Tin tức đời sống mới nhất ngày 1/10/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 1/10/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Hiến 2/3 lá gan cho cô giáo từng phạt đòn mình nhiều lần
Một đoạn clip nói về tinh thần tôn sự trọng đạo vừa được chia sẻ mới đây gây xôn xao cộng đồng mạng. Theo đó, chàng trai Jerome Chin (25 tuổi) đã tình nguyện hiến 2/3 lá gan của mình cho cô giáo cũ.
Được biết, cô giáo tiểu học tên Leong Fong từng rất nhiều lần cầm gậy đánh Jerome Chin.
"Cô giáo cứ nhìn thấy em là cầm sẵn gậy để phạt", anh chia sẻ.
Mới đây, Chin phát hiện cô giáo Leong Fong bị ung thư. Có 8 tình nguyện viên muốn hiến tạng cho Leong đều không ai phù hợp ngoài Chin. Khi biết được được ý định hiến tạng của con trai, bố Chin tỏ vẻ không đồng ý. Tuy nhiên, với kiến thức đã học được trong trường Y , chàng trai đã thuyết phục được bố. Cuối cùng, Chin đã hiến 67% lá gan cho cô giáo.
Jerome Chin tình nguyện hiến gan cho cô giáo đã đánh mình. Ảnh cắt từ clip |
Đoạn clip sau khi đăng tải gây xôn xao cộng động mạng. Hầu hết mọi người đều cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của chàng trai dành cho cô giáo cũ.
Jerome Chin sống ở Malaysia. Ngay sau khi ca ghép tạng được thực hiện thành công ngày 6/ 9 tại bệnh viện đại học quốc gia Singapore, Chin gặp phải một số biến chứng nhẹ như vàng da, nhưng ngay sau đó đã nhanh chóng hồi phục và gan của anh dự kiến sẽ phát triển mới hoàn chỉnh trong 3 tháng.
Chia sẻ về lý do hiến gan, Chin chia sẻ: "Hồi còn đi học em ghét bị đánh lắm, nhưng dù sao em vẫn cảm kích các thầy cô đã quan tâm đến em".
Bé trai 5 ngày tuổi bị cắt 80cm ruột
Sau khi chào đời 3 ngày, bé T.B.M. (Nam Định) bỗng nhiên bú tới đâu nôn tới đó, nôn dịch xanh, dịch vàng, đi ngoài phân dính máu.
Tại bệnh viện tuyến dưới, cháu bé được chẩn đoán viêm ruột, chỉ định dùng thuốc nhưng tình trạng không cải thiện và ngày càng trầm trọng. Khi chuyển lên BV Nhi TƯ, bé M. trong tình trạng vật vã, kích thích do mất nước, quấy khóc. Bên cạnh đó, trẻ bị chướng bụng, đặt xông dạ dày ra dịch xanh, thăm hậu môn thấy phân đen lẫn máu cũ.
Sau khi thăm khám và chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán cháu M. không phải bị viêm ruột thông thường mà mắc “ruột quay bất toàn”, nguy hiểm tới tính mạng. Căn bệnh này làm mạc treo chung ruột bị hẹp, ruột non xoắn chặt lại, gây phù nề, hoạt tử.
BS Vũ Mạnh Hoàn, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, BV Nhi TƯ cho biết, sau 3 lần phẫu thuật (lần 2 cách lần đầu 2 ngày, lần 3 cách lần 2 khoảng 2 tuần), các bác sĩ đã buộc phải cắt 80 cm ruột hoại tử, nối lại ruột, làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhi. Phần ruột còn lại chỉ còn khoảng 70 cm.
BS Hoàn thăm 1 bệnh nhi bị ruột quay bất toàn. |
Tuy nhiên BS Hoàn cho biết, dù trải qua 3 lần phẫu thuật nhưng việc cháu M. được cứu sống là điều vô cùng may mắn. Nếu bệnh nhi nhập viện muộn hơn một vài ngày, tình trạng hoại tử ruột trầm trọng hơn thì các bác sĩ khó lòng cứu chữa.
Bệnh tay chân miệng tăng cao trên cả nước
Theo báo cáo công tác y tế tháng 9/2018 của Bộ Y tế, trong tháng 9, cả nước có 12.233 ca tay chân miệng (TCM), tăng 3.289 ca so với tháng 8 và nâng tổng số mắc TCM từ đầu năm đến nay lên 42.772 ca.
Tháng 9, cả nước có 13.451 ca sốt xuất huyết, tăng 750 ca so với tháng 8 và nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay trên cả nước hơn 56.000 ca (có 11 ca tử vong ở Bình Dương (2 ca), Đồng Nai (2 ca), thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Cà Mau, An Giang, Bình Định, Trà Vinh, Khánh Hòa).
Về sởi, từ đầu năm đến nay cả nước có 1.937 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó tháng 9 là 374 ca, tăng 154 ca so với tháng 8. Trước tình hình trên, Bộ Y tế chỉ đạo sở y tế các tỉnh, thành tăng cường công tác phòng chống, giám sát dịch bệnh.
Bệnh nhi điều trị TCM tại BV Nhi đồng 1 đến từ nhiều tỉnh phía Nam. Ảnh: Thanh Niên. |
Trước tình hình trở lại của gien C4 thuộc chủng vi rút Enterovirus 71 (EV71) - chủng vi rút đã gây vụ dịch TCM lớn trên cả nước vào năm 2011, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh, hôm qua (30/9) PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, chỉ đạo tất cả bệnh viện (BV) trên địa bàn sẵn sàng tiếp nhận trẻ mắc TCM và chẩn đoán, thăm khám toàn diện, phát hiện trở nặng phải xử lý kịp thời; nếu không có điều kiện hồi sức thì chuyển ngay đến BV Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP. Trường hợp bệnh nhân điều trị nội trú, ngoài theo dõi sát các BV chuẩn bị đầy đủ thuốc, máy thở, trang thiết bị... để cứu chữa.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1, khi một trẻ mắc TCM cần được theo dõi sát. Nếu trẻ bị nhẹ thì 5 - 7 ngày tự hết.
Trường hợp bị nặng, tùy mức độ mà có sự điều trị thích hợp như cho dùng thuốc an thần không để giật mình, truyền thuốc điều hòa miễn dịch Gamma globulin; trẻ bị cao huyết áp thì truyền thuốc điều chỉnh; nếu khó thở thì cho thở máy; nếu trẻ vào nặng ở giai đoạn cuối (độ 4) thì điều trị chống sốc, lọc máu.
Thêm vaccine “5 trong 1” được đưa vào tiêm chủng
Ngày 30/9, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, để đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vaccine phòng 3 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT-HepB-Hib), đồng thời phục vụ nhu cầu tiêm chủng của nhân dân, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam thêm 1 loại vaccine “5 trong 1” (ngừa 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib), đó là vaccine: Diptheria, TetanuSy Pertussis, Hepatitis B and Haemophilus influenza type b Conjugate Vaccine Adsorbed. Loại vacccine này do Công ty Serum Institute of India Pvt.Ltd (Ấn Độ) sản xuất và Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 - Vabiotech đăng ký và nhập khẩu vào Việt Nam.
Để đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời vaccine phòng bệnh kết hợp cho nhu cầu tiêm chủng của nhân dân, Cục Quản lý dược cũng yêu cầu các sở y tế, bệnh viện, viện… cập nhật thông tin, đưa vào kế hoạch dự trù, sử dụng và chủ động đặt hàng vaccine trên để đa dạng hóa các nguồn cung ứng, cũng như nhằm chủ động thay thế nguồn vaccine trong trường hợp nguồn cung hiện tại có nguy cơ bị thiếu hụt đột ngột.
Thu Hằng (T/h)