Nghiện rượu, người đàn ông bị tắc ruột, viêm ruột hoại tử
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, đại diện Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực- Chống độc của đơn vị vừa cứu sống bệnh nhân P.C.O (39 tuổi, nam, trú tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên) bị tắc ruột, viêm ruột hoại tử.
Trước đó, bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Y tế trong tình trạng đau bụng dữ dội, da xanh tái, niêm mạc nhợt, bụng chướng căng, ấn đau khắp bụng. Tiếp nhận ca bệnh, các bác sĩ nhanh chóng thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết cho người bệnh. Căn cứ kết quả xét nghiệm và các bước thăm khám chuyên sâu, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân tắc ruột/ tăng huyết áp/ xơ gan do nghiện rượu.
Qua khai thác từ người nhà bệnh nhân được biết, bệnh nhân có tiền sử xơ gan, nghiện rượu ngày uống từ 0,5-1 lít. Đến ngày 29/8, bệnh nhân xuất hiện đau bụng vùng quanh rốn từng cơn, buồn nôn, nôn nhiều; bí trung đại tiện, sốt nhẹ, bụng chướng căng và được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên.
Sức khỏe của người bệnh hiện đã ổn định. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành hội chẩn lãnh đạo, bác sĩ khoa Ngoại và chuyển bệnh nhân lên khoa Ngoại tổng hợp điều trị. Ngay lúc này, tình trạng bệnh nhân trở nên nguy kịch, khi bụng chướng ngày càng căng vì nôn liên tục, bí trung đại tiện, các chỉ số ở mức báo động.
Sau khi tiến hành hội chẩn với bệnh viện tuyến trên, các bác sĩ bệnh viện đã đưa ra phương án chuyển bệnh nhân lên tuyến tỉnh điều trị ngay, can thiệp gấp. Tuy nhiên, do nguyện vọng gia đình nên bệnh nhân được lưu lại viện để điều trị.
Trước tình thế nguy kịch của người bệnh, bác sĩ khoa Ngoại phối hợp với khoa Hồi sức tích cực tiến hành hồi sức tích cực và chuyển bệnh nhân xuống khoa Hồi sức tích cực - chống độc điều trị.
XEM THÊM: Ăn quả vông mọc ở bên bờ suối, 40 học sinh phải nhập viện cấp cứu
Tại khoa Hồi sức tích cực-chống độc, bệnh nhân được chẩn đoán tắc ruột-viêm ruột hoại tử-tăng huyết áp/ xơ gan rượu. Sau đó, bác sĩ tiến hành đặt dẫn lưu sode dạ dày, dẫn lưu sonde hậu môn, nuôi dưỡng hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch, kháng sinh phối hợp liều cao, giảm tiết, giảm đau, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, vừa đo áp lực tĩnh mạch trung tâm, vừa nuôi dưỡng và dùng thuốc.
Nhờ phác đồ điều trị này cùng sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, bệnh nhân hoàn toàn đáp ứng thuốc, tình trạng bụng được cải thiện.
Sau 1 tuần điều trị tích cực, dịch dẫn lưu dạ dày chuyển màu vàng trong, bệnh nhân được rút sonde dạ dày; xét nghiệm tình trạng nhiễm trùng đã được cải thiện, bụng mềm, không nôn, bắt đầu cho ăn trở lại. Hiện, sau 10 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, các chỉ số về mức bình thường.
Tình hình sức khỏe 15 người nghi ngộ độc bún ở Điện Biên
VTC News dẫn thông tin từ bác sĩ Lò Văn Quyết - khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết, 15 bệnh nhân nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc bún đã được ra viện.
"Ngay khi vào viện, họ được truyền dịch và dùng kháng sinh phòng bội nhiễm, không còn dấu hiệu tiêu chảy, đau bụng", bác sĩ Quyết nói. Sáng 9/9, bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm lại cho người bệnh, chỉ số xét nghiệm ổn định, không có dấu hiệu nhiễm trùng hệ tiêu hóa nên 15 người được cho về theo dõi tại nhà.
Trong 15 người nhập viện hôm 8/9, một số người đau bụng, nôn ói, tiêu chảy nhưng cũng có người bị hội chứng lo lắng dây chuyền, triệu chứng không rõ. Họ lo sợ bị ngộ độc tập thể vì cùng ăn bún tại các quán trên địa bàn.
Liên quan đến vụ việc trên, chiều 8/9, đoàn liên ngành đã kiểm tra, lấy mẫu tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống mà các bệnh nhân đã ăn. Đoàn công tác cũng kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất bún của gia đình ông Triệu Minh P. (phường Tân Thanh, TP.Điện Biên Phủ) - nơi cung cấp nguyên liệu bún cho các quán ăn liên quan.
15 bệnh nhân nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc bún đã được ra viện. Ảnh: VTC News
Tại thời điểm kiểm tra, tại cơ sở này vẫn còn khoảng 2 tạ bún sản xuất thành phẩm để cung cấp ra thị trường. Chủ cơ sở không xuất trình được giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở và người lao động, cam kết an toàn thực phẩm. Phiếu kết quả kiểm nghiệm đã hết hạn, điều kiện sản xuất của cơ sở chưa đảm bảo; nơi sản xuất và nơi lưu trữ thành phẩm chưa tách biệt.
Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu bún tại cơ sở sản xuất gửi về Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để tiến hành xét nghiệm. Đồng thời, đoàn yêu cầu cơ sở sản xuất bún của gia đình ông Triệu Minh P. tạm dừng sản xuất để hoàn tất thủ tục liên quan đến sản xuất kinh doanh và chờ kết quả xét nghiệm mẫu bún.
Đắk Lắk ghi nhận thêm trường hợp mắc liên cầu lợn
Theo thông tin trên báo Nhân Dân, ngày 9/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm một trường hợp bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn. Như vậy, từ đầu năm tới nay trên địa bàn tỉnh đã có 3 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn.
Cụ thể, bệnh nhân là bà T.T.L (SN 1952, trú tại thôn 11, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk). Theo người nhà, ngày 19/8, bệnh nhân có biểu hiện sốt, kèm đau đầu, đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Qua theo dõi và làm các xét nghiệm, đã cho kết quả dương tính với vi khuẩn Streptocotus Suis. Hiện, bệnh nhân đang được điều trị với chẩn đoán viêm màng não mủ do Streptocotus Suis. Được biết, trước đó bệnh nhân có ăn nội tạng heo cùng gia đình tại nhà, thực phẩm đã được chế biến và đun nấu.
Từ đầu năm tới nay, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn. Ảnh minh họa: Nhân Dân
Ngay sau khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng điều tra ca bệnh, đồng thời thông báo thông tin ca bệnh cho Trung tâm Y tế huyện Ea Súp và hướng dẫn các biện pháp điều tra, xử lý môi trường, chỉ đạo cho Trung tâm Y tế huyện tiếp tục theo dõi tình hình bệnh trên địa bàn.
Phối hợp với ngành thú y địa phương trong việc chia sẻ thông tin về tình hình bệnh và phối hợp trong điều tra, xử lý môi trường nơi ghi nhận ca bệnh…
Đinh Kim (T/h)