Tin tức đời sống mới nhất ngày 24/2/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 24/2/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Bị bắt vì liên tục gọi cảnh sát đến "giải quyết việc gia đình"
Người phụ nữ 36 tuổi bắt đầu sống ở Anh trước khi chuyển đến Ohio, Mỹ. |
Một người phụ nữ ở quận Stark thuộc tiểu bang Ohio, Mỹ đã bị bắt sau khi quay số 911 báo cảnh sát liên tục vì bị cha mẹ hủy dịch vụ điện thoại di động.
Trong các cuộc gọi của mình, Seloni Khetarpal, 36 tuổi, sống ở thị trấn Jackson Township liên tục yêu cầu cảnh sát đến nhà cô để giải quyết tình hình.
Cơ quan chức năng cho biết Khetarpal quay số khẩn cấp 911 vì lý do cá nhân lần đầu vào ngày 13/2. Sau cuộc gọi khẩn cấp đầu tiên, người phụ nữ 36 tuổi tiếp tục gọi điện cho đường dây nóng 1 giờ sau đó với cùng một khiếu nại.
Theo News 5 Cleveland, đến hôm thứ Năm vừa rồi, Khetarpal đã bị buộc tội phá trật tự dịch vụ công cộng, thuộc trọng tội cấp độ bốn. Tài liệu của tòa án cho biết Khetarpal là một người "hiếu chiến" và nghĩ rằng mối quan tâm của mình là một vấn đề hợp pháp.
Khetarpal tuyến bố từng làm người mẫu cho các thương hiệu như "Abercrombie and Fitch", "Miller Lite" trước khi trở thành một nghệ sĩ trang điểm và nhân viên massage. Người phụ nữ 36 tuổi cũng tiết lộ mình có chuyên môn về trang điểm cô dâu và làm tóc theo kiểu của người Nam Á.
"Nếu bạn đang tìm kiếm một nghệ sĩ trang điểm có tay nghề cao, người có thể kết hợp sự huyền bí và thanh lịch, kết hợp vẻ đẹp phương Đông và phương Tây với một nét tinh tế đầy đẳng cấp thì đừng tìm kiếm đâu xa, cô ấy ở đây", trang web của Khetarpal viết.
Kênh Fox 8 đưa tin người phụ nữ 36 tuổi đã xuất hiện tại tòa án vào thứ Sáu vừa qua và bảo lãnh cho cô được đặt ở mức 2.500 đô la (hơn 58 triệu đồng).
Không rõ dịch vụ điện thoại gì đã khiến Khetarpal phẫn nộ tới mức gọi điện cho số máy cảnh sát để tố cáo cha mẹ mình nhưng chắc chắn các cuộc gọi lặp đi lặp lại của cô đã làm phiền nghiêm trọng tới cơ quan chức năng và có tác động xấu tới hệ thống dịch vụ công.
Bé sơ sinh mắc chứng bệnh bàng quang tự “nghiền nát” thận
Gia đình nhỏ của Oliver. |
Oliver (sống tại Los Angeles, Mỹ) đã phải trải qua phẫu thuật để dẫn lưu nước tiểu từ khi còn trong bụng mẹ. Tuy nhiên, điều đó cũng không thể cứu vãn được thận và những tổn thương khi bé chào đời. Bé đã bị suy thận hoàn toàn và phải chạy thận khi mới 1 tuần tuổi.
Một số chức năng sống của em bé 6 tháng tuổi này đã phục hồi kỳ diệu như bé có thể đi tiểu bình thường. Tuy nhiên, bé sẽ cần phải ghép thận trong một vài năm tới.
Bố mẹ bé là Lionel và Violet đang tiết kiệm tiền để có thể thực hiện các cuộc phẫu thuật trong tương lai cho con trai.
Mẹ bé, Violet Smith (33 tuổi) cho biết: “Oliver là đứa trẻ rất đáng yêu. Cu cậu luôn mỉm cười và có những hành động rất hài hước.
Mặc dù phần lớn thời gian của bé là trong bệnh viện và bé đã trải qua 5 cuộc phẫu thuật, sẽ còn nhiều lần phẫu thuật nữa trong tương lai, nhưng các y tá trong bệnh viện đều vui vẻ nói rằng không ai thấy bé bị bệnh.
Chúng tôi rất tự hào về con và hy vọng con sẽ có thái độ lạc quan như vậy trong cuộc sống cho dù còn nhiều khó khăn phải đối mặt sau này.
Bé sẽ phải đối mặt với nhu cầu y tế suốt đời nhưng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ thách thức nào xảy ra với bé”.
Tam chứng Eagle-Barrett bao gồm 3 loại dị tật cùng một lúc kết hợp trên bệnh nhi, thứ nhất là giảm sinh hoặc bất sản cơ của thành bụng, thứ hai là dị tật của đường tiết niệu và thứ ba là tinh hoàn ẩn cả 2 bên. Tỉ lệ mắc bệnh này là 1/ 40.000 người.
Từ trong bụng mẹ, nước tiểu đã chảy ngược khiến bàng quang của Oliver to hơn toàn bộ cơ thể bé.
Tình trạng căng to quá mức của bàng quang đã “chèn nát” thận, phổi không phát triển bình thường và không có cơ thành bụng. Các bác sĩ đã phải thực hiện 1 ca phẫu thuật khẩn cấp, dẫn lưu nước tiểu cho thai nhi và cung cấp nước ối cho mẹ.
Ca phẫu thuật đã thành công nhưng những tổn thương không thể khắc phục. Oliver sinh ra trong tình trạng suy thận và không có cơ bụng để bảo vệ nội tạng và các chức năng cần có.
Bé đã phải chạy thận từ 1 tuần tuổi và nguy cơ tử vong trong tình trạng này là rất cao. Sau vài tuần lọc máu, ống thông máu của Oliver bắt đầu bị rò và việc điều trị phải tạm dừng. Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã xảy ra: bé Oliver bắt đầu hồi phục.
Hiện bé chưa đủ cân nặng nên chưa thể thực hiện ghép thận cho đến khi bé được 3-5 tuổi. Bố mẹ bé Oliver hy vọng rằng họ có thể sẽ cho bé thận của họ.
Do bị suy giảm vận động nên bé đang được tập trị liệu 2 lần mỗi tuần và cả tập ăn bằng miệng 1 lần mỗi tuần.
Tình trạng của Oliver được phát hiện khi thai được 16 tuần tuổi. Lúc đó họ chỉ thấy một “hố” tối đen trên nền siêu âm chứ không phải là hình hài của một thai nhi. Hố đen đó chính là bàng quang của Oliver - nó lớn đến mức đã chắn hết các thứ khác. Các bác sĩ đã phải thực hiện một cuộc phẫu thuật khẩn cấp để cứu sống thai nhi. Người mẹ không được gây mê nên hoàn toàn cảm nhận được các thiết bị y tế xuyên qua thành bụng trong tình trạng đau như cắt.
Người mẹ đã bị trầm cảm trong suốt thai kỳ nhưng cuối cùng đã vượt qua được tất cả vì cô biết con gái đầu (1,5 tuổi) và con trai trong bụng rất cần cô.
Câu được cá tầm thìa nặng 71kg phá kỷ lục thế giới
Con cá thìa kỷ lục thế giới - Ảnh: TT Bảo tồn hoang dã Okalahoma |
Một người đàn ông ở bang Oklahoma (Mỹ) đã phá kỷ lục bang và kỷ lục thế giới khi câu được con cá tầm thìa nặng khoảng 70kg.
Đại diện TT Hoang dã ở Oklahoma vừa xác nhận Justin Hamlin đã phá vỡ kỷ lục không chính thức của bang và kỷ lục thế giới khi anh này câu được con cá tầm thìa nặng khoảng 70kg.
Justin đã được cấp phép câu cá trên hồ Keystone vào ngày Valentine và may mắn câu được chú cá tầm thìa khổng lồ. Tuy nhiên, theo quy định, vào ngày thứ Hai và thứ Sáu, nếu câu được cá tầm thìa sẽ phải thả ra.
Trung tâm Bảo tồn hoang dã cho biết kỷ lục về cân nặng của cá tầm thìa từng được ghi nhận là 60kg còn kỷ lục thế giới là 65kg.
Do phải thả cá nên kỷ lục câu cá khổng lồ của Justin không được công nhận chính thức.
Nữ bác sĩ Vũ Hán qua đời ở tuổi 29 vì virus corona
Các nhân viên y tế chữa trị cho bệnh nhân tại bệnh viện Zhongnan Đại học Vũ Hán - Ảnh: Reuters |
Thêm một bác sĩ tại Vũ Hán vừa qua đời sau khi nhiễm virus corona, theo tài khoản WeChat chính thức của bệnh viện Wuhan Xiehe Jiangbei.
Bác sĩ Xia Sisi, 29 tuổi, nhập viện hôm 19/1 và được chuyển sang bệnh viện Zhongnan thuộc đại học Vũ Hán vì bệnh tình biến chuyển nặng hơn.
“Vào lúc 6h30 ngày 23/2, cô (Xia Sisi) đã qua đời tại bệnh viện Zhongnan thuộc đại học Vũ Hán sau khi các bác sĩ tận tình cứu chữa hết mình. Chúng tôi bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc tới sự ra đi của Bác sĩ Xia Sisi và chia buồn tới gia đình của nữ bác sĩ”, bệnh viện Wuhan Xiehe Jiangbei cho biết trong một tuyên bố. Bệnh viện Wuhan Xiehe Jiangbei là nơi bác sĩ Xia Sisi làm việc tại khoa vị tràng học.
Hàng loạt nhân viên y tế đã nhiễm virus từ khi dịch bệnh bùng phát và lây lan từ Vũ Hán, tỉnh lỵ, tỉnh Hồ Bắc. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm 14/2 cho biết đã có tổng cộng 3.019 nhân viên y tế nước này mắc bệnh.
Tới nay, ít nhất 16 người đã tử vong. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều trường hợp có thể không được ghi nhận.
Công chúng Trung Quốc từng phản ứng giận dữ sau khi bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng ở Vũ Hán qua đời hôm 7/2 vì nhiễm virus. Anh là một trong những người cảnh báo sớm về dịch bệnh từ khi có những ca nhiễm đầu tiên, nhưng đã bị công an triệu tập với cáo buộc "phao tin đồn nhảm".
Ngày 17/2, bác sĩ Lưu Chí Minh, chuyên gia ngoại khoa thần kinh, giám đốc Bệnh viện Vũ Xương ở Vũ Hán, qua đời sau thời gian điều trị. Đây là trường hợp giám đốc bệnh viện đầu tiên tử vong vì virus corona tại Trung Quốc.
Bác sĩ Lâm Chính Bân, giáo sư về cấy ghép tạng tại bệnh viện Đồng Tế thuộc đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán, cũng qua đời vì nhiễm virus.
Tại bệnh viện Trung ương Vũ Hán, hơn 230 nhân viên y tế được cho là nhiễm virus theo tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng, trong đó 130 người phải nhập viện và hơn 100 người cách ly tại nhà.
Quỳnh Chi (T/h)