Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 15/6: Chỉ đau tai nhẹ, bé 5 tuổi phát hiện mắc u tai giữa hiếm gặp

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 15/6/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 15/6/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Chỉ đau tai nhẹ, bé 5 tuổi phát hiện mắc u tai giữa hiếm gặp

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa phẫu thuật nội soi điều trị u tai giữa bẩm sinh (Cholesteatoma) cho bệnh nhi N.X.P.H (5 tuổi, trú tại thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) mắc khối u tai giữa bẩm sinh.

Thông tin khai thác ban đầu từ người nhà bệnh nhi cho biết, lúc vào viện, bệnh nhi bị đau nhức tai nhẹ nên gia đình đưa đi khám nội soi tai mũi họng tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hà. Tại đây, các bác sĩ phát hiện có khối trắng đục như hạt ngọc trai nằm trong tai phải của bệnh nhi. Trước đó, bé chưa từng bị viêm tai giữa, chảy mủ tai hay can thiệp tai giữa.

Qua hội chẩn từ xa giữa Trung tâm Y tế Hải Hà với bác sĩ tai mũi họng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, bệnh nhi được chẩn đoán mắc Cholesteatoma tai giữa phải, cần tiến hành nội soi lấy khối u.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận ca bệnh, tiến hành các bước kiểm tra. Qua chụp cắt lớp xương thái dương cho thấy hình ảnh khối u vị trí mặt trong chuỗi xương con và được chẩn đoán mắc Cholesteatoma bẩm sinh. Đây là một bệnh lý hiếm gặp, có thể gây biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến chức năng nghe của trẻ nếu không được phẫu thuật điều trị kịp thời.

Sau 1 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành bóc tách vạt da ống tai ngoài và màng nhĩ, khéo léo lấy khối u ra khỏi hòm nhĩ và khôi phục lại phẫu trường. Đến nay, bệnh nhi hồi phục tốt, không đau đầu chóng mặt, không chảy máu, không sốt, ăn uống tốt.

Bác sĩ CKI Phạm Quang Huy cho biết: "Khó khăn của cuộc mổ này là phẫu trường để phẫu thuật viên thao tác với dụng cụ nội soi rất nhỏ hẹp, nguy cơ gây thủng màng nhĩ lớn, bỏ sót gây tái phát. Quá trình bóc tách khối Cholesteatoma, chúng tôi cố gắng bảo tồn hết mức có thể để tránh làm tổn thương các cấu trúc lành, giúp bệnh nhi phục hồi nhanh sau mổ".

Theo bác sĩ Huy, Cholesteatoma bẩm sinh ở trẻ có dấu hiệu kín đáo, khó phát hiện và dễ bỏ sót. Bệnh nhi nói trên dù không có nhiều dấu hiệu của Cholesteatoma, hoặc nếu thấy có thể dễ nhầm lẫn với tổn thương khác, song các bác sĩ Trung tâm Y tế Hải Hà đã kịp thời phát hiện và hội chẩn với bệnh viện tỉnh để nhanh chóng chuyển phẫu thuật. Đây là điều có ý nghĩa rất lớn đối với bệnh nhi và gia đình.

Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo khớp gối cho thanh niên 17 tuổi

Theo TTXVN, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, đơn vị vừa thực hiện phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối hai bên cùng lúc cho nam bệnh nhân N.T.Đ (17 tuổi, Hà Nội). Người bệnh chỉ phải trải qua duy nhất 1 lần mổ thay vì 2 lần mổ như thông thường.

Cụ thể, bệnh nhân đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng đứt dây chằng chéo trước cả hai bên khớp gối. Qua khai thác tiền sử người bệnh được biết, bệnh nhân đã chơi thể thao nhiều năm. Đ. thường chơi đá bóng ở vị trí thủ môn.

Cách đây 4 năm Đ. đã bị chấn thương khớp gối chân trái do nhảy cao bắt bóng và tiếp đất sai tư thế. Tuy nhiên, người bệnh chỉ đi khám sau đó về băng bó chân bị đứt dây chằng, rồi tiếp tục quấn băng chun để chơi thể thao mà không điều trị hay can thiệp gì. Cách đây 1 năm, Đ. tiếp tục bị ngã khi chơi đá bóng và đứt tiếp dây chằng khớp gối phải.

