Cứu nam sinh 14 tuổi bị chấn thượng sọ não hở
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Kiến An (Hải Phòng) cho biết, tối 9/2 (tức 30 Tết), đơn vị tiếp nhận ca bệnh bị chấn thương nặng do sự cố tai nạn gây ra.
Tại thời điểm nhập viện, nam bệnh nhân V.H.V.T (SN 2010, ở Kiến Thụy, Hải Phòng) có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, chảy máu vùng đầu, vỡ xương sọ. Qua thăm khám và thực hiện các bước kiểm tra, chiếu chụp..., các bác sĩ Khoa cấp cứu đã chẩn đoán bệnh nhân bị chấn thương sọ não hở.
Kíp mổ do bác sĩ CKII Vũ Tuấn Anh - PGĐ Bệnh viện Kiến An làm trưởng kíp đã cứu sống bệnh nhân bị tai nạn chấn thương sọ não hở. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Kíp trực cấp cứu Bệnh viện Kiến An đã tập trung toàn lực thực hiện khẩn cấp ca phẫu thuật cho bệnh nhân này. Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã loại bỏ những mảnh xương lún cắm vào não của bệnh nhân, tổ chức não dập và khối máu tụ; đồng thời xử lý vết thương sọ não hở một cách triệt để.
Sau vài tiếng, ca phẫu thuật đã hoàn tất, thành công. Hiện, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, có nhiều chuyển biến tích cực trong hồi phục và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tại bệnh viện.
Căn bệnh khiến thiếu niên 14 tuổi đau nhức một bên tinh hoàn
Theo thông tin trên VnExpress, thiếu niên 14 tuổi đau tức một bên tinh hoàn ngày đầu năm mới nhưng ngại nói, đến lúc vào viện thì tinh hoàn xoắn thâm tím, suýt phải cắt bỏ.
Cụ thể, TS.BS Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng Khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân cho biết, bệnh nhân vào cấp cứu khi xoắn tinh hoàn hơn 10 giờ, đã qua thời gian vàng 6 giờ đầu.
May mắn, tình trạng chưa quá nghiêm trọng, vẫn còn mạch máu nuôi. Bác sĩ quyết định giữ lại tinh hoàn theo dõi thêm và cố định vào vị trí để tránh nguy cơ xoắn dây tinh tái phát.
Theo TS.BS Mai Bá Tiến Dũng, xoắn dây tinh là một tình trạng cấp cứu nam khoa, thường gặp sau sinh và trong ngưỡng tuổi từ 12 - 18. Tinh hoàn xoắn khiến máu không đến được, nhanh chóng hoại tử. Bệnh có biểu hiện đau đột ngột một bên bìu, sưng to, không sốt.
Bác sĩ Nguyễn Hồ Vĩnh Phước - khoa Nam học chia sẻ, một thống kê gần đây trên 1.140 người bệnh cho thấy tỷ lệ phải cắt bỏ bộ phận sinh "tinh binh" lên đến 90% nếu người bệnh đến bệnh viện trễ hơn 24 giờ từ khi có triệu chứng đau bìu.
Ngược lại, người bệnh đến khám sớm trong vòng 6 giờ thì chỉ 5% trường hợp mất tinh hoàn, trong vòng 6-12 giờ thì khoảng 20% trường hợp tinh hoàn đã hoại tử phải cắt bỏ bên xoắn dây tinh.
"Có những cậu bé và cả người đàn ông trưởng thành vừa nằm xuống bàn phẫu thuật thì bật khóc nức nở", bác sĩ Phước nói, thêm rằng tâm lý người bệnh vừa lo lắng hoang mang, vừa hối hận vì đến muộn. Có những bệnh nhi áy náy vì không dám nói chuyện đau bệnh với bố mẹ ngày Tết. Các bác sĩ phải trấn an, động viên, tư vấn các giải pháp để bảo vệ khả năng sinh sản về sau và khắc phục những tổn thương tâm lý cho người bệnh lẫn phụ huynh.
