Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 25/8: Hoảng sợ phát hiện đường ngoằn ngoèo trên tay sau buổi làm vườn

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 25/8/2022. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 25/8/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Hoảng sợ phát hiện đường ngoằn ngoèo trên tay sau buổi làm vườn

Sau buổi làm cỏ ở vườn, bà B.T.T (55 tuổi, trú tại Hà Nội) thấy xuất hiện điểm ngứa ở mu bàn tay, ban đầu chỉ là các nốt nhưng đến ngày hôm sau đã hình thành đường ngoằn ngoèo trên bàn tay. Bệnh nhân đi khám ở tuyến huyện nhận kết luận do nhiễm ký sinh trùng, sau đó bà đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thăm khám.

“Lúc này tôi hoảng sợ, cảm giác như có con gì đó đang di chuyển dưới da, kèm theo sưng và ngứa rất khó chịu. Sau đó, tôi đến bệnh viện huyện thăm khám, được chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng. Các bác sĩ cho thuốc về điều trị tại nhà nhưng tình trạng không thuyên giảm”, VietNamNet dẫn lời bệnh nhân.

Theo bác sĩ Tạ Huy Hải – Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, người bệnh được làm xét nghiệm và được chẩn đoán là ấu trùng di chuyển dưới da, xét nghiệm dương tính với ấu trùng chó mèo. Phác đồ điều trị cho ấu trùng dưới da là 5-7 ngày. Sự di chuyển của ấu trùng dưới da tùy trường hợp, có trường hợp ngày đi khoảng 1,5- 2,5 cm. Nhiều bệnh nhân chỉ có 1 ấu trùng chạy nhưng có người lại 2, 3 ấu trùng, mỗi con chạy một hướng dưới da.

Tay của bệnh nhân xuất hiện đường ngoằn ngoèo sau buổi làm vườn. Ảnh: VietNamNet

Sau 3 ngày nhập viện, tay của bệnh nhân giảm dần triệu chứng, hết sưng, ngứa, ấu trùng không còn di chuyển. Trường hợp này được xác định là nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo do tiếp xúc với ấu trùng trong quá trình làm nông nghiệp. Với ấu trùng giun đũa chó mèo, dù người bệnh không có vết thương hở, ấu trùng vẫn có thể xâm nhập qua kẽ hở của lớp biểu bì trên da.

Khi xâm nhập qua da, ấu trùng “chạy” dưới da gây viêm da, sưng, nóng và đau. Ấu trùng giun đũa chó mèo không có khả năng sinh sản khi xâm nhập vào da, một số ấu trùng sau một thời gian ngắn có thể thoái triển và chết đi. Thế nhưng, có nhiều trường hợp ấu trung phát triển nhanh chóng, lan rộng gây nguy cơ viêm nhiễm, thậm chí có thể gây nhiễm trùng máu. Với loại ấu trùng này, hiện có thể sử dụng thuốc để điều trị.

Phải cắt bỏ tinh hoàn sau khi đắp thuốc nam

Tri Thức Trực Tuyến thông tin, các bác sĩ khoa Ngoại thận – Tiết niệu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa tiến hành cắt bỏ một bên tinh hoàn cho bệnh nhân N.V.H. (nam, 17 tuổi, ngụ Hàm Yên, Tuyên Quang) do xoắn tinh hoàn nhưng phát hiện muộn.

Gia đình bệnh nhân cho biết cách thời điểm nhập viện khoảng 4 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bìu bên trái. Thay vì đi khám, gia đình đã nghe truyền miệng và lấy thuốc nam với thành phần là thảo dược không rõ nguồn gốc về để đắp.

Tuy nhiên, tình trạng bệnh không đỡ, bìu trái ngày càng sưng đau hơn. Gia đình lúc này với đưa bệnh nhân tới bệnh viện địa phương để thăm khám. Người bệnh sau đó được chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang điều trị.

Bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị tích cực tại khoa Ngoại thận – Tiết niệu. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

Theo Ths.BS Ma Ngọc Ba, Trưởng khoa Ngoại thận – Tiết niệu, bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn trái, khi phẫu thuật vào kiểm tra thấy tinh hoàn trái đã chuyển màu tím đen và có dịch đen xung quanh. Vì thế, ekip phẫu thuật đã cắt toàn bộ tinh hoàn bên trái và cố định tinh hoàn bên phải cho bệnh nhân. Sau 1 ngày phẫu thuật, người bệnh đã ổn định, đỡ đau nhiều, tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực tại khoa Ngoại thận – Tiết niệu.

Lấy viên sỏi “san hô” ra khỏi thận trái cho bệnh nhân 58 tuổi

Theo báo Giáo Dục và Thời đại, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh (tỉnh Nghệ An) vừa lấy viên sỏi “san hô” kích thước 12x6 cm ra khỏi thận trái nam bệnh nhân B.Đ.T. (58 tuổi, trú tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An).

Người bệnh phát hiện sỏi từ lâu nhưng không muốn điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nên đã tìm đến thuốc lá cây để chữa bệnh. Gần đây, tình trạng đau hông lưng bên trái nhiều, tiểu buốt tái phát, tiểu lắt nhắt ngày một nhiều hơn, bệnh nhân quyết định đến Bệnh viện Đại học Y Khoa Vinh để thăm khám và điều trị.

Viên sỏi được các bác sĩ lấy ra khỏi thận trái của bệnh nhân. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại

Qua các triệu chứng lâm sàng và kết quả thực hiện các chỉ định cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có sỏi "san hô" phức tạp ở thận trái kích thước lớn và được chỉ định mổ mở lấy sỏi thận. Bệnh nhân được gây mê và viên sỏi “san hô” kích thước lớn khoảng 12x6 cm, nhiều nhánh được lấy ra.

Sau gần 2 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân ổn định, phục hồi tốt. Dự kiến người bệnh sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật