Bé 13 tuổi nhập viện cấp cứu do uống nước ngọt quá nhiều
Người Lao Động dẫn thông tin từ bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, hoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP. HCM), cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận bệnh nhi 13 tuổi ở Cà Mau nguy kịch vì uống nhiều nước ngọt trong một thời gian ngắn.
Theo lời kể của người nhà, bệnh nhi có thói quen uống nhiều nước ngọt, có lúc uống 3-4 chai nước ngọt có gas loại 1,5 lít mỗi ngày. Đỉnh điểm là bệnh nhi từng uống gần hết thùng nước trà xanh.
Bệnh nhi hiện đã vượt qua được những biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường nhưng cần thắt chặt chế độ ăn và thực hiện nghiêm các chỉ định của bác sĩ. Ảnh: VietNamNet
Tuy người lớn có dặn dò, răn đe nhưng không thể kiểm soát việc bệnh nhi uống nước ngọt. Cho tới sau Tết, bệnh nhi bắt đầu bị các biến chứng đái tháo đường khi hay than mệt, khát nước, tiểu nhiều và sụt 10kg trong 3 ngày.
Bệnh nhi được gia đình đưa đến bệnh viện tại địa phương cấp cứu trong tình trạng vật vã, khó chịu. Tại đây, bệnh nhi được xét nghiệm, kết quả ghi nhận đường huyết hơn 1.500mg/dl – con số sẵn sàng gây biến chứng hôn mê và nhiễm trùng khó lường.
Sau đó, bệnh nhi được chuyển tới Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ngay trong đêm với tình trạng lơ mơ, sốc mất nước nặng, da khô và tái nhợt. Sau khi nhập viện, bệnh nhi được cấp cứu cân chỉnh đường huyết tích cực bằng nhiều loại dịch truyền, tiêm thuốc insulin đặc trị đái tháo đường.
Sáng ngày 17/2, bệnh nhi tỉnh táo, hồi phục sức khỏe. Hiện, bệnh nhi đã vượt qua được những biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường nhưng cần thắt chặt chế độ ăn và thực hiện nghiêm các chỉ định của bác sĩ để kiểm soát sức khỏe.
Thần tốc cứu sống sản phụ bị vỡ ối do sa dây rốn toàn bộ
Theo Sức Khỏe & Đời sống, một sản phụ ở TP.HCM bị vỡ ối do sa dây rốn toàn bộ vừa được cứu sống, em bé chào đời an toàn. Cụ thể, sản phụ H.N.T. (29 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) mang thai 32 tuần, nhập viện cấp cứu vào lúc 5h40 ngày 9/2. Thời điểm đó, sản phụ ở trong tình trạng bị tái, mướt mồ hôi vì đau và lo lắng, đã bể nắp ối, dây rốn và 2 chân em bé thò ra khỏi cửa mình (âm hộ).
Chồng của sản phụ cho biết khi đang ngủ, sản phủ bất ngờ bị nước ối ra ngoài kèm theo 2 chân bé và dây rốn. Người chồng lập tức lấy khăn bịt lại, gọi taxi đưa sản phụ đến bệnh viện. Vì phải đi bộ 2 tầng lầu ở nhà nên khi đến bệnh viện dây rốn bé đập khá chậm, 100-120 lần/phút.
Các bác sĩ tiến hành mổ tối khẩn để đưa em bé ra ngoài . Ảnh: Sức Khỏe & Đời sống
Nhận định đây là trường hợp sa dây rốn hiếm gặp kèm theo sa 2 chân bé, ekip các bác sĩ trực khẩn trương dùng khăn ấm bọc lấy dây rốn cùng với 2 chân bé và kê mông sản phụ lên cao để tránh chèn ép dây rốn, đồng thời chuyển nhanh lên phòng mổ. Do cổ tử cung sản phụ chưa mở trọn, rất nhanh và quyết đoán, các đã quyết định mổ tối khẩn để đưa bé ra ngoài ngay lập tức trong vòng 3 phút.
Các bác sĩ khéo léo rút ngược mông và 2 chân của bé, đưa bé ra một cách an toàn. Em bé chào đời an toàn với cân nặng 2,65kg, hoàn toàn không có biến chứng, chấn thương hoặc gãy xương. Do em bé non tháng, ekip bác sĩ trực nhi nhanh chóng hồi sức cho bé, khoảng 3 phút sau bé đã tự thở được, có phản xạ, môi và cơ thể hồng hào dần. Em bé sau đó được chuyển lên khoa hồi sức nhi (NICU) chăm sóc 24h, hiện tất cả các chỉ số đều bình thường và khỏe mạnh. Sức khỏe mẹ và bé đều đã hồi phục nhanh chóng.
Thanh niên nhập viện vì bị tắc mạch, hoại tử dái tai sau khi tiêm filler
Ngày 18/2, khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 24 tuổi ở TP Thủ Đức (TP.HCM) bị tắc mạch, hoại tử dái tai do tiêm chất làm đầy (filler) để giống tai Phật.
Bác sĩ thăm khám cho nam bệnh nhân. Ảnh: Pháp Luật Việt Nam
Theo Pháp Luật Việt Nam, bệnh nhân đến viện khám trong tình trạng dái tai bầm tím, đau nhức. Bệnh nhân kể, do muốn có dái tai dài, dày, to như tai Phật nên cách đó mấy ngày có nhờ một người bạn (làm nhân viên spa) mua filler với chi phí hơn 1 triệu đồng về nhà tiêm.
Sau tiêm 1 ngày, dái tai bệnh nhân bắt đầu đau nhức, căng cứng. Bệnh nhaanh nhanh chóng thông báo với bạn và được tiêm giải, uống kháng sinh, kháng viêm nhưng tình trạng không thuyên giảm. Lo lắng nên anh vội đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM để thăm khám.
Qua thăm khám, bác sĩ CKII Phạm Thị Thanh Giang ở khoa Thẩm mỹ da nhận định bệnh nhân bị tắc mạch và loét hoại tử một phần dái tai, rất có thể do người tiêm thực hiện sai kỹ thuật nên tiêm vào mạch máu. Bác sĩ Giang cũng không loại trừ nguyên nhân có thể do filler là hàng trôi nổi, rẻ tiền nên không đảm bảo chất lượng.
Bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm, sau một tuần, tình trạng viêm, hoại tử đã cải thiện đáng kể.
Đinh Kim (T/h)