Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm biến thể phụ BA.5 lây nhiễm cao
Tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin Y tế của Bộ Y tế chiều 27/6, GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: "Qua xét nghiệm tại các bệnh viện, hiện Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm biến thể phụ BA.5, đây là biến thể được cho là có sự lây nhiễm rất cao. Nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra".
Theo GS. Phan Trọng Lân, hiện các nước châu Âu lo ngại bùng phát đợt dịch mới. Tại khu vực châu Phi có sự gia tăng các số mắc, tử vong. Khu vực Tây Thái Bình Dương có sự gia tăng ca tử vong.
"Điều đó cho thấy tính chưa ổn định của dịch Covid-19. Đặc biệt, việc một số nước hiện nay ghi nhận sự xâm nhập của biến thể BA.4, BA.5 làm gia tăng số ca nhiễm mới. Quan ngại nhất của sự bùng phát dịch là sự quá tải chăm sóc y tế", ông Lân nói.
Ông Lân cho biết, số ca nhiễm tại Việt Nam giảm mạnh trong 2 tháng qua với hơn 130 nghìn ca mắc, 63 ca tử vong. Tỷ lệ chết trên số ca mắc thấp, khoảng 0,05%.
Trong đó, khu vực phía Bắc ghi nhận hơn 106 nghìn ca mắc, cao gấp 10 lần miền Nam và đứng thứ 3 là miền trung với gần 9 nghìn ca mắc.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cần thiết tiêm các mũi 3, 4 vaccine phòng Covid-19. (Ảnh: Giao thông)
Theo ông Lân, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định thế giới vẫn trong giai đoạn đại dịch, dịch có thể diễn biến phức tạp gia tăng trở lại. Omicron là biến thể phổ biến nhưng chưa phải cuối cùng.
Tại Việt Nam hiện ghi nhận chủ yếu lưu hành chủng BA.2 - chủng có biểu hiện lâm sàng nhẹ. Tuy nhiên, qua tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm nơi có nguy cơ cao để lấy mẫu giải trình tự gene phát hiện Việt Nam có xâm nhập chủng biến thể Omicron với nhánh phụ là BA.5.
"Khi có sự xâm nhập của chủng mới, nguy cơ chủng này có thể lấn lướt chủng cũ BA.1, BA.2", ông Lân nhấn mạnh.
Vì thế, ông Lân cho rằng, các địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.
Hơn 800 cán bộ, nhân viên y tế Hà Nội xin nghỉ việc, chuyển công tác
UBND TP.Hà Nội mới đây đã có báo cáo kết quả thực hiện kết luận của chủ tọa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 3 HĐND TP.Hà Nội.
Theo báo cáo của UBND TP, từ đầu năm 2020 đến nay, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Hà Nội, ngành y tế Thủ đô vừa phải tập trung mọi nguồn lực đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh vừa đảm bảo các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ.
UBND TP nêu thực trạng số lượng nhân viên y tế còn thiếu, các nhân viên y tế phải làm việc kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ, phải làm thêm ngoài giờ, không kể ngày, đêm. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập cho nhân viên y tế còn hạn chế so với các doanh nghiệp, đơn vị y tế ngoài công lập hoặc cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành.
Hệ quả, nhiều nhân viên y tế Hà Nội đã xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác về những đơn vị có mức thu nhập cao hơn.
Theo báo cáo sơ bộ của các đơn vị trong ngành, năm 2021, toàn ngành y tế Hà Nội có 532 người xin nghỉ việc và 82 người xin chuyển công tác; từ tháng 1/2022 đến 30/4/2022, có 226 người nghỉ việc và 17 người xin chuyển công tác.
Nhân viên y tế khám sàng lọc trước tiêm chủng cho người dân tại một điểm tiêm ở Hà Nội. (Ảnh: VNN)
UBND TP.Hà Nội nhận định nếu dịch bệnh bùng phát trở lại hoặc xuất hiện chủng virus Covid-19 mới có khả năng lây lan, nguy hiểm thì thảm họa xảy ra rất khó lường. Nếu không có chế độ hỗ trợ các y, bác sĩ và nhân viên y tế của TP.Hà Nội kịp thời, sẽ không bảo đảm nhân lực để phòng chống dịch.
Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản trình UBND TP, báo cáo Thường trực HĐND TP về việc đề nghị xây dựng, ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ cho các y, bác sĩ và nhân viên y tế của TP.Hà Nội theo trình tự, thủ tục rút gọn...
Vĩnh Long: Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời vừa ban hành văn bản yêu cầu ngành Y tế tích cực phối hợp với các ngành liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long yêu cầu, Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo đơn vị trực thuộc đẩy mạnh việc tiêm chủng, hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo tỷ lệ bao phủ, tránh lãng phí vaccine.
Song song với đó, ngành Y tế tăng cường tổ chức điểm tiêm lưu động tại trường học, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm dân cư... để tăng tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Để tiến độ tiêm vaccine đạt theo yêu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tích cực rà soát và thống kê cụ thể đối tượng cần tiêm theo từng hộ, tổ, khu phố để có kế hoạch triển khai tiêm chủng kịp thời. Các địa phương phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, mời tham gia tiêm chủng, đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng trên địa bàn quản lý, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine cho người dân.
Tiêm vaccine mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên. (Ảnh: TTXVN)
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cần lập kế hoạch chỉ tiêu cụ thể về việc tham gia tiêm chủng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do đơn vị quản lý. Lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các đơn vị phải làm gương, đi đầu trong việc thực hiện tiêm chủng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đề nghị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, các ngành, đoàn thể, địa phương… tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn kịp thời, hiệu quả.
Việt Hương (T/h)