Căn bệnh khiến móng tay người phụ nữ tím đen, chảy dịch
Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ bác sĩ Nguyễn Hữu Quang - Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, các bác sĩ vừa điều trị cho nữ bệnh nhân 75 tuổi, bị ung thư da với dấu hiệu móng tay tím đen.
Bệnh nhân có biểu hiệu bất thường ở ngón tay trong thời gian khá dài nhưng đi khám nhiều nơi không tìm ra bệnh. Theo lời kể của người bệnh, khoảng 1 năm nay xuất hiện tổn thương màu đen vùng móng - da ngón 3 tay phải. Theo thời gian tổn thương màu đen tăng dần về kích thước, ngón tay sần sùi, loét rộng, chảy dịch, mất móng.
Cách đây 6 tháng, bệnh nhân đã đến khám và điều trị bệnh viện huyện nhưng bệnh không thuyên giảm. Gần đây, ngón giữa tay phải có móng tay tím đen, chảy dịch, chảy máu, đau nhẹ. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị ung thư tế bào hắc tố (ung thư da) ngón 3, bàn tay phải.
Tổn thương do ung thư da xuất hiện ở ngón tay của bệnh nhân. Ảnh: Người Lao Động
"Bệnh nhân được chỉ định nhập viện, phẫu thuật cắt ung thư và vét hạch. Với kết quả xét nghiệm ban đầu, tình trạng bệnh ung thư tế bào hắc tố ở giai đoạn sớm, chưa phát hiện di căn vùng và di căn xa", bác sĩ Quang nói.
Bác sĩ Quang cho biết, ung thư tế bào hắc tố là một trong loại ung thư da ác tính nhất vì tiến triển nhanh, di căn xa. Tuy bệnh có tỷ lệ di căn cao nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ có thể điều trị khỏi, tỷ lệ sống sau 5 năm rất cao.
Với trường hợp này, bệnh được phát hiện sớm nên chỉ cần điều trị bằng phẫu thuật và theo dõi trong 5 năm tiếp theo, chưa cần hóa trị hoặc xạ trị.
Theo các bác sĩ, dấu hiệu nhận biết ung thư tế bào hắc tố là các tổn thương màu đen với kích thước dưới 6 mm, tiến triển về kích thước, không đồng nhất về màu sắc bất kỳ vị trí nào da và niêm mạc.
Riêng ở người Việt Nam, ung thư da thường xuất hiện tại các vị trí đầu cực như: bàn, ngón chân. Do đó, khi phát hiện ra các bất thường ở da, người dân nên đi khám chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị đúng.
Cứu sống người đàn ông bị nhồi máu cơ tim tối cấp
Theo TTXVN, ngày 15/2, thông tin từ Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng cho hay, các bác sĩ bệnh viện vừa can thiệp cấp cứu động mạch vành bên trái, cứu sống nam bệnh nhân 60 tuổi bị nhồi máu cơ tim tối cấp.
Cụ thể, ngày 13/2, bệnh nhân H.N.H (60 tuổi, Đà Nẵng) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng trong tình trạng đau ngực dữ dội. Cơn đau này đã xuất hiện từ 3 ngày trước nhưng cho rằng đau dạ dày do bia rượu nên ông H. cố gắng chịu đựng. Đến khi cơn đau nặng dần, ông H. mới đến bệnh viện.
Tại Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng, các bác sĩ nhanh chóng thăm khám và thực hiện cận lâm sàng để chẩn đoán cho bệnh nhân H. Kết quả xác định ông H. mắc nhồi máu cơ tim ST chênh lên (một dạng nhồi máu cơ tim tối cấp có khả năng gây tử vong).
Sau khi chụp DSA, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc mạn tính động mạch vành bên phải và hẹp nặng cấp tính động mạch vành bên trái vôi hóa, lan tỏa.
Bệnh nhân dự kiến sẽ được xuất viện vào 17/2. Ảnh: TTXVN
Ekip bác sĩ về đột quỵ - can thiệp mạch máu nhanh chóng triển khai can thiệp cấp cứu động mạch vành bên trái cho ông H. Sau 4 giờ can thiệp, các bác sĩ đã nong bóng đặt stent mạch máu hẹp tắc bên trái, giúp tái thông dòng máu nuôi tim, giải quyết tình trạng nhồi máu cơ tim cho bệnh nhân.
Hiện, sức khỏe của ông H. đang hồi phục, dự kiến sẽ được xuất viện vào 17/2. Phần mạch máu bên phải sẽ được can thiệp sau vài tuần khi tình trạng sức khỏe của ông H. tốt hơn.
XEM THÊM: Cứu sống bé trai 2 tuổi nhập viện sau khi ăn cháo cá lóc ngày Tết
ThS.BS Bùi Ngọc Anh - Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Đột quỵ nhận định, mặc dù bệnh nhân không mắc các bệnh lý mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường nhưng thói quen hút thuốc lá thường xuyên từ lâu đã làm nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim của bệnh nhân cao hơn rất nhiều.
Bác sĩ Bùi Ngọc Anh khuyến cáo, khi xuất hiện những triệu chứng bất thường như tê bì, đau nhức một vùng cơ thể tái đi tái lại, khó thở, mệt nặng ngực... nghi ngờ đột quỵ, người bệnh không nên tự chẩn đoán hay dùng thuốc tự mua khiến bệnh nặng, khó điều trị. Người bệnh cần ngay lập tức đến bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để điều trị, tuyệt đối không chủ quan dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Tình hình bệnh nhân bị đa chấn thương nặng, gãy 11 xương sườn ở Đồng Nai
Báo Đồng Nai đưa tin chiều 15/2, bác sĩ CKII Nguyễn Tường Quang - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, sau 15 ngày được cấp cứu, điều trị tích cực, đến nay bệnh nhân N.T.D. (54 tuổi, ngụ xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), bị đa chấn thương rất nặng đã bình phục, tỉnh táo, chuẩn bị được phẫu thuật xương đùi.
Trước đó, ngày 30/1, bệnh nhân đang đi bộ qua đường thì bị xe máy tông, kéo lê 30m. Sau khi được sơ cấp cứu, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trong tình trạng đa chấn thương, chấn thương ngực kín, tràn máu, tràn khí màng phổi phải, gãy 11 xương sườn bên phải, chấn thương gan độ 5 (độ nặng nhất), dập 1/3 dưới phổi phải, chấn thương thận, gãy xương chậu, gãy 1/3 dưới xương đùi bên phải…
Người bệnh đã bình phục, tỉnh táo, chuẩn bị được phẫu thuật xương đùi. Ảnh: Báo Đồng Nai
Ngay lập tức, bệnh viện đã kích hoạt quy trình báo động đỏ, mời khẩn cấp lãnh đạo bệnh viện và bác sĩ các chuyên khoa: Ngoại lồng ngực, Ngoại tổng quát, Gây mê hồi sức, Chấn thương chỉnh hình, Ngoại niệu để hội chẩn, đưa ra hướng xử lý.
Bệnh nhân sau đó được phẫu thuật cấp cứu dẫn lưu màng phổi, cắt lọc khâu vết thương bàn chân, xuyên đinh kéo tạ xương đùi phải, dùng thuốc điều trị bảo tồn gan, theo dõi chấn thương đầu và bàng quang.
Quá trình phẫu thuật và điều trị, bệnh nhân được truyền 9 đơn vị máu. Do bệnh nhân bị rối loạn điện giải, bị nhiều vết thương nặng nên quá trình điều trị phải tiến hành lọc máu cấp cứu trong 2 ngày, thở máy trong khoảng 1 tuần, phải điều trị kháng sinh, an thần.
Đinh Kim (T/h)