Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/11: Lọc máu liên tục cứu em bé nguy kịch vì mắc tay chân miệng

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 9/11/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 9/11/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Lọc máu liên tục cứu em bé nguy kịch vì mắc tay chân miệng

VTV News đưa tin, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ vừa tiếp nhận và điều trị bệnh nhi P.T.A. ( 42 tháng tuổi, trú tại Cần Thơ) mắc tay chân miệng độ 4, nguy kịch. Theo lời kể của gia đình, bệnh nhi khởi bệnh 4 ngày với triệu chứng sốt kèm theo loét miệng và nổi hồng ban tay chân.

Bệnh nhi có đi khám và được chẩn đoán bệnh tay chân miệng tại bệnh viện địa phương. Ngày thứ 2, 3 của bệnh, bệnh nhi vẫn còn sốt dao động kèm theo ăn uống kém. Đến ngày thứ 4, bệnh nhi vẫn còn sốt, sau đó vã mồ hôi lạnh kèm theo ngủ giật mình chới với tay chân nên được đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc, môi tái, chi lạnh, da nổi bông, mạch quay nhanh nhẹ khó bắt, huyết áp khó đo, thở không đều nhịp thở nông, hồng ban bóng nước điển hình ở tay và chân kèm theo loét miệng.

Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhi được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4, nhanh chóng được đặt nội khí quản, thở máy, đặt catheter động mạch theo dõi huyết áp xâm lấn, sử dụng IVIG (Immunoglobulin) và thuốc vận mạch, trợ tim, sau đó chuyển bệnh nhi đến khoa Hồi sức tích cực.

Bệnh nhi đã ổn định sức khỏe và được xuất viện sau 3 tuần nhập viện, điều trị. Ảnh: VTV News

Tại đây, bệnh nhi tiếp tục được thở máy, an thần, sử dụng IVIG, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm để truyền các thuốc vận mạch, trợ tim liều cao và đo áp lực tĩnh mạch trung tâm.

Tuy nhiên, tình trạng vẫn không cải thiện, chức năng co bóp cơ tim giảm dần, xét nghiệm ghi nhận men tim tăng gấp nhiều lần giá trị bình thường nên nhanh chóng được tiến hành lọc máu liên tục.

Trong quá trình lọc máu, bệnh nhi vẫn sốt cao liên tục xét nghiệm ghi nhận bilan nhiễm trùng cao nên được sử dụng thêm các loại kháng sinh cao cấp.

Sau 5 ngày lọc máu liên tục, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần mạch, huyết áp trở về mức bình thường, đã ngưng các thuốc vận mạch trợ tim, cai máy lọc máu và sau đó cai thở máy.

Trải qua 3 tuần nhập viện và điều trị, hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, ăn uống bình thường, không có dấu hiệu di chứng thần kinh và đã được xuất viện.

Bệnh tay chân miệng đang trong mùa và đang tăng cao, đặc biệt có sự xuất hiện của chủng Enterovirus 71 là tác nhân gây bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao. Do đó bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng cần được chẩn đoán sớm, theo dõi sát và điều trị kịp thời.

Đối với bệnh nhi có loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối… cần đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán, theo dõi và điều trị kịp thời.

Tiến hành mổ khẩn để cứu thai phụ bị tăng áp động mạch phổi nặng

Theo thông tin trên báo Phụ Nữ Việt Nam, chị N.T.D. (33 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) có tiền sử hở van 3 lá 4/4 và tăng áp động mạch phổi cách đây 4 năm. Người bệnh được bác sĩ xếp vào nhóm sẽ gặp các biến chứng nguy hiểm khi mang thai nhưng do có thai ngoài ý muốn nhưng lại quá mong con nên quyết định giữ thai. Thai phụ khám thai tại phòng khám tư.

Giữa tháng 10, chị D. thấy mệt, khó thở tăng dần kèm ho khan nhiều, đi tái khám tại Bệnh viện Tim Tâm Đức (TP.HCM) ghi nhận tình trạng suy tim tăng cần theo dõi sát thai kỳ và lâm sàng. Bệnh nhân sau đó tiếp tục ở nhà, thấy mệt và khó thở tăng dần, phải ngồi, không ngủ được.

