Bé gái sống sót kỳ diệu sau 60 giờ mắc kẹt trong khu vực lở đất
VietNamNet dẫn thông tin từ NDTV cho hay, trong ngày 9/2, lực lượng cứu hộ Philippines đã giải cứu thành công một bé gái ra khỏi khu vực lở đất ở làng Masara, đảo Mindanao. Vụ lở đất đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và hơn 100 người bị mất tích.
"Đây là một điều kỳ diệu. Cô bé đã đem lại động lực và hy vọng cho lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm những người mất tích. Trẻ em có khả năng sống sót thấp hơn người lớn nhưng cô bé đã làm được", ông Edward Macapili - quan chức Cơ quan quản lý thảm họa địa phương cho biết.
Ông Macapili cũng chia sẻ, cô bé không gặp phải vết thương nghiêm trọng nào khi được giải cứu. Lực lượng cứu hộ đã cho cô bé gặp lại cha trước khi được chuyển tới cơ sở y tế địa phương để kiểm tra kỹ càng hơn.
Hiện trường vụ lở đất ở đảo Mindanao. Ảnh: Reuters
Theo truyền thông địa phương, vụ lở đất xảy ra vào tối 6/2 ở làng Masara. Ngoài 11 người thiệt mạng, 3 chiếc xe buýt và nhiều ngôi nhà đã bị chôn vùi trong đất đá.
Lực lượng cứu hộ Philippines đang khẩn trương làm việc để tìm kiếm những nạn nhân bị mắc kẹt. Rất nhiều thiết bị hạng nặng và chó nghiệp vụ đã được triển khai để hỗ trợ công tác giải cứu. Tại những khu vực được cho là có người bị mắc kẹt, nhân viên cứu hộ sẽ dùng xẻng và tay không để tìm kiếm.
Làng Masara và 4 khu định cư lân cận đã từng xảy ra lở đất vào năm 2007 và 2008. Thời điểm đó, chính quyền địa phương đã di dời hàng trăm hộ dân tới một khu tái định cư nhưng người vẫn quyết định quay trở lại.
Điều trị thành công cho người đàn ông bị ung thư da lan rộng vào hốc mũi
VTV Times đưa tin, Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhân nam 62 tuổi bị ung thư da lan rộng vào hốc mũi. Được biết, trước khi đến bệnh viện, bệnh nhân đã có triệu chứng loét vùng cánh mũi, rãnh mũi má trái kích thước 3x4cm, ăn thủng cánh mũi trái trong vòng 1 năm.
Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư da vùng mặt, lan rộng. ThS.BS CKII Trần Trung Kiên - Trưởng Khoa Ung bướu đã tiến hành phẫu thuật cắt ung thư da vùng hàm mặt và tạo hình bằng vạt tại chỗ cho bệnh nhân, nhằm mục đích cắt bỏ hoàn toàn khối u, tạo hình lại cánh mũi và lỗ mũi trước. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi phục tốt, các vạt da sống tốt và được tiếp tục điều trị tại bệnh viện.
XEM THÊM: Nguy cơ thiếu an toàn thực phẩm dịp Tết Giáp Thìn 2024: Chuyên gia cảnh báo
ThS.BS CKII Trần Trung Kiên cho biết, ung thư da không phải là bệnh ung thư hiếm gặp, dễ phát hiện sớm, bệnh hay gặp ở các nước nhiệt đới. Tuy nhiên, người bệnh thường chủ quan và bỏ lỡ thời điểm điều trị tốt nhất.
Do đó, mỗi người dân nên chủ động đi khám sức khỏe định kỳ và nếu phát hiện các bất thường thay đổi ở da như loét lâu lành, thay đổi tính chất của nốt ruồi, các thay đổi khác trên da thì phải đi khám ngay để phát hiện sớm. Việc phát hiện sớm ung thư da sẽ điều trị dễ dàng và ít tốn kém hơn.
Hai mẹ con nhập viện cấp cứu sau khi ăn thịt cóc
Báo Gia Lai đưa tin sáng 9/2, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai xác nhận tại làng Bang Ngol (xã Ia Bang, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã xảy ra vụ ngộ độc thịt cóc với 2 người ăn bị ngộ độc đưa đi viện cấp cứu.
Theo ông Đỗ Tấn Thạnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai, qua điều tra bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, ngày 8/2, ông R.M.L (ở làng Bang Ngol, xã Ia Bang, huyện Chư Prông) bắt 2 con cóc về cho vợ là bà R.M.B làm thịt và nấu thịt với gan cóc cho con gái là R.M.K (SN 1992) và cháu ngoại là R.M.Đ (SN 2019) ăn vào khoảng 9h cùng ngày.
Đến 10h, chị K. và con trai xuất hiện các triệu chứng tức ngực, khó thở, buồn nôn. Khoảng 15h cùng ngày được người nhà đưa lên Trung tâm Y tế huyện Chư Sê để điều trị, sau đó được chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.
Chị K. nhập viện cấp cứu tại khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai vào 18h45 ngày 8/2, sau đó sức khỏe ổn định và được chuyển lên khoa Nội tổng hợp tiếp tục theo dõi, điều trị.
Chị K. kể, hai mẹ con ăn thịt cóc và gan cóc. Sau khi ăn xong khoảng một giờ, chị và con trai có các triệu chứng tức ngực, đau đầu, buồn nôn nên gia đình đưa đi viện cấp cứu. Hiện qua điều trị, sức khỏe đã ổn định hơn.
Về phần cháu R.M.Đ, lúc vào viện có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, mệt nhiều do ăn thịt và gan cóc. Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai.
Cháu R.M.Đ đã ổn định và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai. Ảnh: Báo Gia Lai
Sau khi nắm thông tin về vụ ngộ độc thịt cóc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Chư Prông, Trạm Y tế xã Ia Bang đã đến nhà ông R.M.L điều tra xác minh. Thịt và gan cóc đã ăn hết nên đoàn không tiến hành lấy mẫu thực phẩm.
“Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Chư Prông, Trạm Y tế xã Ia Bang tổ chức triển khai công tác truyền thông tại chỗ cho người dân không chế biến cóc để làm thức ăn; không nên ăn những thực phẩm tuy đã nấu chín nhưng để lâu ở nhiệt độ thường; thực hiện ăn chín, uống chín, ăn ngay sau khi vừa được nấu chín”, ông Thạnh nói.
Theo bà Nguyễn Ngọc Thanh Trang - Trưởng phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai), từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 5 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc.
Trong đó, 5 trường hợp tử vong, đều là người dân tộc thiểu số. 4 xã ghi nhận các trường hợp tử vong do ăn thịt cóc là H’Ra (huyện Mang Yang), Ia Rong (huyện Chư Pưh), Ia Băng (huyện Chư Prông) và Ia Pal (huyện Chư Sê).
Bà Trang cũng cho hay thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức công tác tuyên truyền người dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số về vấn đề này, góp phần nâng cao ý thức của người dân, giảm thiểu các vụ ngộ độc và tử vong do ăn thịt cóc.
Đinh Kim (T/h)