Hà Nội lên phương án phòng, chống dịch COVID-19 phục vụ SEA Games 31
Ngày 6/5, UBND TP.Hà Nội ban hành Phương án 03/PA-UBND về phòng, chống dịch COVID-19 phục vụ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) trên địa bàn TP.Hà Nội.
Kế hoạch nhằm ngăn ngừa khả năng lây lan của dịch COVID-19, chủ động ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch Covid-19 trong quá trình tổ chức SEA Games 31, nhất là bảo vệ sức khỏe cho vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài tham gia điều hành thi đấu tại SEA Games 31.
Theo đó, các trường hợp có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hoặc mắc Covid-19 không tham gia thi đấu, phục vụ SEA Games 31 và thực hiện việc cách ly, điều trị theo hướng dẫn.
Những người tiếp xúc gần với trường hợp có xét nghiệm virus SARS-CoV-2 dương tính hoặc mắc Covid-19 trong thời gian thi đấu, phục vụ sẽ được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và xử lý theo hướng dẫn.
Khi có kết quả xét nghiệm âm tính thì có thể tham gia hoặc tiếp tục tham gia thi đấu, trọng tài, phục vụ đối với các trường hợp không có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh hoặc đã hết triệu chứng. Lãnh đạo Đoàn thể thao, đội thi đấu thảo luận với Ban Tổ chức của trận đấu, nội dung thi đấu để quyết định trên cơ sở đánh giá tình trạng sức khỏe của các trường hợp này.
Kế hoạch của TP cũng chỉ rõ yêu cầu phòng dịch đối với người nhập cảnh. Theo đó, đối với khách mời cấp Thứ trưởng hoặc tương đương trở lên, Trưởng, phó Đoàn thể thao tham dự SEA Games 31 không bắt buộc phải có giấy xác nhận xét nghiệm hoặc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 sau khi nhập cảnh.
(Ảnh: TTXVN)
Đối với vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, cần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PVR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ hoặc được lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ trước khi thi đấu (đối với các nội dung có khoảng thời gian thi đấu cách nhau trên 3 ngày thì phải xét nghiệm ít nhât 3 ngày/lần).
Khán giả tham dự theo dõi trực tiếp thi đấu không phải lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
Phải thường xuyên đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn tay; hạn chế tối đa tập trung đông người.
Các đoàn thể thao thực hiện theo cơ chế “khép kín” trong quá trình tham dự thi đấu tại SEA Games 31: Di chuyển một chiều từ nơi lưu trú đến nơi tập luyện, thi đấu và ngược lại.
Các đoàn thể thao tham dự SEA Games 31 có vận động viên, thành viên nhập viện điều trị sẽ tự trả tiền viện phí cho cơ sở điều trị.
Tại Lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31 và quá trình tổ chức thi đấu, chỉ lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19.
Trong quá trình tổ chức thi đấu, phải đảm bảo phân chia khu vực rõ ràng và kiểm soát ra vào để giảm thiểu tối đa việc tiếp xúc giữa các nhóm; tổ chức khử khuẩn bên trong khu vực thi đấu trước 1 ngày diễn ra thi đấu. Trong thời gian diễn ra các nội dung thi đấu, Ban tổ chức địa phương bố trí khử khuẩn, vệ sinh tại vị trí tiếp xúc thường xuyên 2 lần/ngày.
Căn cứ vào diễn biến dịch COVID-19 tại TP ở thời điểm tổ chức thi đấu, TP Hà Nội đưa ra 3 kịch bản tổ chức thi đấu, gồm: Thi đấu kín hoàn toàn; giới hạn số lượng khán giả; đầy đủ khán giả.
Phương án cũng đề ra cách thức bố trí nhân lực, trang thiết bị và thực hiện thông tin báo cáo để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 phục vụ SEA Games 31.
Khánh Hòa đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19, bảo vệ những người có nguy cơ cao
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó, chú trọng tiêm mũi nhắc lại cho các đối tượng với mục tiêu phủ rộng vaccine tạo miễn dịch trong cộng đồng.
Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai tiêm hơn 970.000 liều vaccine COVID-19 mũi 2, đạt 100% dân số; mũi bổ sung đạt gần 40% dân số, mũi nhắc lại đạt hơn 45% dân số. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cũng đã thử nghiệm ký duyệt chứng nhận điện tử để cấp hộ chiếu vaccine cho hơn 120.000 người đã thực hiện tiêm vaccine từ tháng 3 năm ngoái đến tháng 4 năm nay.
Hiện, tại Khánh Hoà còn hơn 55.000 liều vaccine đã được Sở Y tế phân bổ về các địa phương và sẽ hoàn thành tiêm trong tháng 5 này.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân TP.Nha Trang. (Ảnh: VOV)
UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tiêm chủng, trong đó, chú trọng tiêm mũi nhắc lại cho các đối tượng với mục tiêu phủ rộng vaccine nhằm tạo miễn dịch trong cộng đồng. Theo đó, xác định từng nhóm đối tượng cần tiêm, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể xã hội tuyên truyền để người dân tham gia tiêm, trong đó, tập trung vận động các doanh nghiệp tổ chức tiêm mũi nhắc lại cho công nhân của đơn vị.
Tỉnh Bình Dương tạm ngừng hoạt động 162 Trạm Y tế lưu động
Trước tình hình dịch COVID-19 tạm lắng sau thời gian trở lại trạng thái bình thường, tỉnh Bình Dương quyết định tạm ngừng hoạt động đối với hàng trăm Trạm Y tế lưu động kể từ ngày 30/6 tới.
Thông tin trên được bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cung cấp tại buổi họp báo về tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm do Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức ngày 6/5.
Tỉnh Bình Dương đã thành lập hơn 162 Trạm Y tế lưu động ở các huyện, thị và tại những khu công nghiệp. Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các Trạm Y tế lưu động đã hỗ trợ tư vấn sức khỏe cho hàng ngàn F0 điều trị tại nhà, cấp phát thuốc tại nhà; sơ cứu, chuyển viện các trường hợp nặng; tiêm vaccine…
Theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát trên địa bàn, ngành Y tế thống nhất sẽ tạm ngừng hoạt động của các Trạm Y tế lưu động và thành lập Trạm Y tế cố định theo quy mô 15.000 dân/trạm y tế. Qua đó, sẽ chuyển đổi mô hình Trạm Y tế lưu động thành Trạm Y tế cố định để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân cho phù hợp.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, thông tin với báo chí tại buổi họp. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)
Sở Y tế đã đề xuất 3 phương án y tế cơ sở để các đại biểu tham dự thảo luận gồm tăng biên chế cho Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; tại các xã, phường có quy mô dân số lớn hơn 50.000 dân, thành lập các cơ sở của Trạm Y tế để tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ; thành lập thêm Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trên cơ sở đã có các Trạm Y tế cố định. Hiện các đơn vị thống nhất tăng biên chế thêm cho các Trạm Y tế cố định để đảm bảo các điều kiện hoạt động đối với y tế cơ sở đang còn hạn chế trên địa bàn.
Việt Hương (T/h)