Ngày 23/10, thai phụ khám lại và được siêu âm tim với kết quả hở van 3 lá nặng mức độ 4/4, tăng áp lực động mạch phổi nặng, giãn buồng tim phải, suy tim mức độ 4, được chẩn đoán tình trạng suy tim tăng, có chỉ định mổ sinh khi tình trạng bệnh nặng hơn.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cứu thai phụ. Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam

Bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) ngày 26/10, được chẩn đoán con đầu, thai 31 tuần, ngôi đầu, chưa chuyển dạ. Thai phụ hở van 3 lá nặng, tăng áp động mạch phổi nặng. Chị được theo dõi sức khỏe thai, siêu âm ước lượng cân thai khoảng 1.600-1.700 gram và tiêm hỗ trợ phổi và truyền thuốc bảo vệ não thai nhi vì thai non tháng.

1 ngày sau, các bác sĩ tiến hành hội chẩn khi nhận thấy sản phụ trong tình trạng khó thở, mức độ suy tim tăng dần. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh nhân rất nặng cần mổ lấy thai cấp cứu và hồi sức tim mạch trước, trong và sau mổ. Đồng thời liên hệ ekip hồi sức và ngoại khoa Bệnh viện Tim Tâm Đức chuẩn bị sẵn sàng mổ lấy thai ngay trong đêm.

Các bác sĩ của hai bệnh viện thống nhất chuyển bệnh nhân qua Bệnh viện Tim Tâm Đức để chấm dứt thai kỳ. Ca mổ được cho là cân não bởi sản phụ có thể đối diện với nguy cơ bất ngờ lên cơn suy tim cấp và đột tử, vì thế bác sĩ của hai bệnh viện đã phải chuẩn bị chu đáo mọi phương án xử trí trước mổ và tập trung cao độ để giữ huyết áp của bệnh nhân ổn định trong thời gian phẫu thuật.

May mắn, mọi thứ diễn thuận lợi. Bé gái nặng 1.700 gram, ngay sau khi rời cơ thể mẹ đã được các bác sĩ hỗ trợ hô hấp tại phòng mổ, rồi đưa về khoa Sơ sinh Bệnh viện Hùng Vương áp dụng chế độ chăm sóc dành cho trẻ chào đời non tháng.

Sau 10 ngày phẫu thuật và theo dõi, tình trạng sức khỏe của em bé đã ổn định. Người mẹ sau khi được chăm sóc và theo dõi diễn tiến suy tim cấp cũng đã được xuất viện.

Đau bụng 3 ngày, đi khám phát hiện tăm dài hơn 5cm trong dạ dày

Theo báo Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương cho biết đã tiến hành nội soi dạ dày bằng phương pháp gây mê để gắp dị vật là chiếc tăm dài hơn 5cm trong dạ dày bệnh nhân.

Cụ thể, ông L.V.T (SN 1965, ở xóm Sơn Thịnh, xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương do đau bụng vùng thượng vị đã 3 ngày.

Qua thăm khám, bác sĩ đã chẩn đoán và chỉ định nội soi tiêu hoá. Trong quá trình nội soi dạ dày, phát hiện thấy gần môn vị dạ dày có 1 que tăm tre (còn nguyên) đâm vào thành dạ dày gây viêm loét.

Các bác sĩ đã tiến hành nội soi dạ dày bằng phương pháp gây mê, gắp thành công que tăm tre ra khỏi dạ dày bệnh nhân. Ảnh: Báo Nghệ An

Ngay khi phát hiện xác định dị vật, các bác sĩ đã tiến hành nội soi dạ dày bằng phương pháp gây mê và gắp thành công que tăm tre dài khoảng 5 cm còn nguyên vẹn nhọn 2 đầu, không làm tổn thương niêm mạc dạ dày hay ruột của người bệnh.

Sau gắp lấy dị vật, bệnh nhân được tiếp tục theo dõi, nay đã ổn định sức khoẻ và có thể xuất viện. Người bệnh kể, do thói quen sau khi ăn cơm dùng tăm xỉa răng và ngậm tăm xem tivi, rồi ngủ quên nên đã nuốt que tăm lúc nào không biết.

XEM THÊM: Cảnh báo: Suy tuyến yên gặp sốt xuất huyết, bệnh "chồng" bệnh

Nhân trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo những trường hợp bị dị vật như trên nếu  không phát hiện và xử lý kịp thời, dị vật có thể đâm qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng gây chảy máu, viêm phúc mạc gây nguy hiểm đến tính mạng.

Để tránh những biến chứng do dị vật đường tiêu hoá, người dân không nên ngậm tăm khi ngủ. Nếu không may nuốt phải dị vật cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật