Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 12/1: Gặp tai nạn giao thông, nam sinh bị đứt lìa phế quản gốc của phổi trái

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 12/1/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 12/1/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Gặp tai nạn giao thông, nam sinh bị đứt lìa phế quản gốc của phổi trái

VOV đưa tin, các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng vừa cứu sống nam học sinh lớp 10 bị đứt lìa phế quản gốc của phổi trái do tai nạn giao thông.

Cụ thể, vào Tết dương lịch, em N.Q.T. (16 tuổi, trú huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị tai nạn giao thông và chuyển cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, chấn thương ngực bụng, tràn khí, tràn máu màng phổi 2 bên đã dẫn lưu tại tuyến dưới, đứt lìa phế quản gốc của phổi trái gây suy hô hấp, chèn ép phổi, tim.

Các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực phối hợp cùng khoa Cấp cứu và khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đà Nẵng tiến hành mổ cấp cứu lồng ngực, xử trí tổn thương đứt lìa phế quản gốc phổi trái cho bệnh nhân.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: VOV

Các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực phải cắt lọc tiết kiệm, sử dụng mảnh ghép là màng ngoài tim để tạo hình lại mặt sau của phế quản gốc trái để tránh tình trạng hẹp phế quản sau này. Sau 3,5 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã phục hồi thành công phế quản gốc trái cho bệnh nhân.

Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục điều trị tích cực tại khoa Gây mê Hồi sức và khoa Ngoại lồng ngực. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đi lại, ăn uống, hô hấp bình thường. Bệnh nhân được xuất viện về nhà.

Bác sĩ CKI Phan Phước An Bình - Phó trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, chấn thương của bệnh nhân T. là trường hợp rất nặng và hiếm gặp trong bệnh cảnh chấn thương ngực.

Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời ở tuyến dưới (đặt dẫn lưu màng phổi 2 bên) thì nguy cơ tử vong rất cao. Hơn nữa, nếu bệnh nhân không được phẫu thuật kịp thời thì nguy cơ suy hô hấp liên tục, tiến triển sẽ dẫn đến tử vong.

2 trẻ tử vong, 1 trẻ điều trị tại bệnh viện sau khi tự làm thịt cóc ăn

Theo báo Người Lao Động, chiều 11/1, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã có báo cáo về vụ ngộ độc thịt cóc. Cụ thể, khoảng 10h cùng ngày, 3 em nhỏ gồm S.N. (11 tuổi), S.H. (4 tuổi) và S.Th. (5 tuổi, cùng trú thôn Tao Roong, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) cùng làm thịt cóc ăn.

Đến khoảng 11h30, người nhà phát hiện các em nằm bất động trên nền nhà, tiểu tiện không tự chủ nên đưa vào viện. Đến khoảng 12h cùng ngày, cả ba em nhỏ cùng được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Chư Sê cứu chữa.

Tại đây, các bác sĩ xác định em S.N. đã ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp, đồng tử giãn tối đa, mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Qua 30 phút phút hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, bệnh nhân đã tử vong.

Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã có báo cáo về vụ ngộ độc thịt cóc. Ảnh minh họa

Các em S.H. và S.Th. nhập viện trong tình trạng lơ mơ, nôn ói…, được các bác sĩ chẩn đoán ngộ độc thịt cóc. Sau khi được các bác sĩ tiến hành cấp cứu tích cực, cả hai bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai tiếp tục điều trị.

Sau khi xảy ra vụ việc, Trung tâm Y tế Chư Sê cũng đã cử lực lượng tiến hành giám sát, điều tra, xác minh, nắm bắt tình hình và tuyên truyền cho dân trong làng biết về vụ ngộ độc trên.

Đến tối 11/1, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai xác nhận em S.H. đã tử vong ngoài viện. Nạn nhân còn lại là em S.Th. đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – chống độc trong tình trang đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt.

Người đàn ông nhiễm ấu trùng sán dây chó ký sinh tại phổi

Theo thông tin trên VTV Times, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nam bệnh nhân 38 tuổi, nhiễm ấu trùng sán dây chó ký sinh tại phổi.

Trước khi khởi phát bệnh, bệnh nhân đã ăn các thực phẩm tái hoặc sống nhiều lần như thịt cừu nướng chưa chín, tiết canh dê, rau sống và gỏi cá mai. Bệnh nhân phát hiện bệnh với tình trạng mệt mỏi, đau vùng ngực phải âm ỉ, thỉnh thoảng khó thở, không sốt, không ho, không mẩn ngứa, không sút cân.

Sau khi khám, kết quả chụp phim cắt lớp vi tính lồng ngực cho thấy: tổn thương dạng nang thùy dưới phổi phải kích thước 12x9x8cm. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt nang dịch.

Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt nang dịch cho bệnh nhân. Tổn thương trong mổ là một nang dịch kích thước lớn, thành dày, dịch nang trong, bên trong có chứa các đầu sán nằm ở thùy dưới phổi phải. Bệnh phẩm được gửi soi tươi xác định ấu trùng sán dây chó. Sau mổ bệnh nhân diễn biến ổn định, hồi phục tốt.

Hình ảnh soi tươi ấu trùng sán dây chó. Ảnh: VTV Times

Theo các bác sĩ, bệnh sán dây chó là bệnh gây ra bởi các loài sán thuộc giống Echinococcus. Giống Echinococcus có khoảng 10 loài, trong đó hai loài gây bệnh chính ở người là: E. granulosus và E. multilocularis. Loài E. granulosus gây tổn thương thể nang nước (Cystic echinococcosis), loài này có vật chủ chính là chó nuôi, chó hoang...; vật chủ trung gian là loài động vật ăn cỏ, đặc biệt là cừu.

Bệnh do ấu trùng sán dây chó Echinococcus có biểu hiện lâm sàng phụ thuộc vào loài sán dây chó bị nhiễm. Bệnh có đặc điểm là phát triển chậm, trong một thời gian dài có thể hoàn toàn không có triệu chứng. Các nang sán hay gặp ở gan, sau đó là phổi và các cơ quan khác như thận, lách, tim, tổ chức thần kinh hoặc xương.

XEM THÊM: Cô gái trẻ gặp biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ, không còn khả năng cứu chữa

Tất cả mọi người đều có khả năng nhiễm ấu trùng sán dây chó và có thể bị nhiễm nếu ăn phải trứng sán dây chó. Người mắc bệnh do nuốt phải trứng sán dây chó khi ăn uống các loại thực phẩm bị nhiễm trứng sán dây chó hoặc người sau khi có tiếp xúc trực tiếp với chó, cáo, chồn nhiễm bệnh.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật