Tin tức đời sống mới nhất ngày 14/5/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 14/5/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Tình cờ phát hiện ung thư ở bé 5 tháng tuổi qua ảnh chụp
Dela-Rose chào đời đã có đồng tử mắt trái hơi khác mắt phải, bé cũng hay nheo mắt trái. |
Shelby Simkins và Ryan Denham, đã chụp ảnh con gái Dela-Rose sau khi cho bé ăn và quên không tắt chế độ đèn flash. Sự tình cờ này đã cứu sống cô bé 5 tháng tuổi.
Shelby và Ryan (26 tuổi) cho biết ngay khi chào đời, bé đã hay nheo mắt trái nhưng họ không để ý lắm.
Bố mẹ bé Dela-Rose chỉ thực sự chú ý sau khi bức ảnh chụp có flash cho thấy đồng tử mắt trái rất khác thường của con gái. Cảm thấy lo lắng vì con gái vừa nheo mắt lại vừa có màu trắng bất thường trong đồng tử, Shelby đã đưa Dela đi khám nhãn khoa và Dela lập tức được đưa đến trung tâm phẫu thuật mắt ở Margate's Queen Elizabeth The Queen Mother.
Bố mẹ bé Dela đã vô cùng sốc khi biết con bị u nguyên bào võng mạc - một bệnh ung thư do lỗi gien.
"Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần và được hỗ trợ bởi chuyên viên tư vấn nhưng chúng tôi vẫn khóc cả ngày hôm đó”, Shelby kể lại.
Mặc dù ung thư mắt của bé Dela mới chỉ ở giai đoạn đầu nhưng thị lực rất kém, do đó, phẫu thuật múc bỏ mắt là phương án tốt nhất.
Sau 2 tiếng phẫu thuật, Dela được gắn mắt giả tạm thời và được về nhà 1 tuần sau đó.
Niềm an ủi với bố mẹ bé Dela là hiện xét nghiệm máu cho thấy ung thư không di căn và u nguyên bào võng mạc không có trong mắt bên phải của bé.
Vào tháng 2 năm nay, bé Dela đã có mắt giả mới. Mặc dù bé không thích vì sẽ phải tháo ra và vệ sinh mỗi tuần nhưng bé đã chấp nhận nó như một phần của cơ thể.
Dela vừa tổ chức sinh nhật thôi nôi vào thứ Sáu vừa qua. Còn bố mẹ em là thành viên tích cực của tổ chức Ung thư mắt trẻ em, đặc biệt là trong Tuần lễ nhận thức U nguyên bào võng mạc từ 16-23/5 tới đây. Theo đó, họ khuyến khích các bậc cha mẹ nên đưa con đi kiểm tra mắt ngay khi có bất kỳ dấu hiệu nào nhỏ nhất ở mắt.
Nam thanh niên bị ngộ độc, tổn thương não nặng nề do hít bóng cười thường xuyên
Một bệnh nhân ngộ độc do hít bóng cười điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Minh họa |
Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận bệnh nhân N.H.N. (26 tuổi, ở Sơn La) nhập viện trong tình trạng không thể đi lại, ăn uống mất cảm giác, cơ thể mệt mỏi, tay chân tê bì... do ngộ độc khí N2O (khí cười).
Qua hỏi bệnh được biết, bệnh nhân N. sử dụng bóng cười (bóng bơm khí N2O) lần đầu vào năm 2018. Khoảng một năm trở lại đây, thanh niên này hít nhiều và thường xuyên hơn.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy, bệnh nhân bị tổn thương não và tổn thương tủy sống rất đặc trưng của ngộ độc khí cười. Những tổn thương này khiến bệnh nhân có biểu hiện rối loạn cảm giác và dẫn tới yếu cơ, liệt chi.
Trước đó vào giữa tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao bộ Y tế quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng khí N2O trong lĩnh vực y tế, đồng thời nghiên cứu, đánh giá tác động của việc sử dụng khí N2O đối với sức khỏe con người để kiến nghị các biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp.
Bé 8 tuổi đi xe đạp bất ngờ bị xe chở tôn cứa trúng cổ
Sau khi phẫu thuật cấp cứu, sức khỏe bé trai bị tôn cứa vào cổ khi đi xe đạp trên đường đã ổn định - Ảnh: Giao thông |
Ngày 13/5, bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, ngày 12/5, bệnh viện này đã phẫu thuật cấp cứu thành công bé trai 8 tuổi bị tôn cắt vào cổ.
Theo người nhà bệnh nhân, khi đang đi xe đạp trên đường, bé bị tôn trên xe chở tôn cắt vào cổ, chảy máu nhiều. Sau tai nạn, gia đình đã băng ép vết thương và đưa bé đến bệnh viện cấp cứu.
Bé trai sau đó nhập viện tại bệnh viện đa khoa Hùng Vường trong tình trạng vết thương cổ vùng III gần góc hàm phải sắc góc, kích thước 6cm chảy máu nhiều, không lộ xương.
Qua thăm khám xác định, vết thương sâu, rộng, chảy máu nhiều làm đứt toàn bộ cơ ức đòn chũm nhưng rất may mắn là động mạch cảnh của bệnh nhi không bị tổn thương. Nếu vết thương chệch 1mm nữa sẽ làm đứt động mạch cảnh và nguy cơ tử vong của bé rất cao do mất máu nếu không được sơ cứu đúng cách trong quá trình di chuyển đến bệnh viện.
Các bác sỹ đã huy động toàn bộ kíp cấp cứu cầm máu cho bé, dùng thuốc giảm đau chống sốc và chuyển mổ cấp cứu ngay lập tức để xử lý vết thương phức tạp vùng cổ, kiểm soát tổn thương, phục hồi cơ ức đòn chũm, cầm máu.
Hiện tại sau phẫu thuật sức khoẻ của bé đã ổn định và đang được theo dõi tại khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình của bệnh viện.
Giun lúc nhúc đâm thủng ruột người đàn ông Lào Cai
Bác sĩ kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân sau khi gắp giun - Ảnh: Vietnamnet |
Nam bệnh nhân 36 tuổi, dân tộc Dao, ở huyện Bảo Yên, Lào Cai từng được đưa đến bệnh viện địa phương điều trị 2 tuần do suy kiệt, mệt mỏi, mạch nhanh, đau bụng, mất nhiều máu nhưng 2 tuần vẫn không tìm được nguyên nhân, dù đã nội soi dạ dày, đại tràng.
Đầu tuần qua, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện E để tìm nguyên nhân.
Các bác sĩ khoa Nội tiêu hoá đã cho bệnh nhân truyền máu, truyền dịch nâng cao thể trạng, chỉ định chụp cắt lớp vi tính đa dãy, nội soi bóng đôi ruột non tìm bất thường.
Kết quả nội soi bóng đôi phát hiện có nhiều giun lúc nhúc bám trên niêm mạc ruột, đám giun đang hút máu gây nhiều điểm tổn thương trên ruột, gây chảy máu.
Các bác sĩ đã gắp giun và sinh thiết tổn thương cho bệnh nhân, trong đó có vị trí ruột non lúc nhúc gần 20 con giun trưởng thành đang bám.
Mẫu giun sau đó được gửi tới Viện Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng Trung ương để định danh, kết quả khẳng định đó là giun mỏ.
Khi được bác sĩ thông báo, bản thân bệnh nhân và gia đình rất bất ngờ vì đây là lần đầu tiên họ nghe đến loại ký sinh trùng nguy hiểm này.
Bệnh nhân cho biết, công việc chính là trồng quế và cây ăn quả nên thường xuyên tiếp xúc với đất, nhưng lại không mang đồ bảo hộ, thậm chí hay nằm lăn trên nền đất ruộng để ngủ, ăn các loại rau rừng, măng chưa nấu chín, uống nước suối (chưa đun sôi) dù đi vệ sinh ra… suối.
Bệnh nhân không biết mắc giun mỏ lúc nào, chỉ biết cuối tháng 1 vừa rồi có hiện tượng sụt cân, bụng thường xuyên xuất hiện những cơn đau dữ dội vùng thượng vị nên đã đi khám và điều trị ở bệnh viện tuyến dưới nhưng không đỡ.
ThS.BS Đặng Trung Thành, Phó trưởng khoa Nội tiêu hóa, bệnh viện E cho biết, giun mỏ có đôi răng hình bán nguyệt sắc bén, ngoạm vào niêm mạc ruột để hút máu. Mỗi ngày, 1 con giun mỏ có thể hút 0,03 – 0,05ml/ngày.
Trong khi hút máu, giun tiết ra chất chống đông máu khiến tổn thương không thể cầm máu ngay cả khi giun đã chuyển sang ký sinh vị trí khác. Độc tố do giun tiết ra cũng ức chế cơ quan tạo máu sản sinh hồng cầu nên càng ngày, bệnh nhân càng mất nhiều máu.
Loại giun này nguy hiểm ở chỗ chúng vẫn tiếp tục hút máu ngay cả khi cơ thể đã trán đầy máu theo đường hậu môn của chúng. Với số lượng giun vài chục con, mỗi ngày bệnh nhân có thể mất vài ml máu.
Chu kỳ vòng đời của giun mỏ lên tới 10-15 năm nếu không được điều trị. Ấu trùng sống trong phân hoặc đất, thân cây, ngọn cỏ với khả năng leo cao tới 2m và xâm nhập vào cơ thể người qua da, niêm mạc, qua đường ăn uống do uống nước nhiễm ấu trùng.
Khi vào cơ thể, ấu trùng sẽ theo tĩnh mạch về tim, phổi. Ở phổi, ấu trùng phát triển rồi lên họng hầu và được nuốt lại xuống ruột, ký sinh ở tá tràng và phát triển thành giun mỏ trưởng thành.
Theo BS Thành, do bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu nên việc phát hiện, chẩn đoán người bệnh mắc giun mỏ rất khó, dễ nhầm lẫn với một số bệnh thiếu máu do viêm loét dạ dày, tá tràng...
Để phòng tránh giun sán nói chung và giun mỏ nói riêng, BS Thành khuyến cáo, mọi người dân cần đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động, giữ vệ sinh cá nhân như rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch, ăn chín uống sôi.
Người tiếp xúc trực tiếp với đất hàng năm phải khám sức khoẻ và xét nghiệm giun mỏ ít nhất 1 lần/năm. Khi đi làm đồng, cần có phương tiện bảo hộ như ủng, găng tay, không dùng phân tươi bón ruộng, không phóng uế bừa bãi, xử lý phân hợp vệ sinh. Ở những nơi ô nhiễm nặng, có thể rắc vôi bột để diệt ấu trùng.
Ngoài ra, người dân cần tẩy giun định kỳ từ 1-2 lần/năm.
Quỳnh Chi (T/h)