Người bệnh mất một bên tinh hoàn nhưng bên còn lại có chức năng sinh tinh bình thường thì người nam vẫn có thể sinh con. Một số người bệnh mong muốn dự phòng trong khả năng sinh con về sau bằng cách gửi tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng. Người thiếu tự tin vì mất một tinh hoàn, có thể đặt tinh hoàn nhân tạo để tránh mặc cảm về khiếm khuyết cơ thể.
XEM THÊM: Cần lưu ý những điều gì để không bị ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết?
Người mất một bên tinh hoàn nên tránh chơi các môn thể thao đối kháng như đá bóng, đánh võ để phòng nguy cơ chấn thương làm dập vỡ tinh hoàn còn lại. Sau phẫu thuật, người đã cắt một bên tinh hoàn cần tái khám thường xuyên để được thăm khám và theo dõi các chức năng của tinh hoàn còn lại, bao gồm chức năng sinh tinh và nội tiết. Trong trường hợp cần thiết, như suy giảm testosterone, người bệnh cần được kịp thời điều trị để tránh các biến chứng về sau.
Bác sĩ Phước khuyến cáo nam giới có biểu hiện bất thường như đau bìu cần vào đến khám ngay. Dịp Tết, bệnh viện vẫn trực cấp cứu 24/24, không nên chần chừ đi khám dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
"Một số người còn e ngại đầu năm đi viện thì cả năm đau ốm, đến lúc bệnh tình ngày càng nặng mới đi cấp cứu thì đã trễ thời gian vàng để cứu chữa", bác sĩ nói.
Hơn 151.000 lượt khám, cấp cứu trong 3 ngày nghỉ Tết
VTV Times đưa tin, Bộ Y tế vừa có báo cáo gửi Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo đảm y tế trong dịp Tết Giáp Thìn năm 2024.
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế các tỉnh/thành phố và y tế ngành trên toàn quốc, từ ngày 8/2 - 11/2 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 2 tháng Giêng năm Giáp Thìn) ghi nhận như sau (số liệu tổng hợp 3 ngày Tết Giáp Thìn 2024).
Về thường trực bảo đảm cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân, tổng số bệnh nhân đang điều trị sau 3 ngày Tết là 109.840 người, tăng 14,7% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.
Tổng số bệnh nhân đến khám, cấp cứu là 151.268 người, tăng 4,5% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023. Tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là 61.389 người, tăng 1,0% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.
Tổng số ca phẫu thuật các loại là 7.291 ca phẫu thuật cấp cứu, tăng 3,3% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023; trong đó số ca phẫu thuật cấp cứu là 1.908 ca, tăng 11% so với năm 2023.
Tổng số ca đỡ đẻ, mổ đẻ thành công là 7.680, tăng 9,6% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023, còn tổng số bệnh nhân ra viện là 73.092 bệnh nhân, tăng 8,2% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.
Về thường trực bảo đảm cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân, từ ngày 8/2 - 11/2, tổng số bệnh nhân đến khám, cấp cứu là 151.268 người. Ảnh minh họa: VTV Times
Về tình hình khám cấp cứu tai nạn nghi liên quan đến giao thông, tính từ ngày 8/2/2024 đến ngày 11/2/2024 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 2 tháng Giêng năm Giáp Thìn), có tổng cộng 9.920 ca khám, cấp cứu do tai nạn giao thông, giảm 14,4% so với cùng kỳ Tết Quý Mão năm 2023. Số lượng ca khám, cấp cứu do tai nạn giao thông chiếm 6,6% tổng số ca khám, cấp cứu.
Số trường hợp phải nhập viện là 4.787 trường hợp (chiếm 48,3% tổng số ca), tăng 9,6% so với Tết Quý Mão 2023. Có 67 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, giảm 17 ca (20,2%) so với Tết Quý Mão 2023.
Liên quan đến tai nạn do pháo nổ, chất nổ, tính từ ngày 8/2/2024 đến ngày 11/2/2024 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 2 tháng Giêng năm Giáp Thìn) đã có 453 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 129 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023, không có trường hợp tử vong. Có 55 trường hợp cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, 24 trường hợp phải nhập viện điều trị theo dõi.
Đinh Kim (T/h)