Người bệnh đến bệnh viện trong tình trạng đau khớp gối, thăm khám lâm sàng thấy lỏng cả hai bên khớp gối, trên phim cộng hưởng từ có hình ảnh đứt dây chằng chéo trước và được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối hai bên đồng thời. 

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học Thể thao cho biết, do người bệnh bị đứt dây chằng chéo trước cả hai bên khớp gối nên việc phẫu thuật trong cùng một thì giúp người bệnh chỉ phải trải qua duy nhất 1 lần mổ thay vì 2 lần mổ như thông thường (1 lần gây tê/gây mê).

Viêc này không chỉ tiết kiệm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí xét nghiệm, phẫu thuật, thuốc dùng sau phẫu thuật mà người bệnh có thể tập vận động đồng thời cả hai chân, góp phần giải tỏa tâm lý lo lắng cho người bệnh khi phải vào bệnh viện phẫu thuật 2 lần; rút ngắn thời gian nằm viện, giúp người bệnh sớm lao động, sinh hoạt và chơi thể thao trở lại.

Với ưu điểm của phẫu thuật nội soi khớp gối khi áp dụng kỹ thuật "tất cả bên trong" giúp giải quyết các tổn thương của người bệnh, vết mổ nhỏ, khoan tạo đường hầm xương ngắn (20mm) đủ để luồn mảnh ghép dây chằng, cố định vững chắc ở vị trí thành xương cứng, hạn chế ảnh hưởng xương của người bệnh đặc biệt ở bệnh nhân trẻ tuổi xương vẫn đang trong quá trình phát triển, nếu sử dụng các kỹ thuật cũ như chốt ngang có nguy cơ làm tổn thương sụn phát triển khiến vẹo trục xương đùi và xương chày.

Ca phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước đồng thời hai khớp gối cho bệnh nhân trong 30 phút đã thành công tốt đẹp. Người bệnh sau mổ đã ổn định sức khỏe, tập phục hồi chức năng sớm và có thể đi lại ngay với nẹp trợ đỡ.

Phát hiện bị ung thư sau khi giảm cân liên tục trong 10 ngày

VietNamnet dẫn thông tin từ PGS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân là N.V.T (77 tuổi, trú Hà Nội), vào viện trong tình trạng liệt hai chân, đau nhiều cột sống ngực.

Ung thư tiền liệt tuyến nếu phát hiện sớm, ở giai đoạn đầu và được điều trị tích cực thì có thể khỏi bệnh. Ảnh minh họa

Trước khi vào viện 2 tuần, bệnh nhân xuất hiện đau cột sống ngực, đau lan toàn bộ vùng ngực, tăng khi vận động, thay đổi tư thế, khi ho hắt hơi và khi gắng sức, đau lan xuống cột sống thắt lưng, gầy sút 5kg trong 10 ngày, không ho, không sốt, đại tiểu tiện bình thường, nước tiểu vàng trong khoảng 1,5 lít/ngày. 

Sau đó, bệnh nhân xuất hiện liệt 2 chi dưới tăng dần, kèm đại tiểu tiện không tự chủ. Kết quả thăm khám tại bệnh viện cho thấy ông bị ung thư tuyến tiền liệt di căn xương, hạch, giai đoạn 4B trên nền bệnh gout và đái tháo đường. Bệnh nhân được chỉ định điều trị nội tiết ung thư tuyến tiền liệt, chăm sóc giảm nhẹ, chống tì loét.

Theo PGS Phạm Cẩm Phương, ung thư tuyến tiền liệt hiện nay là một bệnh phổ biến ở nam giới, đứng hàng thứ 3 về tỷ lệ mắc mới sau ung thư vú và ung thư phổi. Tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt tăng dần theo tuổi, gần 60% bệnh nhân được chẩn đoán ở độ tuổi trên 65.

Ung thư tiền liệt tuyến nếu phát hiện sớm, ở giai đoạn đầu và được điều trị tích cực, có thể khỏi bệnh và có trên 95% bệnh nhân sống thêm trên 5 năm, thậm chí 10-15 năm sau khi được chẩn đoán.

Bệnh có thể sàng lọc, phát hiện sớm bằng thăm khám và xét nghiệm ở nam giới trên 50 tuổi hoặc trên 45 tuổi nếu có tiền sử gia đình ung thư tuyến tiền liệt. 

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật