Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 30/11/2024: Hãi hùng rận bám chi chít trên mi mắt người phụ nữ

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 30/11/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 30/11/2024 trên Đời sống & Pháp luật.

Hãi hùng rận bám chi chít trên mi mắt người phụ nữ

Theo VietNamNet, nữ bệnh nhân 46 tuổi đến Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) khám sau một tuần mắt trái bị ngứa, tập trung ở mi mắt trên. Bệnh nhân đã dùng thuốc nhỏ mắt nhưng tình trạng không cải thiện, trái lại tình trạng ngứa dữ dội, khó chịu, cảm giác nặng mí mắt nhiều hơn.

Bác sĩ CKI Nguyễn Ngọc Tứ - Phó Trưởng khoa Liên chuyên khoa, Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa, cho biết soi mắt bệnh nhân dưới kính hiển vi, phát hiện dưới lớp vảy là nhiều con rận mi bám chi chít trên mi mắt. Trên lông mi, trứng rận xâu thành chuỗi.

Bác sĩ đã gắp nhiều con rận bám chặt vào mi mắt, xử lý hàng chục trứng rận trên lông mi, đồng thời hướng dẫn bệnh nhân cách vệ sinh mắt, tránh lây lan, tái nhiễm.

Bác sĩ đã gắp nhiều con rận bám chặt vào mi mắt, xử lý hàng chục trứng rận trên lông mi của bệnh nhân. Ảnh: VietNamNet

Theo bác sĩ Tứ, rận có nhiều ở chó mèo. Khi người tiếp xúc gần với chó mèo, rận dễ bò sang. Rận sống và đẻ trứng ở các khu vực ẩm ướt như mắt, hậu môn, bộ phận sinh dục. Rận cắn vào da người để hút máu liên tục trong nhiều giờ, nước bọt tiết từ miệng con rận gây ngứa ngáy, khó chịu.

Rận mi có thể lây nhiễm trong quá trình tiếp xúc giữa bố mẹ bị nhiễm bệnh và con cái, hoặc lây truyền gián tiếp qua quần áo, khăn tắm bị nhiễm.

Vì vậy, bác sĩ Tứ khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với chó mèo ở cự ly gần, vệ sinh nơi ở sạch sẽ. Khi có biểu hiện ngứa ngáy, khó chịu ở mắt, bộ phận sinh dục, hậu môn, nách... cần đến cơ sở y tế kiểm tra.

Cứu sản phụ bị phù phổi cấp, hôn mê do sản giật nặng 

VTV Times đưa tin, sản phụ B.H.H (23 tuổi, trú tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng) bị phù phổi cấp, hôn mê do sản giật nặng vừa được các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cứu sống thành công.

Sản phụ mang thai ở tuần thứ 37, nhập viện với thể trạng béo phì, huyết áp cao 200/110mmHG, phù mặt, nhịp tim nhanh, co giật, hôn mê, chỉ số SpO2 giảm, xuất hiện bọt hồng ở miệng. Đây là dấu hiệu cho thấy sản phụ có dấu hiệu phù phổi cấp do sản giật. Khi đó tính mạng của cả 2 mẹ con rơi vào tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc".

Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành báo động đỏ, huy động các bác sĩ liên chuyên khoa tiến hành hồi sức cấp cứu, đặt nội khí quản, dùng thuốc chống phù não. Sau khi cấp cứu thành công, siêu âm nhận thấy có tim thai, các bác sĩ đã nhanh chóng chuyển phẫu thuật cấp cứu để đảm bảo an toàn tính mạng cho em bé. 

Ca phẫu thuật diễn ra kịp thời, tính mạng sản phụ và thai nhi được bảo toàn, bé gái chào đời với cân nặng 2.550gram. Sản phụ sau sinh được chuyển về khoa Hồi sức tích cực Nội để chăm sóc và điều trị. Đến nay, sau 5 ngày phẫu thuật, sức khỏe 2 mẹ con sản phụ đều ổn định.

Theo bác sĩ CKII. Vũ Thị Dung - Trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, phù phổi cấp là một biến chứng trong sản khoa có thể xuất hiện trong thai kỳ, trong chuyển dạ hoặc sau khi sinh. Phù phổi cấp chiếm từ 0,08 - 0,5 % phụ nữ có thai.

Bệnh thường xảy ra ở những trường hợp như đẻ nhiều lần, có bệnh hẹp van tim, bệnh thận mạn tính, tiền sản giật... Bệnh gây biến chứng suy hô hấp cấp và tỷ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời, đúng phương pháp.

Do đó, phụ nữ mang thai nên đi khám thai định kỳ tại các bệnh viện chuyên khoa để được các bác sĩ tư vấn đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.

Đặc biệt với những sản phụ có những dấu hiệu của tiền sản giật như: cao huyết áp, phù chân, tay…, cần phải được quản lý thai nghén sớm bởi các bác sĩ chuyên khoa, tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Đau nhức ngón tay suốt 7 năm, đi khám phát hiện mắc bệnh hiếm gặp

Theo tạp chí Gia Đình Việt Nam, bệnh nhân C.H.L (nam, 34 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đến phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ vì sưng đau ngón bàn tay phải.

Khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân thấy đau nhức đầu ngón 1 bàn tay phải suốt 7 năm nay, đau tăng khi cầm nắm. Vài năm gần đây xuất hiện thêm tổn thương gãy móng, mủn móng.

Bệnh nhân đã đi khám ở nhiều nơi, lần gần nhất được chẩn đoán viêm quanh móng, về nhà dùng thuốc không đỡ. Sau đó, bệnh nhân đến Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ khám lại.

Bệnh nhân thấy đau nhức đầu ngón 1 bàn tay phải suốt 7 năm nay. Ảnh: Gia Đình Việt Nam

Qua thăm khám lâm sàng thấy móng tay ngón 1 bàn tay phải của bệnh nhân biến dạng: khía dọc móng (sọc tăng sắc tố dọc móng), bản móng đầu xa có khuyết, nứt; ấn nhẹ vào gốc móng thấy đau nhói.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp ngón tay phải có tiêm tương phản tĩnh mạch cho kết quả, hình ảnh khối u phần mềm, mặt mu đốt xa ngón 1 bàn tay phải, tăng sinh mạch, chưa xâm lấn xương và cấu trúc gân lân cận. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc u cuộn mạch dưới móng, được tư vấn điều trị ngoại khoa loại bỏ khối u.

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thu Trang – Chuyên khoa Da liễu - Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ, u cuộn mạch là căn bệnh hiếm gặp, lành tính, chiếm 1-2% các khối u bàn tay.

Bệnh hay gặp ở nữ nhiều hơn nam. Các phương pháp cận lâm sàng như siêu âm, Xquang rất khó phát hiện các khối u, nhất là các khối u có kích thước nhỏ <2mm hoặc u mới hình thành.

Các triệu chứng lâm sàng của bệnh là các u màu đỏ hoặc xanh xuất hiện ở dưới móng tay, móng chân hoặc có thể ở vùng mô quanh móng; biến dạng móng. Ba triệu chứng điển hình của u cuộn mạch là: đau kịch phát khu trù, đau dữ dội khi chạm vào vị trí có khối (dù va chạm chỉ rất nhẹ) và nhạy cảm nhiệt độ lạnh.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán kịp thời, chính xác.

Tin nổi bật