê, đồng tử 2 bên giãn 5 mm, mất phản xạ ánh sáng.... Các bác sĩ đã thực hiện hồi sức và điều trị tích cực để cứu sống bệnh nhân.

Qua khai thác bệnh sử được người nhà cho biết, sau khi ăn một con ốc bùn bóng khoảng 30 phút, bệnh nhân xuất hiện tê miệng, tê tay, tê chân. Khoảng 2 giờ sau bệnh nhân đi vào hôn mê, suy hô hấp, người bệnh được người nhà đưa đến bệnh viện huyện cấp cứu, các bác sĩ đã xử trí đặt nội khí quản, truyền dịch, duy trì vận mạch. Sau đó, chuyển bệnh nhân T.V.B. đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để tiếp tục cấp cứu.

Tại đây, các bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân thở máy qua nội khí quản, duy trì vận mạch Adrenalin. Đồng thời thăm khám, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, hội chẩn các chuyên khoa, bệnh nhân được chẩn đoán: Ngộ độc Tetrodotoxin sau ăn ốc bùn bóng.

Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện, đã được rút ống nội khí quản, ý thức tỉnh táo. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Bệnh nhân được điều trị tích cực, thở máy, bài niệu tích cực, kiểm soát huyết động. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện, đã được rút ống nội khí quản, ý thức tỉnh táo.

Theo TS.BS. Nguyễn Đức Phúc – Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, một số loài hải sản như cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, sao biển, một số loài cua, sa giông, một số loài ốc biển… có độc tố thần kinh Tetrodotoxin có thể gây độc và dẫn tới tử vong cho con người. 

Độc tố Tetrodotoxin có độc tính rất mạnh bền vững với nhiệt, các biện pháp chế biến hiện nay không đảm bảo loại trừ hết nguy cơ gây ngộ độc. Ở người, liều gây chết người của Tetrodotoxin là khoảng 1 - 2 mg và liều tối thiểu cần thiết để gây ra các triệu chứng được ước tính là 0,2 mg.

Với liều độc rất thấp có thể gây rối loạn cảm giác như tê môi, lưỡi, tay, chân, liệt các cơ vận động, cơ hô hấp, giãn đồng tử, nôn, đau bụng, tiêu chảy, có thể gây rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp khiến bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, thiếu oxy não, tổn thương thần kinh và có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. 

XEM THÊM: Cô gái bàng hoàng phát hiện suy thận ở tuổi 19

Trên thực tế, đã có những trường hợp bệnh nhân tử vong trên đường vận chuyển cấp cứu do ở trên tàu thuyền, ngoài đảo, xa cơ sở y tế… Theo TS.BS. Nguyễn Đức Phúc, hiện nay chưa có thuốc giải độc đặc hiệu nên khi phát hiện người bị ngộ độc Tetrodotoxin với các triệu chứng nôn mửa, tê môi, miệng, chân, tay, lơ mơ, trạng thái thần kinh li bì, toàn thân biểu hiện mệt mỏi…, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Cứu sống người đàn ông 33 tuổi có vết thương ở tim nguy kịch

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ nhiều chuyên khoa vừa phối hợp phẫu thuật cứu sống bệnh nhân có vết thương ở tim nguy kịch.

Bệnh nhân là anh L. (33 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long), được tuyến trước chuyển đến trong tình trạng sốc mất máu cấp rất nặng, bệnh nhân mê, thở ngáp, niêm nhạt, da xanh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp khó đo, nhịp tim rời rạc sau đó ngừng tim.

Bệnh nhân có vết thương ngực trái khoảng liên sườn 3-4 cạnh ức, kích thước khoảng 5 cm, vết thương hông trái khoảng 3 cm nghi thấu bụng, hông phải có 2 vết thương khoảng 3 cm.

Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khoa Cấp cứu đặt nội khí quản, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, truyền dịch, truyền máu khẩn và thực hiện quy trình báo động đỏ toàn bệnh viện, khẩn cấp chuyển bệnh nhân lên phòng mổ.

Người bệnh hiện đã tỉnh, vết mổ khô, ống dẫn lưu trung thất dịch hồng nhạt, phổi thông khí tốt. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Sau phẫu thuật, điều kì diệu đã xảy ra, tim bệnh nhân đập trở lại và đáp ứng tốt với thuốc vận mạch. Sau đó, ekip phẫu thuật nội soi ổ bụng chẩn đoán có nhiều máu loãng trong ổ bụng, không có tổn thương tạng, xác định máu chảy từ vết thương thành bụng hông trái vào khoang bụng. Phẫu thuật viên tiến hành rửa bụng, dẫn lưu khâu cầm máu các vết thương.

Sau 3 giờ phẫu thuật căng thẳng, dấu hiệu sinh tồn bệnh nhân ổn định được chuyển đơn vị Hồi sức ngoại - khoa Gây mê hồi sức theo dõi và chăm sóc.

Theo Ths.BS Liêu Vĩnh Đạt – Phó khoa Ngoại lồng ngực – mạch máu, vết thương ở tim là một cấp cứu tối khẩn, tỷ lệ tử vong cao. Do đó, việc hồi sức cấp cứu và phẫu thuật khẩn cấp có vai trò quan trọng trong việc cứu sống bệnh nhân và cải thiện tiên lượng.

Các vết thương do vật sắc nhọn xuyên vào lồng ngực thường gây ra các tổn thương nặng nề và có thể gây tử vong ngay lập tức. Theo một số nghiên cứu, vết thương ở tim có tỷ lệ tử vong trước viện khoảng 95% và tử vong khoảng 50% trong thời gian nằm viện.

Kim gây tê gãy, găm vào hàm của người phụ nữ

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết vừa tiến hành cấp cứu, lấy một đoạn kim gây tê bằng kim loại, dài 2cm găm trong góc hàm phải của một bệnh nhân nữ ra ngoài. Cụ thể, bệnh nhân được cấp cứu, xử trí lấy kim gây tê gãy ra khỏi hàm là chị N.P.L. (thường trú TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Trước đó, bệnh nhân L. được chuyển đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trong tình trạng mặt sưng vù, bên hàm phải đau nhức dữ dội, theo báo Sức Khỏe & Đời Sống.

 Đoạn kim gây tê gãy dài 2 cm được lấy ra khỏi hàm bệnh nhân. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Khai thác thông tin, bệnh nhân L. cho biết, trước khi nhập viện, chị đi khám và điều trị răng tại một phòng khám nha khoa tư nhân trên địa bàn TP.Nha Trang và được cho chỉ định gây tê gai Spix (là kĩ thuật gây tê cho dây thần kinh hàm dưới). Khi đâm đoạn kim gây tê vào hàm thì phát hiện kim gây tê bị gãy, đoạn gãy nằm hoàn toàn trong phần mô mềm của góc hàm phải.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân L. và tiến hành thăm khám, chụp X-quang, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã đưa chị L. vào phòng mổ và lấy đoạn kim gây tê gãy dài 2 cm ra khỏi hàm bệnh nhân.

Đến ngày 22/1, sức khỏe bệnh nhân L. tiến triển tốt, vị trí bị đoạn kim gây tê đâm không còn sưng và đau nhức.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật