Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 14/2: Nguyên nhân khiến bé 9 tuổi ho nghe như tiếng kèn

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 14/2/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 14/2/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Nguyên nhân khiến bé 9 tuổi ho nghe như tiếng kèn

VTV Times đưa tin các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa tiếp nhận cấp cứu một trường hợp trẻ hóc dị vật đường thở. Cụ thể, trước khi nhập viện 6 giờ, bệnh nhi N.Đ.A. (9 tuổi, nam, trú tại Giồng Riềng, Kiên Giang) đang ngậm chơi kèn trong con vịt đồ chơi, hút thổi thì hút vào trong, sau đó bệnh nhi bình thường không sặc, không ho.

Vài phút sau, bệnh nhi uống nước, ho, nôn ra thức ăn, không có kèn. Từ đó đến lúc người nhà cho nhập viện, thi thoảng bệnh nhi ho nghe như tiếng kèn, được nhập viện địa phương. Bệnh nhi được nội soi bằng ống soi cứng, không ghi nhận dị vật nhưng không loại trừ được nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Kết quả chụp X-quang cổ nghiêng chưa ghi nhận dị vật cản quang; X-quang ngực thẳng chưa ghi nhận dị vật cản quang, không hình ảnh ứ khí khu trú. CTscan lồng ngực không cản quang cho thấy có dị vật dạng ống rỗng nằm trong phế quản trung gian bên phải.

Dị vật là ống nhựa kèn kích thước 0,5x2cm. Ảnh: VTV Times

Bệnh nhi được chẩn đoán: Dị vật đường thở (cái kèn đồ chơi), suy tủy đang điều trị. Bệnh nhi được truyền 375ml hồng cầu lắng cùng nhóm máu. Sau đó, các bác sĩ tiến hành nội soi hô hấp bằng ống nội soi mềm ghi nhận phế quản trung gian thấy dị vật màu trắng đục, rỗng bít gần hoàn toàn phế quản trung gian, dùng kềm gắp dị vật là ống nhựa kèn kích thước 0,5x2cm, nội soi kiểm tra không thấy dị vật thêm.

Qua trường hợp này, các bác sĩ lưu ý phụ huynh dịp Tết, không cho trẻ chơi những đồ chơi có vật nhỏ tháo lắp được, cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi ăn thức ăn đã lấy hột, xương… hoặc thuốc dùng là sirô hoặc thuốc bột pha, tránh dùng thuốc viên.

Phụ huynh cần nhắc nhở các trẻ khi ăn uống, không được "làm việc khác" như vừa ăn vừa la khóc do không đồng ý việc gì hay vừa ăn vừa cười giỡn, hay ăn vội vã để làm một việc gì đó… tránh nguy cơ hít thức ăn vào đường thở.

Nam thanh niên nhập viện sau bữa nhậu họp lớp ngày Tết

Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời đại diện Bệnh viện Việt Đức cho hay, qua khai thác thông tin, người thân của bệnh nhân kể, bệnh nhân buôn bán quần áo ở TP.HCM, nhân dịp nghỉ Tết cả gia đình về quê.

Tối 12/2 (tức mùng 3 Tết), bệnh nhân tham gia họp lớp có uống rượu, sau đó tự đi xe máy về nhà thì bị ngã. Tai nạn xảy ra vào đêm, sau khi được cấp cứu ban đầu ở tuyến dưới, bệnh nhân được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.

TS.BS Bùi Thanh Phúc - Phó trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu bụng Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, bị sốc đa chấn thương (gồm chấn thương sọ não, ngực, gãy 2 tay)…

Đáng nói kết quả xét nghiệm ở tuyến dưới cho thấy nồng độ cồn trong máu của bệnh nhân rất cao. Nhiều khả năng liên quan đến rượu bia bệnh nhân mất khả năng tự chủ nên bị ngã.

Các bác sĩ thảo luận hình ảnh phim chụp của bệnh nhân. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

"Bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, các bác sĩ đang cố gắng cấp cứu để xem đáp ứng của bệnh nhân với điều trị như thế nào nhưng tiên lượng rất nặng. Chúng tôi đang chỉ định làm các chụp chiếu, xét nghiệm thêm để xác định tình trạng chấn thương", TS. BS Bùi Thanh Phúc nhấn mạnh.

Tính đến sáng 13/2, sau 4 ngày Tết Giáp Thìn, tại Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận cấp cứu khoảng 500 trường hợp, trong đó 120 ca tai nạn, nghi tai nạn giao thông.

So với Tết năm ngoái, số lượng bệnh nhân cấp cứu giảm nhẹ, chủ yếu cấp cứu do tai nạn giao thông, nghi tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt (bị ngã cao trong khi dọn dẹp nhà cửa), pháo nổ. Tuy nhiên, đều đáng nói, trong số các ca cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, nghi do tai nạn giao thông có đến một nửa trường hợp liên quan đến rượu bia.

XEM THÊM: Vì sao có tục lì xì trong ngày đầu Xuân năm mới?

TS.BS Bùi Thanh Phúc cho hay, theo dõi bệnh nhân có sử dụng rượu bia khó khăn hơn rất nhiều so với bệnh nhân không có nồng độ cồn trong máu cao, không uống rượu bia bởi khi nhập viện, bệnh nhân uống rượu rất kích thích, tri giác không tỉnh như bình thường.

Do đó, bác sĩ phải theo dõi bệnh nhân ít nhất 1-2 ngày sau cơn rượu mới xác định được chính xác tổn thương não. Đặc biệt những trường hợp bị chấn thương sọ não việc đánh giá thang điểm hôn mê glasgow khó chính xác, việc xử lý phụ thuộc vào các kết quả chẩn đoán hình ảnh.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức khuyến cáo người dân khi đã uống rượu bia thì không nên lái xe, vì có thể gây tai nạn cho bản thân và người xung quanh.

Campuchia ghi nhận thêm ca mắc cúm gia cầm

Bộ Y tế Campuchia cho biết, nước này mới ghi nhận thêm một ca dương tính với virus gây bệnh cúm gia cầm. Đó là anh trai của bệnh nhi 9 tuổi tử vong vào tuần trước. Được biết, bé trai 9 tuổi ở tỉnh Kratie là trường hợp tử vong đầu tiên do cúm gia cầm ở Campuchia trong năm 2024. Trước đó, trẻ bị sốt, khó thở, ho và ngất xỉu sau khi ăn gà và vịt do gia đình nuôi.

VietNamNet dẫn thông tin trên Star cho hay, anh trai 16 tuổi của bệnh nhi trên có xét nghiệm dương tính với virus vào 11/2 nhưng không có triệu chứng. Cậu bé đã được điều trị và các quan chức đang điều tra xem ai đã tiếp xúc với hai anh em cũng như nguồn lây virus.

Từ đầu năm tới nay, ở Campuchia đã có 4 ca cúm gia cầm ở người. Cúm gia cầm thường lây lan ở gà, vịt, các loại chim và không được coi là mối đe dọa đối với con người cho đến khi bùng phát vào năm 1997 ở những du khách đến chợ ở Hong Kong (Trung Quốc).

Hầu hết các trường hợp ở người đều liên quan đến tiếp xúc trực tiếp với gia cầm nhiễm bệnh. Tuy nhiên, cũng có lo ngại rằng virus có thể tiến hóa để lây lan dễ dàng hơn giữa người với người.

Campuchia vừa ghi nhận thêm một ca dương tính với virus gây bệnh cúm gia cầm. Ảnh minh họa: iStock

Trong tháng 2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đã cảnh báo rằng các lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán được tổ chức ở nhiều nước châu Á thời gian này có thể khiến nguy cơ lây lan virus cao hơn.

Để ứng phó với số ca nhiễm gia tăng gần đây, WHO đã cập nhật đánh giá rủi ro về H5N1 ở Campuchia. Các chuyên gia dự đoán các ca lây nhiễm lẻ tẻ ở người có thể tiếp tục xảy ra ở các vùng nông thôn, chủ yếu do tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh. 

Tình trạng này nhấn mạnh sự cần thiết phải có các biện pháp giám sát và kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, đặc biệt ở các vùng quê có trang trại gà vịt ở sân sau. Điều quan trọng là phải tuân thủ các biện pháp nấu nướng hợp vệ sinh và tránh tiếp xúc trực tiếp với gia cầm sống. Cơ quan y tế toàn cầu cũng đang nghiên cứu nhiều phương pháp điều trị khác nhau. 

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật