Công an TP.HCM chỉ tên, cảnh báo những chiêu lừa đảo dịp cuối năm
Ngày 20/12, thông tin từ Công an TP.HCM về việc cảnh giác tội phạm lừa đảo dịp cuối năm 2023. Cuối năm, các loại tội phạm gia tăng hoạt động, trong đó tội phạm lừa đảo vẫn diễn biến phức tạp, đề nghị người dân cảnh giác một số thủ đoạn lừa qua điện thoại, mạng xã hội.
Theo Công an TP.HCM, thời điểm cuối năm Tết dương lịch và cận Tết Nguyên Đán 2024 là dịp nhiều người tăng cường mua sắm, chuyển tiền hoặc tìm kiếm việc làm thêm.
Đây cũng là cơ hội để những kẻ lừa đảo tung ra những "chiêu lừa" hết sức tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền, tài sản hoặc thông tin cá nhân của những người nhẹ dạ, cả tin.
Tin thời sự nóng mới nhất ngày 21/12/2023: Công an TP.HCM chỉ tên, cảnh báo những chiêu lừa đảo dịp cuối năm
Công an TP.HCM nêu một vài chiêu trò lừa đảo được nhiều người xấu lợi dụng để thực hiện trong thời điểm cuối năm, người dân cần nắm rõ để không trở thành nạn nhân khi năm mới đang đến gần.
Các thủ đoạn lừa đảo nhắm vào lòng tham thường gặp như:
- Giới thiệu việc nhẹ lương cao lừa đảo mua bán người; thanh toán đơn hàng ảo hưởng hoa hồng 10 - 15%;
- Thông báo trúng thưởng và yêu cầu đóng phí nhận thưởng; giả Việt kiều gửi quà, gửi tiền và yêu cầu đóng phí để nhận; giả điện lực thông báo hoàn trả phần tiền điện tính sai...
Tội phạm nhắm vào sự mất bình tĩnh như:
- Giả công an, tòa án, viện kiểm sát gọi điện yêu cầu hợp tác điều tra để được hỗ trợ chạy án, tránh mất tài sản;
- Giả giáo viên gọi điện yêu cầu chuyển tiền để cấp cứu con em bị tai nạn;
- Gọi điện dọa khóa sim vì chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao...
Tội phạm nhắm vào sự thiếu hiểu biết:
- Giả công an gọi điện hỗ trợ đăng ký tài khoản định danh điện tử;
- Giả nhân viên nhà mạng điện thoại, gọi điện hỗ trợ nâng cấp sim
- Chiếm đoạt sim, tài khoản mạng xã hội nhắn tin mượn tiền;
- Lừa đảo thông qua giả giọng, ghép mặt (deep fake) gọi điện mượn tiền;
- Lừa đảo thông qua dịch vụ lấy lại Facebook bị hack...
Nguyên nhân khiến ngập úng kéo dài ở vùng ven Đà Nẵng
Theo báo Lao động, ngày 20/12, tại kỳ họp thứ 12, Hội đồng Nhân dân huyện Hòa Vang khóa XI nhiệm kỳ 2021 – 2026, ông Bùi Nam Dũng - Trưởng Ban Dân vận huyện Hoà Vang đã nêu rõ nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng trên địa bàn huyện trong thời gian vừa qua.
Trong đó, ông Bùi Nam Dũng lý giải tình trạng ngập là do vấn đề biến đổi khí hậu dẫn đến những trận mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn, nước thoát không kịp.
“Việc quy hoạch các tuyến đường giao thông, các khu tái định cư, các công trình xây dựng khác làm ngăn dòng chảy tự nhiên, trong khi hệ thống tiêu thoát nước không được đồng bộ, không phù hợp, không khớp nối, không được cải tạo, nâng cấp, nạo vét thường xuyên… dẫn đến việc ngập úng diện rộng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tầm nhìn và công tác đánh giá nguy cơ, đánh giá tác động môi trường khi quy hoạch, thiết kế đối với các công trình dự án còn ở mức hạn chế, chưa dự báo được tình hình để chuẩn bị các phương án, giải pháp”, ông Bùi Nam Dũng nói.
Người dân xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang (TP.Đà Nẵng) bị cô lập nhiều ngày trong mùa mưa vừa qua. Ảnh: Lao động
Ngoài ra, việc tham khảo, tham vấn ý kiến góp ý của người dân còn chưa được quan tâm, dẫn đến những bất cập và phát sinh những vấn đề thực tế.
Ông Bùi Nam Dũng đề nghị, vấn đề này cần phải có sự quan tâm, có kế hoạch khảo sát, đánh giá một cách khoa học, rút kinh nghiệm nghiêm túc để nghiên cứu các giải pháp khắc phục.
Buôn người làm lao động khổ sai ở Dubai
Ngày 20/12, Công an TP.Đà Nẵng đã khởi tố vụ án và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Huỳnh Thị Ngọc Lê (32 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) về tội “Mua bán người”.
Kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2020 đến nay, Huỳnh Thị Ngọc Lê làm công việc môi giới, tư vấn xuất khẩu lao động tại địa quận Liên Chiểu.
Thông qua người khác giới thiệu, Lê đã làm quen được đối tượng tên H. ( sinh sống tại Tiểu vương quốc Dubai) và được người này cho biết đang cần tuyển lao động Việt Nam sang Dubai làm việc với mức lương hấp dẫn.
Lê được giao phụ trách việc đăng thông tin, tư vấn và nhận hồ sơ, tiền từ người lao động ở Việt Nam để gửi cho H. Sau đó, H. sẽ phụ trách làm visa, đón lao động ở Dubai. Điều kiện đưa ra là H. thu của Lê 1000 USD/1 lao động, còn Lê thu bao nhiêu của lao động thì người này không can thiệp.
XEM THÊM: Diễn biến nóng vụ nam sinh lớp 9 bị bố của bạn đánh nhập viện ở Quảng Ngãi
Trong hai ngày 30/6 và 20/7/2023, Lê đã đưa 5 lao động xuất cảnh đi Dubai qua cửa khẩu sân bay Nội Bài (Hà Nội). Khi đến Dubai, 5 lao động được H. đón, bố trí đến một công ty do người Trung Quốc làm chủ để làm việc.
Tại đây, các nạn nhân bị cưỡng bức lao động và bị ép làm công việc lừa đảo qua mạng internet. Khi phát hiện công việc không đúng cam kết, các nạn nhân và gia đình liên tục đòi Lê đưa về nước nhưng Lê không thực hiện.
Đầu tháng 8/2023, gia đình bà P. (quê ở huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) đã tự đưa được 2 người thân về nước an toàn, 3 người còn lại vẫn còn ở Dubai nhưng chưa rõ tung tích.
Kết quả điều tra bước đầu xác định, Lê thu của 5 lao động tổng số tiền là 265 triệu, Lê chuyển tiền cho H. tổng cộng 115 triệu, trừ chi phí đi lại của Lê từ Đà Nẵng ra Hà Nội để đưa visa, vé và hướng dẫn lao động qua cổng An ninh, Hải quan sân bay (10 triệu), Lê thu lợi 140 triệu.
Hoàng Yên (T/h)