Hà Nội xử phạt xe quá tải, tài xế gọi điện báo cho nhau né tránh
Sáng 22/3, Đội CSGT đường bộ số 9 (Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội) và Đội CSGT- Trật tự Công an huyện Đan Phượng đồng loạt ra quân xử lý ô tô chở quá tải, cơi nới thành thùng trên địa bàn.
Sau ít phút lập chốt, lực lượng chức năng đã dừng kiểm tra hàng loạt phương tiện có dấu hiệu vi phạm.
Trường hợp ô tô mang BKS 29H-774.XX di chuyển theo hướng từ đường N12 ra Quốc lộ 32 đã bị tổ công tác thuộc Đội CSGT- Trật tự Công an huyện Đan Phượng dừng xe kiểm tra.
Qua kiểm tra ban đầu, lực lượng chức năng phát hiện ô tô tải đắp cát vượt quá thành thùng của xe. Chủ phương tiện còn sử dụng các tấm bạt phủ và hàn khung thép bọc bạt để be hai bên thành nhằm tăng khối lượng chở hàng.
Cân tải trọng của phương tiện, lực lượng CSGT phát hiện xe chở quá tải 48,28%.
Tài xế V.V.C. cho biết, có thể trong lúc múc cát lên ô tô, người lái máy xúc không san gạt cẩn thận nên dẫn đến quá tải.
Ô tô tải mang biển số 29H-587.XX bị lực lượng CSGT yêu cầu kiểm tra tải trọng. (Ảnh: VNN)
Đại úy Nguyễn Ích Giáp, cán bộ Đội CSGT- Trật tự huyện Đan Phượng cho biết trên VietnamNet, với lỗi vi phạm trên, tài xế C. sẽ bị xử phạt 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng. Đối với chủ phương tiện sẽ bị xử phạt 14 triệu đồng. Đồng thời, phương tiện vi phạm buộc phải hạ tải theo đúng quy định.
"Khi xử lý các trường hợp ô tô chở quá tải, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn do các tài xế chây ỳ bất hợp tác hoặc xử lý được 1 phương tiện thì các tài xế gọi điện báo cho nhau né tránh hay dừng xe không di chuyển tiếp", Đại úy Nguyễn Ích Giáp cho biết.
Phát hiện voi rừng xuất hiện gần khu dân cư ở Bình Phước
Theo Giáo dục & Thời đại, ngày 19/3, trong khi tuần tra tại khoảnh 3 tiểu khu 363 (địa giới hành chính của xã Tân Lợi), lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng Chốt Suối Nhung (Bình Phước) phát hiện một động vật, nghi ngờ là voi rừng.
Ngay lập tức, lực lượng chuyên trách đã báo cáo vấn đề này lên lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú, đồng thời cảnh báo người dân đang sinh sống gần khu vực nâng cao cảnh giác, đề phòng cao độ.
Khi phát hiện cá thể voi xuất hiện, người dân không được nấp vào chòi rẫy và chỉ được dùng các biện pháp xua đuổi như trống, kèn, kẻng, tránh xung đột trực tiếp.
Nhiều cây cối, hoa màu bị voi rừng tàn phá (Nguồn: TTXVN).
Xác minh những dấu chân, phân động vật tại hiện trường, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú cũng nhận định là của voi rừng.
Căn cứ vào các dấu chân để lại, cán bộ hạt kiểm lâm cho biết, voi rừng di chuyển từ khoảnh 3 qua khoảnh 4 (tiểu khu 363), rồi đến khoảnh 7 (tiểu khu 362). Khu vực voi rừng di chuyển qua chỉ cách 61 hộ thuộc khu dân cư tổ 5, ấp Thạch Màng (xã Tân Lợi) khoảng 400m.
Trong quá trình di chuyển từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai qua sông Mã Đà, voi rừng cũng tàn phá 12 bụi chuối, 1 cây mít, 3 cây đu đủ của người dân trồng cạnh chòi và hai bên đường.
Động đất tiếp tục ở Kon Tum, 36 trận xảy ra trong 22 ngày
Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi thông báo động đất.
Cụ thể, vào hồi 21 giờ 00 phút 58 giây (giờ GMT) ngày 21/3, tức 4 giờ 00 phút 58 giây (giờ Hà Nội) ngày 22/3, một trận động đất có độ lớn 3.4 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.852 độ vĩ Bắc, 108.266 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Như vậy, chỉ từ đầu tháng 3/2023 đến nay, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã hứng chịu tổng cộng đến 36 trận động đất, trong đó có những ngày xảy ra 4-5 trận như ngày 8/3, ngày 13/3. Đây đều là những trận động đất có độ lớn từ trung bình đến nhỏ.
Trận động đất sáng nay mạnh 3.4 độ richter là một trong những trận động đất mạnh nhất ở chu kỳ động đất tháng này tại khu vực Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Việt Hương (T/h)