Hãi hùng phát hiện hàng chục con dòi trong hốc mũi người đàn ông
Theo thông tin trên báo Lao Động, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam cho biết vừa phẫu thuật nội soi gắp hàng chục con dòi sống trong hốc mũi của một người đàn ông 63 tuổi tại huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam).
Tối 5/11, bệnh nhân được đưa vào khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam. Được biết, người bệnh từng được hóa xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng với bệnh lý ung thư hốc mũi.
Qua thăm khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng khá nặng, sưng nề má trái, lồi mắt trái, mắt trái mất thị lực, mũi rỉ dịch nhầy hôi, 2 bên mũi có nhiều dòi sống lúc nhúc.
Hàng chục con dòi được gắp ra khỏi mũi người bệnh. Ảnh: Lao Động
Sau khi tiến hành thủ thuật chuyên khoa, bệnh nhân được các bác sĩ và ekip tiến hành phẫu thuật nội soi mở các hốc xoang thám sát và gắp hàng chục con dòi sống kèm nhiều tổ chức hoại tử trong hốc mũi người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tiên - Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là trường hợp vô cùng hiếm gặp do vấn đề vệ sinh không được chú ý, kèm theo bệnh lý ung thư tại hốc mũi.
Người đàn ông bị dị dạng mạch máu tủy bẩm sinh hiếm gặp
Theo TTXVN, các bác sĩ Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ vừa điều trị thành công cho bệnh nhân bị dị dạng mạch máu tủy hiếm gặp. Cụ thể, nam bệnh nhân V.V.P (31 tuổi, ngụ tại tỉnh Hải Dương) nhập viện ngày 28/10 trong tình trạng nửa dưới thân từ bụng trở xuống mất cảm giác, đi lại khó khăn, mất khả năng tự chủ trong vận động, tiểu tiện.
Anh P. cho biết, tình trạng bệnh xuất hiện khá đột ngột chỉ vài tháng gần đây. Trước đó, anh hoàn toàn khỏe mạnh, là lao động chính trong nhà. Anh đã đi khám và điều trị vài nơi nhưng các chẩn đoán rất khác nhau và tình trạng bệnh ngày càng tăng nặng.
Bệnh nhân nhanh chóng được chỉ định chụp MRI. Kết quả cho thấy đây là trường hợp dị dạng mạch máu tủy bẩm sinh hiếm gặp, ổ dị dạng mạch máu tủy rất phức tạp. Ngày 29/10, các bác sĩ đã can thiệp, đưa những ống thông siêu nhỏ đường kính dưới 1mm qua động mạch tủy vào búi dị dạng vùng tủy ngực và bơm keo gây tắc hoàn toàn…
Đặc biệt, phương pháp hiện đại này cho phép bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và không cảm thấy đau đớn trong suốt quá trình can thiệp. Sau can thiệp 8 ngày, anh P. đã có cảm giác vùng chân và có thể đi từng bước. Sức khỏe của anh P. tiến triển tốt, được xuất viện sáng 9/11 và hẹn lịch vật lý trị liệu.
Sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, hiện đã được xuất viện. Ảnh: TTXVN
Theo TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ, bác sĩ chính trong ekip can thiệp, dị dạng mạch máu tủy là căn bệnh bẩm sinh rất hiếm gặp.
Bệnh thường có diễn tiến âm thầm và có biểu hiện giống các bệnh thông thường của cột sống như đau lưng, tê yếu 2 chân, giảm cảm giác 2 chân… Vì vậy, bệnh dễ chẩn đoán nhầm lẫn với bệnh thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm.
Nếu không được chẩn đoán và điều trị trúng đích, kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến khiến bệnh nhân tàn phế, liệt 2 chân, tiêu tiểu không tự chủ. Do đó, bác sĩ khuyến cáo khi có dấu hiệu đau lưng kéo dài, tê yếu 2 chân, mất cảm giác, tiểu không kiểm soát… nhất là ở trẻ em và người trẻ nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế có chuyên khoa sâu để thăm khám, điều trị kịp thời.
Càng ngày càng nhìn mờ, đi khám phát hiện mắc bệnh hiếm
Báo Người Lao Động đưa tin ngày 9/11, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ cho biết vừa ghi nhận ca bệnh lý "tồn tại màng đồng tử" hiếm gặp. Bệnh nhân là ông T.V.L (45 tuổi; ngụ tỉnh Sóc Trăng), nhập viện trong tình trạng mắt nhìn mờ, mức độ màng che mờ trước đồng tử dày.
Theo lời kể của bệnh nhân, ông nhận thấy bất thường như có vật gì che ở mắt, càng ngày ông càng nhìn mờ nên đến thăm khám tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ.
Tại đây, bác sĩ CKII.Trần Văn Kết - Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ, trực tiếp thăm khám và chẩn đoán trường hợp ông L. mắc bệnh lý "tồn tại màng đồng tử" và được chỉ định phẫu thuật cắt màng đồng tử để đảm bảo thị lực nhìn rõ cho bệnh nhân.
Bác sĩ CKII Trần Văn Kết cho rằng đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận tại bệnh viện. "Tồn tại màng đồng tử" là một bệnh lý bẩm sinh do sự phát triển sai lệch của mống mắt, tạo nên những dãy xơ chắn trước đồng tử, ảnh hưởng đến thị lực người bệnh.
Bác sĩ CKII Trần Văn Kết thăm khám cho bệnh nhân trước phẫu thuật. ảnh: Người Lao Động
Giai đoạn đầu, người bệnh sẽ khó phát hiện vì biểu hiện của bệnh lý này chỉ là nhìn không rõ, nhìn mờ. Nhưng theo thời gian, màng đồng tử trở nên dày hơn, lúc này bệnh nhân sẽ bị cản trở tầm nhìn. Đặc biệt, khi tiếp xúc với ánh sáng hoặc khi đi ngoài trời nắng, bệnh nhân sẽ cảm thấy chói sáng, khó chịu hơn.
XEM THÊM: 1001 câu hỏi lần đầu làm mẹ: Thấy da trẻ sơ sinh "bong tróc", mẹ "bỉm sữa" đừng nên hốt hoảng
Với những trường hợp "tồn tại màng đồng tử" dày, che khuất diện đồng tử, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực thì người bệnh phải được can thiệp điều trị sớm. Tùy theo tình trạng cụ thể mà có thể điều trị bằng phẫu thuật cắt màng đồng tử.
Trong trường hợp màng đồng tử dính vào mặt trước thủy tinh thể có ảnh hưởng đục thủy tinh thể thì phẫu thuật thủy tinh thể kết hợp cắt màng đồng tử.
Đối với trường hợp của ông L., "tồn tại màng đồng tử" đã tiến triển với độ dày, ảnh hưởng đến thị lực và mắc phải ở cả 2 mắt, ảnh hưởng gây đục thủy tinh thể, phải được điều trị bằng phẫu thuật cắt màng đồng tử.
Đinh Kim (T/h)