Người đàn ông tử vong sau 5 tháng bị chó cắn
Báo Giao Thông đưa tin ngày 14/2, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, nơi đây vừa ghi nhận một ca tử vong do bệnh dại sau 5 tháng bị chó cắn nhưng không tiêm ngừa.
Cụ thể, bệnh nhân là ông T.T.H (57 tuổi, ngụ xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Ngày 8/2, ông H. có biểu hiện mệt mỏi, sốt, run, tự mua thuốc uống (không rõ loại), nhưng không giảm.
Đến ngày 10/2, người nhà thấy tình trạng bệnh nặng thêm nên đưa ông H. đến Bệnh viện Đa khoa Cà Mau khám và nhập viện. Tại đây, ông H. được chẩn đoán mắc bệnh dại.
Khoảng 16h ngày 11/2, người nhà xin chuyển ông H. lên tuyến trên điều trị. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, ông H. cũng được chẩn đoán mắc bệnh dại.
Cà Mau vừa ghi nhận một ca tử vong do bệnh dại sau 5 tháng bị chó cắn nhưng không tiêm ngừa. Ảnh minh họa: Báo Giao Thông
Bác sĩ của bệnh viện có giải thích cho người nhà về tình trạng bệnh của ông. Sau khi nghe giải thích, người thân xin đưa ông H. về nhà. Đến 13h40 ngày 12/2, ông H. tử vong tại nhà.
Theo điều tra dịch tễ, ông H. là chủ quán thịt chó khoảng 20 năm, trung bình mỗi ngày giết mổ một con chó. Cách đây khoảng 5 tháng, ông có mua chó của người bán dạo đem về giết mổ, không may bị chó cắn nhưng ông không đi tiêm phòng bệnh dại.
Được biết, sau khi xảy ra vụ việc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau đã phun hóa chất Chlorine 0,5% tại khu vực có ca bệnh tử vong nói trên. Đồng thời, vận động người nhà của ông H. đến cơ sở y tế tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Nhặt viên pháo đại trên sân, bé gái nhập viện cấp cứu
VietNamNet dẫn thông tin từ bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho hay, nạn nhân là bé gái 5 tuổi tên H.T.T, ngụ tại huyện Bình Chánh (TP.HCM).
Khai thác bệnh sử ghi nhận vào ngày mùng 3 Tết, bé T. chơi trước nhà. Nhà hàng xóm có đốt pháo hoa. Sau đó, bé gái nhặt một viên pháo đại trên sân. Không may, pháo phát nổ làm bàn tay trái của em bị thương. Ngay lập tức, người nhà đưa T. đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu.
Tại bệnh viện, các bác sĩ ghi nhận bàn tay trái của T. bị tổn thương dập nát, vùng mạn bụng trái tổn thương mô mềm. Ngoài ra, đùi phải của nạn nhân bị bỏng cháy đen khoảng 3x2cm do mảnh vỡ pháo văng vào.
Ngay lập tức, bác sĩ tiến hành cấp cứu cắt lọc vết thương vùng mạn bụng trái, đùi phải. Tuy nhiên, do bàn tay trái bị dập nát, bác sĩ không thể khâu nối và phục hồi nên được làm mỏm cụt. Quá trình điều trị, trẻ được sử dụng thuốc giảm đau và kháng sinh. Đến nay, bé vẫn chưa xuất viện.
Hiện tại, đây là trường hợp đầu tiên nhập Bệnh viện Nhi đồng Thành phố do tai nạn pháo nổ trong dịp nghỉ Tết. Bác sĩ Tiến cảnh báo phụ huynh lưu ý tuyệt đối không cho trẻ chơi với pháo vì nguy cơ gặp tai nạn nguy hiểm thậm chí đe doạ tính mạng. Đồng thời, phụ huynh phải tuân thủ các quy định của pháp luật về pháo, vật liệu nổ.
XEM THÊM: Nỗi sợ về quê ăn Tết vì bị giục lấy chồng, sinh con: Chuyên gia đưa ra lời khuyên
Trước đó, theo thống kê của Bộ Y tế, trong 4 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, cả nước có 507 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, nhiều hơn 134 ca so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Lâm Đồng, ngày 11/2, một người đàn ông đã tử vong khi châm lửa đốt viên pháo bi, một loại pháo bị cấm sử dụng. Ngoài ra, các bệnh viện hiện đang điều trị cho nhiều nạn nhân bị tai nạn pháo nổ rải rác từ cận Tết đến nay.
Lần đầu tiên thực hiện thành công nội soi lấy tổ chức tụy hoại tử qua da
VTV Times đưa tin, khoa Cấp cứu tiêu hóa, Viện Điều trị các bệnh tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lần đầu tiên thực hiện thành công nội soi lấy tổ chức tụy hoại tử qua da.
Theo đó, nam bệnh nhân 76 tuổi mắc nhiều bệnh nền: ung thư trực tràng đã phẫu thuật, tăng huyết áp. Bệnh nhân bị biến chứng viêm tụy cấp hoại tử sau lấy sỏi ống mật qua mật tụy ngược dòng từ tháng 9/2023.
Bệnh nhân đã được điều trị 3 tháng liên tục tại rất nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội bằng cách đặt 3 dẫn lưu 12F vào nang tụy hoại tử, bơm rửa qua dẫn lưu kết hợp dùng kháng sinh mạnh, tuy nhiên tình trạng nhiễm khuẩn không cải thiện.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng toàn thân suy kiệt nặng, sốt cao liên tục 39 độ C và có nhiều cơn rét run. Kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng thấy nang tụy hoại tử kích thước lớn 15,6 x 16,6 x 7,6cm có nhiều khí và tổ chức hoại tử rắn trong nang, cấy dịch hoại tử tụy thấy nhiễm vi khuẩn Klebsiella aerogenes đa kháng.
Khoa Cấp cứu tiêu hóa, Viện Điều trị các bệnh tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lần đầu tiên thực hiện thành công nội soi lấy tổ chức tụy hoại tử qua da. Ảnh: VTV Times
Khoa Cấp cứu tiêu hóa đã đặt đường hầm qua da vào nang hoại tử bằng dụng cụ từ vỏ bơm tiêm và một sonde dẫn lưu màng phổi 28F, sau đó đưa ống soi dạ dày qua đường hầm lấy tổ chức tụy hoại tử, kết hợp bơm rửa ổ hoại tử bằng dung dịch betadine và oxy già pha loãng.
Sau 3 lần đưa ống soi vào lấy tổ chức tụy hoại tử kết hợp với bơm rửa hàng ngày, bệnh nhân được xuất viện sau 20 ngày điều trị trong tình trạng hết sốt, ăn uống, tự đi lại được, trên kết quả xét nghiệm marker viêm về bình thường. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy ổ hoại tử tụy đã thu nhỏ rất nhiều so với trước điều trị.
TS.BS Dương Minh Thắng - Chủ nhiệm khoa Cấp cứu tiêu hóa, Viện Điều trị các bệnh tiêu hóa cho biết, hoại tử tụy nhiễm trùng là một biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong do hoại tử tụy nhiễm trùng có thể lên đến 30-40%, đây là một thách thức với các bác sĩ cả ngoại khoa và nội khoa. Nội soi lấy tổ chức tụy hoại tử qua da là một biện pháp điều trị xâm lấn tối thiểu nhưng lại mang lại hiệu quả tốt đa.
Đinh Kim (T/h)