Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin thời sự nóng mới nhất ngày 28/10: Sở Giao thông Ninh Bình lên tiếng về bến xe 35 tỷ đồng "chết yểu"

  • Hoàng Yên
(DS&PL) -

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 28/10/2023. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 28/10/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Sở giao thông Ninh Bình lên tiếng về bến xe 35 tỷ đồng "chết yểu"

Liên quan đến thông tin bến xe phía Đông TP.Ninh Bình được đầu tư số tiền 35 tỷ đồng nhưng đang "chết yểu", theo báo Dân Trí, ông Nguyễn Duy Phong, Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng, Sở GTVT tỉnh Ninh Bình cho biết, dự án bến xe khách phía Đông TP.Ninh Bình được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, do doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Sở chỉ quản lý về chuyên môn đối với bến xe.

"Trước khi doanh nghiệp đầu tư xây dựng bến xe, dự án được khảo sát chặt chẽ. Xuất phát từ nhu cầu đi lại của người dân, vì thế địa điểm đặt bến xe tại đây là cần thiết. Bến xe được xây dựng cũng để giảm tải cho bến xe trung tâm TP.Ninh Bình", ông Phong cho hay.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bến xe vắng xe và khách ra vào, đại diện Sở GTVT tỉnh Ninh Bình cho hay, là do xu hướng phát triển của ngành vận tải hành khách với sự ra đời của nhiều loại hình vận tải tư nhân khác nhau, nên có sự cạnh tranh.

"Thời điểm bến xe phía Đông thành phố được đầu tư xây dựng, nhu cầu đi lại của người dân rất cao, chủ yếu là bằng xe khách các tuyến cố định. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu đi lại giảm, người dân có thêm sự lựa chọn là các hãng xe limousine. Vì thế xe khách tuyến cố định giảm lượng lớn khách sử dụng", vị đại diện nói.

Tin thời sự nóng mới nhất ngày 28/10/2023: Sở Giao thông Ninh Bình lên tiếng về bến xe 35 tỷ đồng "chết yểu". Ảnh: Lao động

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Trưởng phòng Vận tải Sở GTVT tỉnh Ninh Bình cho biết, Sở cũng thường xuyên quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các bến xe tư nhân trên địa bàn. Tuy nhiên, việc kinh doanh tốt hay không còn do doanh nghiệp vận hành bến xe.

Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Ninh Bình cho hay, bến xe tư nhân vận hành theo mô hình doanh nghiệp, tự hạch toán, lượng xe ra vào nhiều hay ít là chính sách kinh doanh, thu hút nhà xe và khách đến bến.

"Nhà xe nào họ thích vào bến nào là quyền của họ, Sở không thể chỉ đạo hay ép buộc xe nào phải vào bến này hay bến kia được. Bất cứ doanh nghiệp nào đăng ký luồng tuyến vào bến xe phía Đông thành phố, Sở đều tạo mọi điều kiện về thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, việc hoạt động được hay không còn phụ thuộc vào bến xe đầu bên kia có đồng ý hay không", vị lãnh đạo nói.

Lý giải về việc vì sao chưa di chuyển bến xe trung tâm ra khỏi TP. Ninh Bình, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Ninh Bình cho hay, bến xe này thuộc Xí nghiệp bến xe khách Ninh Bình, trực thuộc Sở quản lý.

"Việc di dời bến xe này ra khỏi trung tâm thành phố đã được Bộ GTVT có chủ trương trước năm 2020. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 nên đến nay vẫn chưa di dời được. Theo lộ trình đến năm 2030 thì mới di dời xong", lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Ninh Bình cho biết thêm.

Quảng Ninh cấm tàu, thuyền hoạt động trong khu vực làng chài Cửa Vạn

Từ 28/10, các phương tiện tàu, thuyền, đò gắn máy bị cấm hoạt động trong khu vực làng chài Cửa Vạn, vịnh Hạ Long, Quảng Ninh.

Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết, việc cấm các phương tiện trên do khu vực này đã được UBND tỉnh Quảng Ninh công bố là khu vực vui chơi, giải trí dành cho các phương tiện đò chèo tay, thuyền kayak phục vụ khách du lịch, từ 1/8.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng các phương tiện tàu thuyền gắn máy của các hộ dân nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền đánh bắt vãng lai thường xuyên neo đậu và đi lại trong khu vực làng chài Cửa Vạn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn với các phương tiện vui chơi, giải trí thuyền kayak, đò chèo tay gây mất an toàn cho khách du lịch.

Từ 1/11, Ban Quản lý vịnh Hạ Long sẽ thả phao giới hạn để phân vùng và ngăn các phương tiện tàu, thuyền, đò gắn máy đi vào khu vực hoạt động vui chơi, giải trí đã được UBND tỉnh công bố hoạt động.

Trường học hỗ trợ giáo viên 2 triệu, bắt nộp lại 1,5 triệu

Ngày 27/10, Thanh tra huyện Đắk Tô (Kon Tum) cho biết đã công bố kết luận thanh tra về việc quản lý và sử dụng kinh phí, tài sản công và việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong (xã Kon Đào).

Theo kết luận, trong 6 tháng đầu năm 2023, trường đã chi 46 triệu đồng từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để hỗ trợ Tết Nguyên đán cho viên chức, nhân viên. Mỗi người được hỗ trợ 2 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, ban giám hiệu đã yêu cầu mỗi giáo viên nộp lại 1,5 triệu đồng cho trường. Tổng số tiền các giáo viên đã nộp lại là 33 triệu đồng.

Số tiền thu được đã được nộp trực tiếp cho hiệu trưởng để tổ chức tất niên cuối năm, sửa chữa nhỏ và mua hoa tươi, vật tư để trang trí Tết.

Việc thu lại tiền từ các giáo viên không được lập danh sách và không công khai chi tiết các nội dung chi.

Tương tự, dịp lễ 30/4 và 1/5, trường này chi hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên 1 triệu đồng/người rồi sau đó yêu cầu nộp lại 800.000 đồng/người. Tổng số tiền thu lại 16,8 triệu đồng.

Việc thu tiền quỹ lớp và quỹ Đội tại trường không đúng quy định. Việc thu, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí để hợp đồng giảng dạy môn tiếng Anh không công khai, minh bạch. Chi tiền phụ cấp ưu đãi ngành và tiền lương cho một giáo viên cũng chưa đảm bảo quy định.

Ngoài ra, việc thu và sử dụng quỹ hội cha mẹ học sinh không thông qua ban đại diện hội cha mẹ học sinh; việc sử dụng số tiền quỹ hội cha mẹ học sinh để khen thưởng cho giáo viên và quản lý số tiền còn tồn hơn 60 triệu đồng nhưng không lập hồ sơ, chứng từ chi và không thông báo việc sử dụng số tiền này.

Hoàng Yên (T/h)

Tin nổi bật