Theo báo Dân Trí, ngày 3/12, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin về 2 ca ngộ độc lá hoa thủy tiên cấp cứu tại viện. Cụ thể, ThS.BSNT Bùi Tiến Công ở khoa Cấp cứu và Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mới đây, hai bệnh nhi 2 tuổi được đưa đến viện trong tình trạng nôn mửa, đau bụng do ăn nhầm lá hoa thủy tiên.
Người nhà hai bệnh nhi cho hay, vì trẻ bị ho nên đã dùng lá hẹ để nấu cháo cho trẻ nhưng họ đã lấy nhầm lá hoa thủy tiên. Gia đình chỉ phát hiện nhầm lẫn sau khi hai trẻ xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn liên tục. Phát hiện trẻ ăn nhầm lá hoa thủy tiên, gia đình đã cho trẻ đi cấp cứu.
Tại Khoa Cấp cứu và Chống độc, các bệnh nhi đã được nhập viện theo dõi các chức năng sinh tồn đồng thời được tiến hành các biện pháp thải trừ chất độc ra khỏi cơ thể bằng việc rửa dạ dày kết hợp sử dụng than hoạt tính để hấp thụ độc tố và nhuận tràng.
Bệnh nhi cũng được bồi phụ nước, điện giải và thực hiện các xét nghiệm để đánh giá chức năng gan, thận, tim. Sau một ngày can thiệp tích cực, hai bệnh nhi ổn định, vừa được xuất viện.
Hình cảnh cây hoa thủy tiên và cây hẹ. Ảnh: Dân Trí
Theo bác sĩ Công, hoa thủy tiên có hình loa kèn màu vàng, trắng, hồng có sáu cánh, trung tâm là nhụy hoa. Hoa thủy tiên có củ như hành tây, lá giống lá tỏi nhưng mảnh hơn.
Tất cả các bộ phận của cây hoa thủy tiên đều có độc, nhất là củ. Trong thành phần của cây chứa chất lycorine, gây ức chế enzym cholinesterase, gây ra các triệu chứng như nôn, buồn nôn, đổ mồ hôi, nhịp tim chậm.
Nếu vô tình ăn phải hoa thủy tiên với số lượng lớn có thể gây co giật, ức chế tuần hoàn, hô hấp và hôn mê. Bên cạnh đó, củ của hoa thủy tiên chứa thành phần oxalat, nếu nuốt phải có thể gây bỏng và kích ứng niêm mạc môi, lưỡi, họng.
Bác sĩ cũng cảnh báo, một số loại cây khác như cây kim tiền, khoai nước cảnh cũng có thể gây bỏng, kích ứng miệng, họng khi trẻ ăn nhầm.
Theo VietNamNet, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết thành phố vừa ghi nhận thêm một trường hợp nhiễm liên cầu lợn.
Bệnh nhân là người đàn ông 32 tuổi, quê ở Chương Mỹ. Sau 5 giờ mổ con lợn chết không rõ nguyên nhân, anh xuất hiện sốt rét run, mệt mỏi, kèm theo có đau bụng, nôn nhiều.
Gia đình đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhà, sau đó chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), chẩn đoán theo dõi sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.
Bệnh nhân được chỉ định vào điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới. Lúc này, bệnh nhân vẫn trong tình trạng mệt mỏi, lơ mơ, khó thở, đau bụng vật vã và vẫn tiếp tục nôn.
Hai tiếng sau vào viện, bệnh nhân xuất hiện ban xuất huyết hoại tử trên da tăng nhanh, kèm theo suy hô hấp, tụt huyết áp, chuyển đến khoa Hồi sức tích cực.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội có khoảng 10 trường hợp mắc liên cầu lợn, đã có ca tử vong. Ảnh minh họa
Khi vào khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân phù toàn thân, nhiều ban xuất huyết hoại tử toàn thân và ở mặt, suy đa phủ tạng, tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu… Bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân lọc máu liên tục, kháng sinh phổ rộng liều cao và can thiệp nhiều thủ thuật chuyên sâu khác. Kết quả cấy máu cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Streptococcus Suis.
Trong quá trình điều trị bệnh nhân xuất hiện biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tán huyết, hoại tử da… Bệnh nhân được điều trị tích cực trong 21 ngày, tình trạng cải thiện tốt, có thể ra viện trong vài ngày tới. Tuy nhiên, do bệnh nhân đến viện muộn nên để lại di chứng giảm thính lực.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội có khoảng 10 trường hợp mắc liên cầu lợn, đã có ca tử vong. Để phòng tránh bệnh, bác sĩ khuyến cáo người dân cần nấu chín thịt lợn; Không giết mổ lợn bệnh, chết không rõ nguyên nhân, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn; Sử dụng các trang bị bảo hộ (găng tay) khi giết mổ, chế biến thịt lợn sống.
Khi tiếp xúc với nguồn lây như lợn bệnh và sau ăn thức ăn có nguồn gốc từ lợn không đảm bảo vệ sinh mà xuất hiện các triệu chứng bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên sâu gần nhất để được điều trị để hạn chế các biến chứng và giảm thiểu tỷ lệ tử vong.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) mới đây cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc thuốc diệt chuột. Cụ thể, bệnh nhân là V.V. H. (13 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang).
Theo gia đình bệnh nhi, nhóm bạn của bệnh nhi đang chơi ngoài sân thì phát hiện một nắm gạo có màu hồng (có tẩm thuốc diệt chuột chứa hoạt chất Brodifacoum) liền thách thức nhau ăn vì cho rằng ăn vào không có vấn đề gì, chỉ có chuột mới chết.
Tin tưởng thuốc diệt chuột chỉ chuột mới chết, bệnh nhi H. đã ăn một nhúm gạo. Khoảng 1 giờ sau ăn, H. bắt đầu đau bụng tăng dần, nôn ói nhiều, mệt, đừ.
Bệnh nhi được người nhà chuyển tới nhập bệnh viện địa phương điều trị cấp cứu rửa dạ dày, than hoạt tính, tiêm vitamin K1, nuôi ăn tĩnh mạch toàn phần.
Sau 2 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi diễn tiến nặng, ói nhiều, ra dịch nâu đỏ, tổn thương gan, men gan tăng cao > 2000 đv/L (bình thường < 40 đv/L) và được chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để điều trị.
Tình trạng bệnh nhi ổn định dần sau 3 tuần điều trị. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
"Tại bệnh viện, trẻ được hỗ trợ hô hấp, tiếp tục rửa dạ dày, cho uống than hoạt, xét nghiệm chức năng đông máu mỗi ngày", báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng rối loạn đông máu diễn tiến nặng dần nên trẻ được cho uống vitamin K1 liều cao 100mg mỗi 6 giờ trong 2 ngày. Sau đó, cho giảm liều dần dựa trên kết quả xét nghiệm chức năng đông máu, điều trị hỗ trợ gan với N-Acetyl Cystein truyền tĩnh mạch, điều chỉnh điện giải toan kiềm.
Sau điều trị 3 tuần, tình trạng trẻ ổn định dần, không có biểu hiện xuất huyết trên lâm sàng, xét nghiệm chức năng gan và đông máu về gần bình thường. Trẻ còn được tiếp tục điều trị vitamin K1 uống và theo dõi thêm ít nhất 5 ngày sau khi ngưng uống vitamin K1 vì Brodifacoum có thể tồn tại nhiều tuần, nhiều tháng.
Qua trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo phụ huynh cần giáo dục trẻ lớn nhận biết các chất độc hại để tránh xa. Đối với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, phải luôn có người giữ, không để trẻ bò vào những hốc phòng, góc sân nhà, nơi đặt "bẫy chuột",… khiến trẻ vô tình bốc bỏ miệng ăn nhai, gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Bên cạnh đó, phụ huynh nên lưu ý không để hóa chất, thuốc men trong tầm với của trẻ.