Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 9/7: 3 tác dụng 'thần thánh' của chế độ máy bay trên smartphone

(DS&PL) -

3 tác dụng 'thần thánh' của chế độ máy bay trên smartphone, Snapdragon 865+ quý 3 bán ra,... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 9/7/2020.

3 tác dụng 'thần thánh' của chế độ máy bay trên smartphone, Snapdragon 865+ quý 3 bán ra,... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 9/7/2020.

3 tác dụng 'thần thánh' của chế độ máy bay trên smartphone ít người biết

Nhắc đến chế độ máy bay (Airplane Mode) nhiều người nghĩ ngay đến một tính năng dùng để… tắt mỗi khi lên máy bay. Thế nhưng có thể bạn chưa biết tính năng này còn có thể được tận dụng thêm cho rất nhiều mục đích khác nữa.

Ảnh: BI

Tiết kiệm pin

Bạn còn một ngày dài phía trước và bạn biết rằng mình cần thực hiện một cuộc hẹn quan trọng vào cuối ngày. Đây là lúc bạn có thể kích hoạt chế độ Airplane để có thể giảm thiểu được tối đa các tác vụ nền đang ngốn năng lượng nhất. Dĩ nhiên, bạn cũng có thể tắt máy luôn nhưng khi mở Airplane Mode, bạn ít nhất vẫn có thể chụp hình, đọc các tệp tin hay xem giờ trên điện thoại.

Ảnh: BI

Khi ở các khu vực sóng điện thoại yếu, bạn cũng nên mở chế độ Airplane để tiết kiệm điện năng bởi khi điện thoại mất sóng, điện thoại sẽ liên tục tiêu tốn lượng để tìm sóng và kết nối. Việc này có thể “ngốn” pin một cách nghiêm trọng.

Tăng tốc độ sạc pin

Ảnh: CNET

Nếu chỉ còn 5 - 10 phút để để sạc pin, một trong những cách tốt nhất để bạn có thể tăng tốc độ sạc pin là đặt điện thoại vào chế độ Airplane. Theo đó, đặt điện thoại vào chế độ này đồng nghĩa với việc điện thoại gần như không phải làm bất kì “công việc gì nặng nhọc” - tất cả các tính năng dữ liệu di động, Wi-Fi, Bluetooth, GPS và các dịch vụ liên quan đến địa điểm người dùng đều bị tắt. Vì thế, máy có thể hoàn toàn tập trung vào thu nạp năng lượng thay vì vừa nạp vừa tiêu tốn năng lượng.

Nếu không tin, bạn có thể thử để thấy tỷ lệ sạc pin tăng nhanh đáng kể khi sạc trong chế độ Airplane hơn là khi sạc ở chế độ thông thường.

Tránh phân tán

Ảnh: WIRED

Nếu đang cần tập trung cao độ, Airplane Mode là tính năng hoàn hảo dành cho bạn. Khi kích hoạt tính năng này, bạn sẽ hoàn toàn không bị phân tán bởi các thông báo, tin nhắn hay cuộc gọi đến đều bị chặn. Dĩ nhiên, bạn hãy nhớ tắt bỏ nó khi đã xong công việc cần tập trung để không bỏ lỡ cuộc gọi hay tin nhắn nào nhé.

Snapdragon 865+ ra mắt: Chip di động đầu tiên vượt 3GHz, hiệu năng tăng 10%, quý 3 bán ra

Qualcomm mới đây đã âm thầm công bố con chip mới cao cấp có tên Snapdragon 865+, là phiên bản nâng cấp của Snapdragon 865 thiết kế dành riêng cho các thiết bị gaming phone.

Snapdragon 865+ đẩy lõi CPU Prime của nó lên tới 3.1 GHz, tăng 10% so với xung nhịp 2.84GHz của chip SD865. Năm ngoái, Snapdragon 855+ được trang bị trên ASUS ROG Phone II và các điện thoại khác có tốc độ xung nhịp chạm mức 2.96 GHz. Các nhân còn lại của nó vẫn bao gồm 3 lõi Kryo 585 Gold xung nhịp 2.42GHz và 4 Kryo 585 Silver tốc độ 1.8GHz.

Snapdragon 865+ vẫn hỗ trợ màn hình 144Hz. Tuy nhiên, hiệu suất đồ họa của nó hứa hẹn sẽ tốt hơn do GPU Adreno 650 cũng nhận được mức tăng xung nhịp lên 10%. Ngoài ra, Snapdragon 865+ còn hỗ trợ quay video 8K, ảnh tĩnh 200MP, hỗ trợ 5G với cả hai băng tần mmWave và sub-6GHz và sạc nhanh Quick Charge 4 Plus.

Snapdragon 865+ vẫn sử dụng modem X55 bên ngoài để cung cấp kết nối 5G toàn cầu (hỗ trợ cả sub-6GHz và mmWave). ISP và DSP vẫn giữ nguyên (lần lượt là Spectra 480 và Hexagon 698), trong khi công nghệ Quick Charge 4.0+ với sự trợ giúp của AI cũng được hỗ trợ.

Qualcomm cho biết smartphone chạy chip Snapdragon 865+ đầu tiên sẽ sớm được công bố trong Quý 3 năm nay. Do đó, sẽ không có chuyện Galaxy Note20 được trang bị con chip mới này. Được biết, hai chiếc smartphone đầu tiên được xác nhận sử dụng chipset Snapdragon 865+ mới là chiếc ASUS ROG Phone 3 và điện thoại Lenovo Legion Gaming.

Linh kiện Trung Quốc nguy hiểm hơn cả Huawei?

Daily Mail hôm 8/7 đưa tin, nước Úc nghi ngờ các linh kiện trọng yếu cho mạng di động 5G ở quốc gia này có thể được sản xuất bởi một công ty có quan hệ mật thiết với quân đội Trung Quốc.

Một trạm BTS của Optus tại Úc.

Tập đoàn điện tử Panda (trụ sở ở Nam Kinh, Trung Quốc) có liên doanh tại Trung Quốc với hãng Ericsson (Thụy Điển) – hãng cung cấp thiết bị cho anten 5G được sử dụng bởi các nhà mạng ở Úc là Telstra và Optus.

Bộ Quốc phòng Mỹ vào tuần trước cảnh báo rằng Tập đoàn điện tử Panda “thuộc sở hữu, kiểm soát hoặc trực thuộc chính phủ, quân đội hoặc ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc”.

Như vậy, ngay cả khi Úc cấm hãng Huawei của Trung Quốc tham gia phát triển mạng 5G do lo ngại về an ninh quốc gia, các linh kiện Trung Quốc dễ bị can thiệp từ nước ngoài tiếp tục tồn tại trong hệ thống công nghệ thế hệ mới này.

Theo chuyên gia John Lee tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ (Úc) cho rằng các linh kiện nhỏ này không phải là mối đe dọa trước thời 5G và Internet vạn vật nhưng thế hệ mạng viễn thông thứ 5 đã làm mọi chuyện thay đổi.

“Với 4G hoặc 3G, bạn có thể bảo vệ khá dễ dàng trước công nghệ đó, nhưng dưới 5G thì mọi việc rất khác. Bất cứ sản phẩm nào tương tác trong mạng 5G sẽ kết nối với mọi thứ khác nên chúng tôi càng lo ngại hơn về ăng ten có thể sản xuất ở Trung Quốc chẳng hạn” - ông John Lee phân tích.

Ông Lee phân tích rằng mạng 5G có thể bị lợi dụng để thu thập thông tin tình báo, bên cạnh việc phá hoại các cơ sở hạ tầng trọng yếu như mạng lưới điện, hệ thống cấp nước và ngân hàng.

Trước các lo ngại về bảo mật của linh kiện Trung quốc, hãng Ericsson bác bỏ việc sử dụng công nghệ của Panda trong bất cứ thiết bị viễn thông nào bán cho các khách hàng Úc.

Trong khi đó, nhà mạng Optus khẳng định tuân thủ mọi sự sắp đặt về an ninh của cơ quan chức năng, còn Telstra cho hay đã làm việc chặt chẽ với Ericsson nhằm đảm bảo mọi thiết bị mạng an toàn.

Ericsson cho biết các sản phẩm đáp ứng “mọi yêu cầu liên quan của Chính phủ Úc”.

Linh kiện Trung Quốc ngập tràn hàng quốc phòng Mỹ

Sau khi phát hiện các linh kiện do Trung Quốc chế tạo trong máy bay chiến đấu F-35, một cuộc điều tra do Lầu Năm Góc tiến hành đã phát hiện nhiều linh kiện của Trung Quốc có trong các loại vũ khí lớn khác của Mỹ, trong đó có máy bay ném bom B-1B của tập đoàn Boeing và máy bay chiến đấu F-16 của Lockheed Martin.

Linh kiện Trung Quốc "tác oai tác quái" trên sản phẩm quốc phòng Mỹ.

Theo một quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ, nguyên liệu Titan được khai thác ở Trung Quốc cũng có thể đã được sử dụng để chế tạo các bộ phận của loại tên lửa đánh chặn SM-3IIA mới đang được công ty Raytheon và Nhật Bản hợp tác phát triển.

Ngoài ra, Mỹ còn cho phép sử dụng linh kiện Trung Quốc đối với máy bay chiến đấu F-35 trong đó có những bộ nam châm giá 2 USD được sử dụng trong những hệ thống radar trên 115 chiếc máy bay chiến đấu F-35.

Những nam châm được chế tạo từ kho nguyên liệu thô của Trung Quốc cũng được phép sử dụng trên các máy bay chiến đấu F-16 và máy bay ném bom B-1B. Ông Frank Kendall cho biết hồi tháng 1 rằng có thể phải chi mất hơn 10 triệu USD để nâng cấp và thay thế những bộ nam châm 2 USD trên những chiếc máy bay chiến đấu F-35 này.

Ngoài những vũ khí kể trên, các chuyên gia còn phát hiện trên siêu hạm Zumwalt, máy bay vận tải C-130 hiện cũng đang dùng một số linh kiện có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Nguồn tin thừa nhận, hiện chỉ có chương trình F-35 cơ bản đã giải quyết được số linh kiện kém chất lượng nói trên, trong khi đó phần lớn số vũ khí khác dùng thiết bị từ Trung Quốc hiện Mỹ vẫn chưa thể giải quyết được triệt để. Vấn đề này Mỹ chỉ có thể giải quyết xong trong vài năm tới.

Và việc phải phụ thuộc vào nguồn linh kiện kém chất lượng từ Trung Quốc đã khiến Quân đội Mỹ phải trả giá. Cụ thể, trong lần ra biển thử nghiệm hồi cuối năm 2016, siêu hạm Zumwalt đã bất ngờ chết máy.

Dù chi tiết về kết quả điều tra không được Mỹ tiết lộ nhưng một thông tin khiến không chỉ giới quân sự Mỹ bất ngờ đó là nguyên nhân khiến chiến hạm siêu đắt đỏ này chết máy có liên quan đến linh kiện Trung Quốc.

Sau sự cố này 1 năm, gần 20 binh sĩ Mỹ đã bỏ mạng do chiếc vận tải cơ C-130 gặp tai nạn thảm khốc khi đang bay thì bất ngờ mất độ cao và lao xuống đất với cùng nguyên nhân như siêu hạm Zumwalt.

Không chỉ lo ngại về vấn đề an ninh, việc Mỹ quá phụ thuộc vào linh kiện Trung Quốc còn có thể khiến ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ tê liệt vì biện pháp trừng phạt ngược của Bắc Kinh. Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra khi cả Mỹ và Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào nhau.

Minh Khôi (T/h)

Tin nổi bật