Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 24/6: Người phụ nữ có hàng nghìn viên sỏi trong túi mật

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 24/6/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 24/6/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Người phụ nữ có hàng nghìn viên sỏi trong túi mật

Tạp chí Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời bác sĩ Trần Kiên Quyết - Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết đã tiếp nhận bệnh nhân 73 tuổi có triệu chứng đau quặn bụng trong thời gian dài.

Qua thăm khám, bà được chẩn đoán sỏi túi mật gây viêm và có chỉ định phẫu thuật sớm. Sau phẫu thuật, kết quả khiến các bác sĩ phải ngỡ ngàng vì bệnh nhân có hàng nghìn viên sỏi nhỏ chứa trong một túi mật có kích thước chưa bằng quả trứng ngỗng.

Các bác sĩ ngỡ ngàng vì bệnh nhân có hàng nghìn viên sỏi nhỏ trong túi mật. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

"Bệnh sỏi túi mật thường xuất hiện các triệu chứng như đột ngột xuất hiện cơn đau ở phía mạn sườn bên phải, ngay dưới vùng xương sườn, ở vai phải hoặc giữa hai bả vai", bác sĩ Kiên cho hay.

Được biết, bệnh thường đi kèm các biểu hiện như buồn nôn và nôn mửa; đổ mồ hôi, bồn chồn; cơ thể mỏi mệt. Ở một số trường hợp, bệnh có biểu hiện rối loạn tiêu hóa kèm sốt cao trên 38 độ C và rét run.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, ngay khi xuất hiện những dấu hiệu trên, người bệnh cần được khám chuyên khoa tiêu hóa để chủ động điều trị sớm, trước khi dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hơn.

Nhập viện cấp cứu sau khi ăn dưa lê đã cắt để tủ lạnh từ hôm trước

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, khoa Bệnh lây đường tiêu hóa – Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh với chẩn đoán nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn.

Theo lời kể của bệnh nhân, buổi sáng trước khi vào viện, bệnh nhân có ăn một quả dưa lê đã cắt và để trong tủ lạnh từ tối hôm trước. Sau khi ăn khoảng 2 tiếng, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện buồn nôn, nôn ra dịch dạ dày có lẫn thức ăn, kèm theo đau bụng âm ỉ quanh rốn, đi ngoài phân lỏng, rối loạn tiểu tiện.

Người bệnh vào viện trong tình trạng ý thức tỉnh, kích thích, môi khô, lưỡi bẩn, đau bụng nhiều, nôn ra dịch dày dày, sốt cao (38,7 độ C), huyết áp thấp (90/50mmHg). Bệnh nhân đã được khám chẩn đoán, điều trị và chăm sóc kịp thời, toàn trạng ổn định và được ra viện.

Bệnh nhân đã được khám chẩn đoán, điều trị và chăm sóc kịp thời. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Theo chia sẻ của các bác sĩ, trong trường hợp nói trên, bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn mà không xử trí kịp thời rất dễ xảy ra nguy cơ và biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Tiến sĩ, Đại tá Nguyễn Đăng Mạnh - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, nhiễm khuẩn nhiễm độc ăn uống là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường tiêu hoá. Bệnh cảnh lâm sàng chính là hội chứng viêm dạ dày, tiểu tràng cấp tính.

Bệnh thường khởi phát đột ngột sau khi ăn phải thức ăn đã bị ô nhiễm bởi vi sinh vật gây bệnh hoặc độc tố của chúng, hoặc khi ăn các thức ăn có nguồn gốc động vật bị ô nhiễm Salmonella như thịt, đặc biệt thịt tái, sống, sữa, trứng (gà, vịt), trai, sò, hến nấu chưa chín…

Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể khởi phát khi dùng rau sống, hoa quả, nước uống bị nhiễm Salmonella bởi phân người và súc vật.

Nguyên nhân khiến người đàn ông đau bụng, uống thuốc không đỡ

Theo báo Người Lao Động, bác sĩ Trương Minh Hiếu - Trưởng khoa Nội soi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An cho biết thời gian qua, bệnh viện liên tiếp xử trí cấp cứu nhiều trường hợp bệnh nhân nuốt phải dị vật như vỏ viên thuốc, xương cá, gân bò…

Trong số đó, nam bệnh nhân P.V.T (48 tuổi, quê Thanh Hóa) cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị kèm theo buồn nôn, có uống thuốc nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm.

Sau khi thăm khám, bệnh nhân có chỉ định nội soi thực quản để kiểm tra. Các bác sĩ phát hiện mẩu xương cá dài 3,5cm, 2 đầu đâm dính vào thành hang vị tạo thành ổ áp xe nhỏ có đường kính 2mm. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị đau bụng.

Các bác sĩ tiến hành đưa dụng cụ luồn vào ống nội soi và gắp xương cá ra ngoài an toàn. Bệnh nhân hết đau, ăn uống trở lại bình thường và đã được xuất viện.

Mẩu xương cá dài 3,5 cm được gắp ra. Ảnh: Người Lao Động

Bác sĩ Hiếu chia sẻ, hiện tượng hóc xương khá phổ biến và thủ thuật soi gắp dị vật được tiến hành thường xuyên. Đối với những dị vật này, nếu không được gắp sớm, dị vật có thể đâm thủng thực quản, gây chảy máu, dẫn đến viêm, áp xe... có trường hợp gây nguy hiểm đến tính mạng.

Để phòng tránh dị vật đường ăn, bác sĩ Hiếu khuyến cáo người dân cần lưu ý chế biến thức ăn cẩn thận, ăn uống từ tốn, nhai kỹ, không cười đùa trong lúc ăn, trẻ nhỏ cần được gỡ sạch xương. Khi nghi ngờ hóc dị vật, cần đến bệnh viện để được thăm khám và xử trí đúng cách, tránh xảy ra các biến chứng không đáng có.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật