Vắt rừng còn sống, ngoe nguẩy trong mũi người đàn ông
Theo VnExpress, vài ngày sau khi uống nước suối, người đàn ông 31 tuổi thấy ngứa và khó chịu trong lỗ mũi, thỉnh thoảng chảy máu. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện con vắt trong mũi người đàn ông.
Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới chia sẻ, con vắt rừng vẫn đang sống, ngoe nguẩy trong mũi bệnh nhân. Bác sĩ tiến hành nội soi gắp thành công con vắt ra ngoài.
Con vắt được gắp ra khỏi mũi người bệnh. Ảnh: VnExpress
Vắt thường xuất hiện ở vùng núi rừng, lẫn trong nước suối. Ban đầu, vắt có kích thước rất bé, mắt thường khó phát hiện. Vào cơ thể người, vắt hút máu và phát triển rất nhanh.
Nhiều người dùng tay vốc nước suối uống, con vắt nhỏ như sợi chỉ lẫn vào nước, mắt thường không thể thấy. Khi xâm nhập, con vật bám ở hạ họng - thanh quản, hút máu và lớn dần bằng ngón tay, lúc đó sẽ gây ra triệu chứng vướng họng, khó thở.
Nhiều trường hợp, bác sĩ soi không thấy được vì con vắt nấp trong các khe hốc, phải soi khám nhiều lần mới có thể phát hiện. Bác sĩ cảnh báo người dân khi đi rừng, suối không nên rửa mặt, uống nước suối. Khi mũi, họng có biểu hiện bất thường, nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra.
Phẫu thuật cho người đàn ông mắc 2 loại ung thư cùng lúc
VTV News đưa tin, nam bệnh nhân N.H.H. (49 tuổi, trú tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) được chẩn đoán ung thư thực quản 1/3 trên kèm ung thư dạ dày, biến chứng nuốt nghẹn.
Bệnh nhân được chẩn đoán cùng lúc 2 loại ung thư, nếu chỉ phẫu thuật cắt dạ dày, sau đó hóa xạ trị triệt để ung thư thực quản thì sẽ rất dễ xảy ra nhiều di chứng trong quá trình điều trị làm giảm chất lượng sống của bệnh nhân.
Sau khi hội chẩn cùng các chuyên gia của bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, các bác sĩ đã cân nhắc phương án cắt toàn bộ thực quản, dạ dày, sau đó tạo hình bằng đại tràng.
Sau 6 giờ đồng hồ, bệnh nhân được cắt toàn bộ thực quản và dạ dày, tạo hình bằng đại tràng. Bệnh nhân được đặt ống mở thông hỗng tràng với mục đích nuôi ăn qua sonde, hỗ trợ dinh dưỡng.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: VTV News
Đến nay, sau 5 tuần phẫu thuật, bệnh nhân nhập viện đánh giá lại tình trạng cho thấy miệng nối thực quản - ruột non thông tốt, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định. Người bệnh có thể sinh hoạt bình thường, sonde nuôi ăn đã được rút để bệnh nhân ăn uống qua đường miệng. Tâm lý của bệnh nhân cũng đã được cải thiện nhiều, sẵn sàng chuẩn bị cho các đợt điều trị hóa chất tiếp theo.
Thêm 3 trường hợp nghi bị ngộ độc do nấm ở Tây Ninh
Theo báo Công An Nhân Dân, sáng ngày 11/6, UBND huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) xác nhận, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 3 người trong một gia đình bị ngộ độc do ăn phải nấm lạ.
Cụ thể, lúc 7h30 ngày 10/6, gia đình ông T.C.L (ngụ ấp Tân Minh, xã Tân Bình, huyện Tân Biên) ăn sáng với món mì xào nấm do gia đình tự hái. Cả 4 người cùng ăn nhưng có 3 người bị ngộ độc.
Đến khoảng 10h40 cùng ngày, cháu L.T.N (SN 2016) và cháu T.P.H.N (SN 2017) bị nôn ói, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần nên được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tân Biên cấp cứu.
Ngay sau đó, Trung tâm Y tế huyện Tân Biên đã làm thủ tục chuyển viện cho hai cháu về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh tiếp tục điều trị. Ông L. cảm thấy trong người không khoẻ nên khi đưa hai con chuyển viện đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã nhập viện để được theo dõi điều trị.
Huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) vừa ghi nhận thêm 3 người trong một gia đình bị ngộ độc do ăn phải nấm lạ. Ảnh minh họa: Công An Nhân Dân
Trước đó, trên địa bàn xã Tân Bình, một gia đình 3 người ngụ ấp Tân Thanh vào rừng hái nấm về ăn, bị ngộ độc, làm 1 người tử vong. Ngày 10/6, UBND xã đã thông báo khuyến cáo người dân trên địa bàn không được tự ý hái nấm về ăn khi không phân biệt được đâu là nấm có độc, đâu là nấm không có độc.
Đinh Kim (T/h)