Cô gái 28 tuổi có khối u buồng trứng nặng 6,5kg
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy vừa phẫu thuật thành công bóc khối u buồng trứng nặng tới 6,5 kg cho chị N.T.N (SN 1995, trú tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang). Đây là khối u có kích thước lớn nhất từ trước đến nay được ghi nhận tại bệnh viện này.
Người bệnh cho biết mình từng phẫu thuật u buồng trứng tại Bắc Giang vào năm 2019 nhưng chỉ 5 tháng gần đây, chị thấy bụng to lên nhanh chóng tương đương bụng bầu 8 tháng, kèm theo đau tức, khó thở.
Các bác sĩ phẫu thuật lấy khối u buồng trứng cho người bệnh. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Khám tại Bệnh viện Bãi Cháy, người bệnh được các bác sĩ thăm khám, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán. Kết quả siêu âm, chụp CTscanner cho thấy hình ảnh khối u lớn dạng dịch chiếm toàn bộ ổ bụng, kéo dài từ hạ vị đến thượng vị. Các bác sĩ đã hội chẩn thống nhất chẩn đoán u lớn ổ bụng, chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Ekip phẫu thuật do bác sĩ CKII Dương Xuân Hiệp – Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Bãi Cháy đã khéo léo cắt bỏ khối u khổng lồ nặng 6,5kg, bên trong chứa nhiều dịch nhầy xuất phát từ buồng trứng trái, dính vào mạc treo ruột non. Sau 3 ngày phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, vết mổ khô ráo.
Phối hợp liên viện cứu sản phụ bị thuyên tắc phổi
Theo VTV News, sản phụ L.T.N. (36 tuổi) mang thai lần thứ 2 được 37 tuần 2 ngày nhập Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) ngày 31/1 trong tình trạng nhau tiền đạo có chảy máu ít, ngôi ngang, vết mổ cũ kèm với nhân xơ tử cung.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn lên kế hoạch mổ chủ động cho sản phụ vì tiên lượng đây là 1 trường hợp mổ khó, có nguy cơ chảy máu nhiều trước, trong và sau mổ. Ngày 1/2, sản phụ được các bác sĩ tiến hành mổ lấy thai theo kế hoạch đã duyệt. Trong cuộc mổ, vấn đề chảy máu được kiểm soát rất tốt, một bé trai cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui của cả ekip.
Tuy nhiên, sau 5 phút, sản phụ xuất hiện tím tái, SpO2 tụt thấp, mạch huyết áp dao động. Các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp nguy kịch cần xử trí báo động đỏ nội viện và liên viện để huy động tất cả nguồn lực của bệnh viện và cả các chuyên ngành khác. Ngay sau đó, đội ngũ chuyên xử trí cấp cứu ngưng tim, ngưng thở có mặt kịp thời để hỗ trợ cấp cứu sản phụ.
Với bệnh cảnh diễn tiến tím tái đột ngột kèm ngưng tim, ngưng thở, nghĩ nhiều là do tình trạng thuyên tắc mạch máu, có thể do thuyên tắc mạch ối hay thuyên tắc huyết khối. Cả 2 trường hợp thuyên tắc này có biểu hiện khá giống nhau và đều rất nguy kịch đến tính mạng người mẹ.
Ekip gây mê hồi sức nhanh chóng truyền các chế phẩm máu để kiểm soát tình trạng này như huyết tương tươi đông lạnh, tủa lạnh, yếu tố VIII, tiểu cầu… Bác sĩ phẫu thuật cố gắng cầm máu thật cẩn thận ở tất cả các vị trí của vết mổ từ trong ổ bụng ra ngoài thành bụng như cơ tử cung, phúc mạc tử cung, phúc mạc thành bụng, cân cơ thành bụng.
Các bác sĩ xử trí cấp cứu sản phụ. Ảnh: VTV News
Để dự phòng tình trạng chảy máu do đờ tử cung cho bệnh nhân, bác sĩ phẫu thuật cũng đã tiến hành thắt động mạch tử cung 2 bên và may mũi B-lynch dọc. Sau khi ổn định được mạch, huyết áp, bác sĩ gây mê hồi sức phối hợp với các bác sĩ tim mạch can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành siêu âm tim, phát hiện bệnh nhân có tình trạng giãn buồng tim bên phải (thất phải), ngoài ra còn thấy 1 cục huyết khối ở thất phải của tim và 1 cục huyết khối ở tĩnh mạch cảnh bên phải. Đây là một trường hợp điển hình của thuyên tắc phổi do huyết khối.
Sau 18 tiếng hậu phẫu, tình trạng mạch huyết áp sản phụ khá ổn định, các bác sĩ khám đánh giá lại và quyết định chuyển đến Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị kháng đông, tiêu sợi huyết theo tinh thần hội chẩn liên viện.
Trong 7 ngày điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân phục hồi dần, vết mổ khô, ống dẫn lưu không ra dịch (không có hiện tượng chảy máu) và không xuất hiện thêm các triệu chứng của tình trạng thuyên tắc huyết khối ở những vị trí khác trên cơ thể. Hiện, sản phụ đã được xuất viện, bé sơ sinh tiếp tục được chăm sóc tại khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ.
Điều trị thành công ca viêm mô tế bào nặng gây sốc nhiễm khuẩn
Khoa Phẫu thuật chi trên Bệnh viện Quân y 175 vừa điều trị thành công ca viêm mô tế bào nặng gây sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi bệnh viện đe dọa đến tính mạng bệnh nhân, VTV News đưa tin.
Cụ thể, bệnh nhân N.T.T (26 tuổi) nhập viện cấp cứu vào ngày thứ 5 của bệnh với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn đường vào từ viêm mô tế bào cẳng bàn tay phải và gout mạn tính. Qua thăm khám, các bác sĩ ghi nhận cánh cẳng tay phải sưng nề, ấn lõm, mặt sau 1/3 cánh tay phải có vùng phỏng nước, hoại tử kích thước 5cm, mu tay phải có phù nề, chảy mủ kích thước 2cm.
Qua siêu âm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị phù nề tụ dịch mô kẽ, viêm mô tế bào vùng cẳng tay phải. Sau một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân chưa đáp ứng điều trị, tiến triển tại chỗ, bệnh ngày càng nặng hơn, toàn thân nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, rối loạn dinh dưỡng, rối loạn điện giải. Tại chỗ vết thương có nhiều hoại tử ướt, mô hạt kém phát triển, nhiều dịch dạng tinh thể urat.
Vi khuẩn xâm nhập vào đường máu, gây sốc nhiễm khuẩn, tổn thương đa cơ quan. Bệnh viện đã hội chẩn, nhanh chóng lọc máu liên tục, truyền bù đạm, bù máu, đổi sang kháng sinh mạnh hơn, đồng thời cắt lọc bổ sung tổn thương tại chỗ vết thương.
Các bác sĩ dặn dò trước khi bệnh nhân ra viện. Ảnh: VTV News
2 ngày sau, bệnh tiến triển nặng hơn cả toàn thân và tại chỗ, được hội chẩn toàn bệnh viện và chẩn đoán rõ ràng: Viêm phổi bệnh viện do vi khuẩn K. pneumoniae, sốc nhiễm khuẩn đường vào từ viêm mô tế bào cánh - cẳng tay phải do S. pyogenes + Klebsiella đa kháng.
Các bác sĩ nhanh chóng phẫu thuật rạch giải phóng ổ áp xe, cắt lọc, nguy cơ tái sốc do nguồn nhiễm chưa giải quyết hoàn toàn - loạn thần sau dùng an thần kéo dài, rối loạn điện giải – gout – tiền đái tháo đường suy tim.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Văn Bình – Phó Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật chi trên, bác sĩ điều trị chính cho bệnh nhân, với tinh thần ưu tiên cứu sống tính mạng người bệnh, sau khi trao đổi giải thích với bệnh nhân và người nhà cũng như làm những thủ tục bắt buộc, ngay trong đêm, các bác sĩ triển khai mổ cấp cứu giữ lại 1/3 đoạn chi trên cánh tay phải để cứu sống tính mạng bệnh nhân.
Tình trạng người bệnh được cải thiện qua cơn nguy kịch, tỉnh tiếp xúc được, cai thở máy, các chỉ xét nghiệm dần trở về bình thường, tại chỗ mỏm cụt sau 2 lần đặt VAC (máy hút áp lực liên tục) đã lên tổ chức hạt đẹp. Hiện, toàn thân bệnh nhân ổn định, vùng da ghép mỏm cụt tiến triển tốt. Bệnh nhân chỉ còn đánh giá lại một vài yếu tố cuối cùng để ra viện trở về với cuộc sống sau khi qua được cơn bạo bệnh.
Đinh Kim (T/h)