Tin tức đời sống mới nhất ngày 27/9/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 27/9/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Trẻ măc bệnh tay chân miệng tăng cap
Gần 1 tháng trở lại đây, y bác sĩ khoa Nhiễm – thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1 đang phải gồng mình cấp cứu cho hàng loạt trẻ nhập viện do bệnh tay chân miệng. Số trẻ nhập viện đang ngày càng tăng,
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1, cho hay một tháng trở lại đây, trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng tăng đột biến. Nếu như những tháng trước, số trẻ nhập viện vì tay chân miệng chỉ từ 20 – 30 trẻ, đến nay mỗi ngày có 180 – 200 bé nhập viện điều trị.
Trẻ nhập viện vì tay chân miệng thường từ độ tuổi 9 tháng tới 5 tuổi. Tuy nhiên, có 1 số trường hợp chỉ mới vài tháng tuổi. Tại bệnh viện Nhi đồng 1 đã có 1 ca tử vong do bệnh tay chân miệng.
Những ngày này, 12 y bác sĩ khoa Nhiễm – thần kinh luôn túc trực cấp cứu trẻ nhập viện viện vì tay chân miệng. Các giường bệnh ở khoa chật kín bệnh nhi. Những bệnh nhi lớn nằm 1 giường. Những bệnh nhi nhỏ tuổi hơn, mỗi giường có 2 bé nằm. Tất cả các bệnh nhi đều được cột tay chân vào thành giường.
“Làm vậy để các bé nằm yên, tránh co giật” – nữ y tá giải thích.
Để tránh trẻ co giật, bác sĩ phải dùng dây cột tay chân bé vào thành giường. Ảnh: Vietnamnet. |
Theo số liệu từ Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, từ ngày 14 – 20/9, địa bàn TP ghi nhận 286 ca mắc tay chân miệng, tăng 47% so với 4 tuần trước đó (194 ca).
Để phòng chống bệnh tay chân miệng, sở y tế TP chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát tại các nhà trẻ, nhóm trẻ để truyền thông, hướng dẫn các biện pháp kiểm soát bệnh trong trường lớp, nhất là ở nhóm trẻ, trường mẫu giáo.
Phát hiện chất chữa ung thư trong hàu
Các loài động vật thân mềm như sò - hàu chứa một loại đường có thể ngăn tế bào ung thư phát triển. |
Các nhà khoa học vừa phát hiện, một hợp chất đường trong một số loài động vật thân mềm như sò, hàu, có thể kìm hãm sự tăng trưởng của tế bào ung thư.
Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Salford (Manchester, Anh), vừa được công bố trên tạp chí Marine Drugs.
Các nhà khoa học thử nghiệm hợp chất đường này trên các tế bào ung thư bạch cầu, ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại tràng và thu được kết quả khả quan.
Loại đường trong các loài động vật thân mềm này, sau khi được chiết xuất, có thể tương tác với protein trong các khối u ung thư và ngăn tốc độ tăng trưởng của chúng. Thuốc chế từ loại đường này có thể dùng với liều lượng nhỏ, mà vẫn mang lại hiệu quả tương đương các loại thuốc hóa trị liệu tiêu chuẩn.
Tiến sĩ David Pye - người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: "Các nhà khoa học từng thử nghiệm Polysaccharides (đường) trong các loài động vật có vú nhưng kết quả không mấy thuyết phục. Vì vậy, chúng tôi thử nghiên cứu các loài động vật thân mềm có vỏ. Chúng rẻ hơn, dễ mua và cũng rất giàu đường.”
Việc phát hiện ra đặc tính chống ung thư của loại đường trong trong động vật thân mềm, có ý nghĩa quan trọng, bởi nó ít gây tác dụng phụ nên có thể áp dụng để điều trị cho trẻ em.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, việc ăn sò sẽ không chữa được ung thư, bởi loại đường này cần phải được chiết xuất và chế tạo thành thuốc để tiêm vào cơ thể.
Ăn nhầm nấm độc, 3 bà cháu nguy kịch
Nấm ô tán phiến xanh. Ảnh: Zing. |
Sau 2 ngày điều trị, chiều 26/9, bà Đinh Thị Nhiếk (64 tuổi) cùng hai cháu ngoại là D.T.T.H (10 tuổi) và D.T.T (4 tuổi, ngụ xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) đã qua cơn nguy kịch.
Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cho biết rạng sáng 25/9, ba bà cháu nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê nghi ngộ độc thức ăn.
Bà Đinh Thị Dứa (con bà Nhiếk) cho biết hai ngày trước, trong lúc đi làm rẫy, bà hái khoảng 100 gr nấm lạ mang về nấu bữa tối cho gia đình. Sau đó, hai vợ chồng bà này sang làng bên chơi. Khi về nhà, Dứa phát hiện 3 bà cháu hôn mê bên nồi cháo nấm nằm trên sàn nhà nên đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Theo các chuyên gia Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), bà Nhiếk cùng hai cháu ăn bị ngộ độc là nấm mũ khía nâu xám (tên khoa học là Inocybe Rimosa). Độc tố chính là muscarin, thuộc nhóm gây độc cho gan, thận và hệ thần kinh.
Nếu ăn phải loại nấm này và không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân dễ bị hoại tử tế bào gan dẫn đến suy đa phủ tạng, suy thận rồi tử vong.
Phẫu thuật thành công nang tuyến phổi cho bệnh nhi 3 tháng tuổi
Các bác sỹ thực hiện ca mổ cấp cứu cho bệnh nhi 03 tháng tuổi. Ảnh: Giáo dục thời đại |
Tin từ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh ngày 26/09 cho biết, vừa qua các bác sỹ đã thực hiện thành công ca cắt nang tuyến phổi không lồ cho bệnh nhi 03 tháng tuổi.
Trước đó vào ngày 23/09, Khoa Ngoại & Chuyên khoa (Bệnh viện Sản Nhi Quảng ninh) đã tiếp nhận bệnh nhân T.T.P.T (03 tháng tuổi, thường trú tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng ho, thở nhanh kèm sốt (không rõ nhiệt độ) và chưa điều trị gì.
Qua khám lâm sàng, đồng thời tiến hành xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh nang tuyến phổi phải khổng lồ chiếm toàn bộ trường phổi, dạng các nang khí, nang kích thước lớn đẩy tim và trung thất lệch sang trái. Bên cạnh đó, nhu mô phổi thùy giữa và thùy dưới xẹp tạo các đám đông đặc, trong có các đường phế quản chứa khí.
Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sỹ chẩn đoán trẻ bị suy hô hấp/nang tuyến thùy trên phổi phải bẩm sinh và chỉ định mổ cấp cứu cắt thùy trên phổi phải cho trẻ. Đồng thời, giải thích cho gia đình bệnh nhân về tình trạng bệnh nhi có tiên lượng rất nặng.
Ca mổ diễn ra trong hơn 1 giờ đồng hồ, các bác sỹ tiến hành phẫu tích qua lớp cân cơ vào màng phổi quan sát thấy: Nhu mô thùy giữa, dưới phổi phải xẹp, thùy trên phổi phải chứa nang to; trong khoang màng phổi chứa nhiều dịch đục, nhiều giả mạc; tiến hành bộc lộ riêng thùy trên phổi phải và cắt thùy trên phổi phải cho bé.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sỹ cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi bệnh nhi còn quá nhỏ, một sai sót nhỏ làm tổn thương mạch máu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Ngoài bác sỹ cũng khuyến cáo khi phát hiện con mình có các triệu chứng ho, khò khè kéo dài, viêm phổi thường xuyên tái phát cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên môn cao để bác sĩ kiểm tra và chỉ định điều trị kịp thời
Hiện tại sức khỏe của bé đã ổn định và đang được chăm sóc, theo dõi đặc biệt tại Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện.
Thu Hằng (T/h)