Tin tức đời sống mới nhất ngày 23/9/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 23/9/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Gắp chiếc nhẫn trong bụng bé gái
Chiếc nhẫn nằm trong tá tràng của bệnh nhi. (Ảnh: BVCC). |
Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết trên Zing, đơn vị này đã nội soi gắp dị vật ra khỏi tá tràng cho bé N.N.Q. (4 tuổi, trú tại Hải Đông, Móng Cái, Quảng Ninh).
Bệnh nhi vào viện trong tình trạng ngực đau tức, ho nhiều. Gia đình bé Q. cho hay trẻ đã nuốt chiếc nhẫn. Ngay sau khi phát hiện, gia đình đã đưa trẻ đến khám tại Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái.
Kết quả chụp X-quang cho thấy dị vật nằm ở tá tràng của bệnh nhi, kích thước khoảng 3 cm. Các bác sĩ quyết định nội soi tiêu hóa cấp cứu để gắp dị vật cho trẻ. Các bác sĩ đã dùng kìm để lấy chiếc nhẫn ra ngoài, sau đó kiểm tra lại tình trạng thực quản, dạ dày, tá tràng. Thủ thuật này giúp bệnh nhi tránh được việc phải phẫu thuật.
Bác sĩ Nguyễn Thị Dung, người trực tiếp làm thủ thuật, cho hay dị vật sắc nhọn không được loại bỏ kịp thời có thể gây thủng thành ruột, các vị trí mà chúng đi qua.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên cho trẻ chơi đồ vật có kích thước nhỏ, dễ bỏ vào miệng để ngậm, nuốt, gây hậu quả đáng tiếc. Khi nuốt phải dị vật, người bệnh cần đến khám và điều trị ngay tại các cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện (X-quang, nội soi). Người dân tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà hay theo mẹo theo dân gian. Hành động này rất nguy hiểm và làm bệnh thêm phức tạp.
Xử trí thành công cho bệnh nhi bị chó cắn gây tổn thương nặng
Tình trạng bệnh nhân sau 5 ngày điều trị. |
Báo Thanh Hóa thông tin, bệnh nhi là Ng.Kh.Th. (24 tháng tuổi, ở Đông Vinh, Đông Sơn, Thanh Hóa), sang nhà hàng xóm chơi đùa, không may bị chó cắn.
Bệnh nhi nhập viện vào khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện Nhi Thanh Hóa khoa trong tình trạng vùng da đỉnh đầu rách, bong lóc lộ sọ, 3 vết cắn kích thước 3cm x 8cm, rách da, mất tổ chức vùng má thái dương phải kích thước 2cm x 9cm, lộ mạch máu, chảy máu đẫm gạc, rách da vùng cổ kích thước 2cm x 2cm. Bệnh nhi nhanh chóng được khám và được hội chẩn mổ cấp cứu với chẩn đoán: Đa vết thương hàm mặt do chó cắn, ca mổ kéo dài trong 2 tiếng.
Sau 5 ngày điều trị, hiện tại bệnh nhi đã tỉnh, vết mổ đã khô, ăn uống được, chơi ngoan, chuẩn bị xuất viện.
Theo báo cáo của bệnh viện Nhi Thanh Hóa: Trung bình mỗi năm Khoa Răng Hàm Mặt tiếp nhận điều trị 20-30 ca bị chó cắn vùng đầu mặt. Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh dại, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; gia đình trẻ không cho trẻ lại gần chó, đặc biệt chó lạ; không trêu chọc chó khi chó đang ăn, đang ngủ và khi trẻ đang ăn.
Khi bị chó cắn cần xử lý vết thương kịp thời. Nếu vết thương nhỏ, không chảy máu hay chảy máu ít nên rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước; vết thương lớn cần cầm máu ép vết thương bằng gạc, vải sạch, hạn chế làm dập vết thương, không được băng kín vết thương và đến ngay các trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng ngừa mới không bị bệnh dại.
Đặc biệt, cần theo dõi vết thương, biểu hiện của trẻ; theo dõi chó trong 15 ngày tiếp theo, không được đánh chết chó; người dân tuyệt đối không được dùng thuốc nam, nhờ thầy lang hoặc tự chữa khi bị chó cắn.
Sơn La: Bé trai 12 tuổi bị cành cây đâm xuyên cổ
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cho biết trên báo Công lý, các bác sĩ bệnh viện vừa phẫu thuật thành công, cứu sống một bệnh nhi 12 tuổi bị cành cây đâm xuyên vùng cổ.
Theo đó, vào khoảng 19 giờ ngày 20/9, bệnh nhân C.V.T. (12 tuổi, ở xã Púng Tra, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) nhập viện trong tình trạng mất máu nặng do vết thương bị cành cây đâm vào vùng cổ.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trong lúc trèo cây cao, T. bị ngã xuống phía dưới liền bị thân cây cà phê chọc xuyên vùng cổ. Ngay lập tức, gia đình đưa cháu T. đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơ La điều trị.
Qua thăm khám, nhận định đây là trường hợp nguy kịch, kíp trực đã tiến hành hồi sức tích cực, hội chẩn và chuyển thẳng bệnh nhân lên phòng mổ gây mê, tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Lương Đức Hà, Khoa chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, vết thương mạch máu lớn vùng cổ là những vết thương chí mạng do mất nhiều máu, tính mạng của bệnh nhân phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng sơ cứu ban đầu.
“Kíp mổ đã tiến hành bóc tách đầu vào và ra của vết thương, rạch da mặt trước ngoài vùng cổ trái theo hướng của dị vật, bộc lộ lấy dị vật ra khỏi vùng cổ, thấy máu chảy nhiều qua vết mổ, bộc lộ thấy tổn thương tĩnh mạch cảnh ngoài, cơ bám da cổ, cơ ức đòn chũm.
Tiến hành khâu nối tĩnh mạch cảnh ngoài, khâu phục hồi tổn thương cơ, rửa sạch và đóng vết mổ. Sau nhiều giờ phẫu thuật, cành cây đã được lấy ra khỏi cổ bệnh nhi”, bác sĩ Lương cho hay.
Hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và đang được theo dõi điều trị.