Clip "nông dân dùng xi măng bón lúa" là sai sự thật
Ngày 17/10, Chánh thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Trần Thanh Hiệp khẳng định trên địa bàn tỉnh không có chuyện nông dân dùng xi măng xây nhà bón cho cây lúa, rửa phèn như thông tin lan truyền trên mạng xã hội, báo Vietnamnet đưa tin.
Theo đó, ông Hiệp cho biết, đây là clip cũ, được đăng tải bởi một trang mạng xã hội gây xôn xao dư luận.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cũng khẳng định nông dân dùng xi măng xây nhà bón cho cây lúa là thông tin giả.
“Tôi đã xem qua đoạn clip trên thì vụ việc đã xảy ra từ năm 2020 và mới được đăng tải lại. Vụ việc này xảy ra trên địa bàn tỉnh khác chứ không phải An Giang”, ông Văn chia sẻ.
Tin thời sự nóng mới nhất ngày 18/10: Sự thật clip "nông dân dùng xi măng bón lúa". Ảnh: Tuổi Trẻ/Vietnamnet
Lãnh đạo phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn thông tin thêm, xét theo góc độ chuyên môn, nông dân chỉ dùng đá vôi mịn, tán nhuyễn kết hợp với phân lân để phun xịt hạ phèn.
Trước đó, ngày 3/10, một trang mạng xã hội đăng tải đoạn clip dài hơn 8 phút với tiêu đề “Nông dân dùng xi măng xây nhà làm phân bón bụi mịt mù…”. Đoạn clip ghi lại cảnh nông dân dùng nông cụ cơ giới phun một loại bột màu trắng trên đồng ruộng đang trồng lúa.
Đoạn clip đã thu hút gần 2 triệu lượt xem, với hàng trăm lượt bình luận, gây xôn xao dư luận.
Vụ 28 học sinh ở Thái Bình ngộ độc: Phạt cơ sở sản xuất bánh 80 triệu đồng
Theo tin tức báo Pháp luật TP.HCM, ngày 17/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Trần Thị Bích Hằng đã ký Quyết định số 253/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính cơ sở sản xuất bánh ở huyện Tiền Hải.
Theo đó, người chịu quyết định xử phạt hành chính là ông Hoàng Quyết Thắng, chủ cửa hàng bánh kem Trang Moon.
Lý do xử phạt hành chính là đã thực hiện hành vi “Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Theo đó, hình thức xử phạt hành chính là 80 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh của hộ kinh doanh Hoàng Quyết Thắng trong thời gian 3 tháng.
Học sinh lớp 4A1 điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Pháp luật TP.HCM
Trước đó, ngày 28/9, tại trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến 25/37 học sinh lớp 4A1 phải nhập viện cấp cứu sau tiệc liên hoan trung thu (3 học sinh bị nhẹ, không phải nhập viện).
Thực phẩm được sử dụng trong bữa liên hoan gồm hai bánh bông lan trứng muối đặt mua tại cơ sở sản xuất bánh kem Trang Moon (xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).
Sau hơn một ngày điều trị tại bệnh viện, 25 em học sinh đều đã được xuất viện, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Mỗi năm hơn 200.000 tấn gia cầm nhập lậu vào Việt Nam
Chiều 17/10, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000-250.000 tấn/năm. Như vậy, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.
Thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm, do đó, nhu cầu về con giống tăng cao. Nắm bắt được thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến.
XEM THÊM: Lý do gì khiến Sở GTVT Hà Nội đề xuất tăng giá vé xe buýt?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh cho biết, xác định là địa bàn trọng điểm có buôn lậu, các cấp, các ngành của tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp quyết liệt chống buôn lậu, thu hút doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng gồm bộ đội biên phòng, công an, quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào nội địa.
Cụ thể, Lạng Sơn đã xử phạt vi phạm hành chính trên 214 triệu đồng; tịch thu, buộc tiêu hủy hàng hóa, tang vật vi phạm hành chính, gồm: 101.800 con gà/vịt giống, 8.532kg sản phẩm từ gia cầm các loại (1.732kg chân gà, 270kg đùi gà bảo quản đông lạnh, 4.000kg vịt thịt nguyên con đã qua giết mổ bảo quản đông lạnh, 2.530 chân gà đóng túi hút chân không)...
Hoàng Yên (T/h)