Tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 18/6/2019. Cập nhật tin tức công nghệ 24h chi tiết và hấp dẫn trên trang Đời sống & Pháp luật.
Honor 20 Pro có được chứng nhận của Google
Honor 20 Pro có được chứng nhận của Google, sẵn sàng ra mắt. Ảnh: AFP |
Một trang web của Ý cho biết, sau 4 tuần cố gắng, Honor 20 Pro cuối cùng cũng được chứng nhận bởi Google.
Mặc dù ngày phát hành mới cho thiết bị chưa được công bố, nhưng rất có thể nó sẽ rơi vào thời điểm giữa tháng 7. Điều này càng có khả năng sau khi công ty gửi một email cho biết thời điểm ra mắt sản phẩm cho thị trường quốc tế sẽ sớm xảy ra.
Theo báo cáo của Bloomberg mới đây, Huawei đang theo dõi chặt chẽ nhu cầu dành cho dòng Honor 20 tại thời điểm này. Phiên bản tiêu chuẩn của sản phẩm cho thị trường toàn cầu dự kiến sẽ được bán vào ngày 21/6 tới đây, nhưng nếu mọi thứ không được như kế hoạch, công ty hoàn toàn có thể hủy bỏ dự định.
iPhone 11 có thể đắt hơn 300 USD so với iPhone XS
iPhone 11 dự kiến có cụm camera mới ở mặt sau. Ảnh: Slash Gear |
Tờ Dailymail trích lời chuyên gia cho biết cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể khiến chi phí sản xuất iPhone vượt tầm kiểm soát. Vì thế, khách hàng có thể phải bỏ thêm từ 300 USD cho chiếc iPhone 11.
Phần lớn thiết bị thương hiệu Táo khuyết được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng những xung đột gần đây buộc các chuỗi cung ứng phải chuyển đi nơi khác.
Đơn cử như Foxconn, đối tác hàng đầu của gã khổng lồ Cupertino đã lên kế hoạch di dời dây chuyển sản xuất nếu chính phủ Donald Trump áp đặt nhiều mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Nhà phân tích Rosemary Coates, thuộc Blue Silk Consulting nhận định: “Hầu hết công ty lớn có thể dịch chuyển dây chuyền sản xuất, nhưng quá trình sẽ không diễn ra ngày một ngày hai. Thực tế, không có nơi nào đủ sức cạnh trạnh với môi trường sản xuất của Trung Quốc như hiện nay”.
Khi đặt nhà máy tại một quốc gia khác, chủ sở hữu sẽ phải thuê mới nhân công và đào tạo lại từ đầu. Quá trình thiết lập lại chuỗi cung ứng sẽ mất từ 12 đến 18 tháng tùy từng điều kiện cụ thể.
Ngay như Ấn Độ, nơi có nguồn nhân lực dồi dào, cũng chưa đáp ứng đầy đủ về cơ sở hạ tầng. Trung Quốc có cảng nước sâu, hệ thống tàu hỏa và đường cao tốc 8 làn rất lý tưởng cho việc sản xuất.
“25% dây chuyền sản xuất của chúng tôi nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc, và chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu của Apple tại thị trường Mỹ”, Young Liu, Giám đốc bộ phận bán dẫn của Foxconn trả lời các nhà đầu tư cho biết.
Nếu Apple chuyển nhà máy sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc, chi phí có thể tăng 30%. Đó là dây chuyền phức tạo cho phép tạo ra hàng triệu điện thoại. Chưa kể, một sản phẩm gồm nhiều linh kiện khác nhau, nên các chuỗi cung ứng cũng dịch chuyển theo. Vì thế, hãng cần thời gian để có thể kiểm soát hoàn toàn mọi công đoạn.
Microsoft nối lại việc bán trực tuyến máy tính xách tay Huawei
Microsoft cho biết họ đã nối lại việc bán máy tính xách tay Huawei trên trang web của mình. Ảnh: The Verge |
Ngày 17/6, Microsoft cho biết họ đã nối lại việc bán máy tính xách tay Huawei trên trang web của mình sau khi ngừng hoạt động này trong nhiều tuần.
Hành động này được cho là nhằm phản ánh sự linh hoạt, lách lệnh cấm vận Huawei của các công ty Mỹ.
Việc Microsoft bán trở lại máy tính xách tay của Huawei cũng cho thấy vị trí quan trọng của hãng công nghệ Trung Quốc trong việc đóng góp doanh thu cho mảng kinh doanh hệ điều hành Windows, cốt lõi của Microsoft.
Tháng trước, cơ quan chức năng Mỹ đã hạn chế các công ty Mỹ bán sản phẩm cho Huawei và ngay sau đó, Microsoft đã đình chỉ việc bán các thiết bị như mẫu máy tính MateBook X Pro của Huawei. Sau đó, Mỹ đã nới lỏng các hạn chế trong 90 ngày, dẫn đến những thay đổi trong hoạt động hợp tác giữa Google với Huawei trong giai đoạn đó. Và bây giờ máy tính xách tay Huawei Matebook đã dược bán trở lại.
Ngoài ra, Microsoft cho biết họ sẽ tiếp tục cung cấp bản cập nhật phần mềm cho các thiết bị Huawei hiện hành.
Samsung xác nhận rủi ro trì hoãn phát hành Galaxy Fold
Samsung đã xác nhận rằng công ty không thể giải quyết được các vấn đề khiến họ phải trì hoãn phát hành Galaxy Fold bán ra vào tháng 4. Ảnh: Dân Việt |
Phát biểu với Korea Herald, một quan chức của Samsung đã thú nhận rằng công ty không thể giải quyết được các vấn đề khiến họ phải trì hoãn phát hành Galaxy Fold bán ra vào tháng 4. Theo giải thích, không có gì tiến triển kể từ lần trì hoãn đó, điều này khiến câu hỏi về tương lai của thiết bị được đưa ra.
Hơn nữa, đó là một tiết lộ đáng ngạc nhiên sau khi công ty tuyên bố trước đó rằng smartphone gập lại của mình sẽ được bán ra thị trường vào cuối tháng 5. Sau đó công ty luôn giữ im lặng cho đến bây giờ.
Tất cả đều thêm một chương buồn cho câu chuyện về những gì đáng lẽ phải là một thiết bị truyền cảm hứng cho các thiết bị trong tương lai. Bởi nếu Galaxy Fold ra mắt, nó sẽ mang lại nguồn cảm hứng cho mọi nhà sản xuất khác đẩy mạnh và nhanh chóng chọn thiết kế độc đáo cho smartphone tương lai của họ.
Nhưng bù lại giờ đây, nỗi sợ hãi hiện đang lan rộng (khiến Huawei trì hoãn việc phát hành Mate X) và có khả năng yếu tố thiết kế hứa hẹn thay đổi thị trường smartphone này đã phải chịu thất bại trong vài năm tới. Không ai có thể kỳ vọng các thiết bị thế hệ đầu tiên hoàn hảo, nhưng chúng phải bắt đầu ở đâu đó và ngay bây giờ, không biết khi nào chúng sẽ trở lại.
Vũ Đậu (T/h)