Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 17/1: Bé 6 tuổi ngừng tuần hoàn, hôn mê sau khi ăn kẹo dẻo

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 17/1/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 17/1/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bé 6 tuổi ngừng tuần hoàn, hôn mê sau khi ăn kẹo dẻo

Theo báo Công Lý, thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, vừa tiếp nhận một bé gái nhập viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê sau khi ăn kẹo dẻo bán ở cổng trường.

Sự việc xảy ra vào khoảng 8h ngày 5/1, bé gái N.T. K.T. (6 tuổi, ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) được bà ngoại đưa đến trường mầm non đi học. Khi đến cổng trường, bà vào cửa hàng tạp hóa để mua sữa cho bé uống. Lúc này, bé đòi bà mua kẹo, bà đồng ý và trẻ chọn loại kẹo dẻo mắt trâu.

Sau đó, bé được bà đưa vào trường, khi cô giáo vào lớp thì thấy trẻ gục mặt xuống bàn, lại gần thì phát hiện trẻ nằm bất động, tím tái, khó thở. Ngay lập tức, nhà trường đã đưa trẻ đến Bệnh viện Tâm Đức gần đó để cấp cứu, gắp dị vật là miếng kẹo dẻo cắn dở. Sau đó, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Bệnh nhi đang được chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Ảnh: Công Lý

Tại Bệnh viện nhi Thanh Hóa, trẻ nhập viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn hô hấp, hôn mê với tiên lượng rất nặng. Hiện, trẻ vẫn đang tiếp tục được theo dõi và chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Các bác sĩ khuyến cáo đến bậc phụ huynh có con nhỏ, không để bé tự ăn các loại bánh/kẹo có nguy cơ hóc, không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan ở cổng trường. Nếu không may bé hóc, sẽ rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của trẻ.

Nắp chai nước nằm trong dạ dày người đàn ông suốt nhiều năm

VTV News đưa tin, trường hợp bệnh nhân cao tuổi có dị vật là nắp chai nước trong dạ dày vừa được Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An nội soi gắp ra ngoài thành công. Cụ thể, nam bệnh nhân 80 tuổi (người Mỹ) đã vô tình nuốt phải nắp chai (không nhớ rõ là nắp chai gì) thời điểm khoảng mười mấy tuổi.

Sau đó, bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng gì bất thường nên vẫn sinh hoạt bình thường và sự việc đã bị lãng quên. Thời gian gần đây, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau bụng và táo bón nên đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An để thăm khám.

Tại đây, các bác sĩ tiến hành nội soi phát hiện phình vị có dị vật hình tròn đen, có đường kính khoảng 30mm, độ dày 5mm, sau đó tiến hành lấy ra bằng vợt, kiểm tra có trầy xước tâm vị, không chảy máu. Sau khi được bác sĩ lấy thành công dị vật, bệnh nhân đã bớt khó chịu và được xuất viện về trong ngày.

Bác sĩ CKI. Trương Minh Hiếu - Trưởng Khoa Nội soi cho biết, đây là trường hợp dị vật nằm trong dạ dày lâu nhất từ trước đến nay mà bệnh viện đã tiếp nhận. Dị vật dạ dày đôi khi không có triệu chứng gì cả hoặc chỉ buồn nôn, đau bụng thượng vị, thức ăn không tiêu hóa, nôn ra dịch thức ăn…. Do đó, mọi người thường bỏ qua cho đến khi xuất hiện triệu chứng nặng hơn thì mới phát hiện, lúc này dị vật có thể làm trầy xước, thậm chí rách và nhiễm trùng đường tiêu hóa.

XEM THÊM: Báo động đỏ cấp cứu nữ bệnh nhân băng huyết sau khi tự ý phá thai tại nhà

Để ngăn ngừa khả năng mắc dị vật đường tiêu hóa, điều quan trọng nhất là cẩn trọng trong lúc ăn uống, nhai kỹ, không ăn vội, bỏ thói quen ngậm tăm, ngậm đồ chơi ở trẻ em.

Xây dựng thói quen ăn uống khoa học, tránh để dị vật có cơ hội đi vào đường tiêu hóa và ngay khi có những triệu chứng nghi ngờ thì cần đến ngay cơ sở y tế để được phát hiện và có biện pháp điều trị nhanh nhất trước khi bệnh diễn tiến nặng hơn.

Bộ Y tế cảnh báo nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gia tăng

Báo Tiền Phong đưa tin chiều 16/1, Bộ Y tế thông tin hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Việt Nam cũng đang trong giai đoạn gia tăng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong tháng 12/2023, thế giới ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do COVID-19, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng 11/202; các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi, hiện biến thể JN.1 đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu.

Tại Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia châu Âu cũng ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca mắc COVID-19 cùng với sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác như cúm mùa và virus hợp bào hô hấp (RSV).

Trong nước, tại khu vực miền Bắc vẫn đang trong giai đoạn mùa Đông Xuân, thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô xen kẽ nồm ẩm là nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng và một số bệnh có vaccine dự phòng tiếp tục ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi.

Bộ Y tế nhận định, thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lí nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Bác sĩ theo dõi sức khỏe cho người bệnh mắc sốt xuất huyết. Ảnh: TTXVN

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu UBND tỉnh, thành phố sớm ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 và huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là trong thời gian dịp Tết Nguyên đán 2024.

Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do virus.

Bên cạnh đó, chủ động công tác giám sát, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lí kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong; tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng.

Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và chuẩn bị các phương án ứng phó với các tình huống của dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật