Xem bò chọi nhau, người đàn ông bị húc thấu ngực
Ngày 21/3, bác sĩ Sầm Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết trên Sức khỏe & Đời sống, đơn vị vừa phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị bò húc thấu ngực.
Trước đó, vào ngày 20/3, bệnh nhân là Mùa Bá V. (45 tuổi, trú xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) khi xem bò chọi bất ngờ bị bò húc trúng ngực.
Ngay sau đó, mọi người đưa nạn nhân đi cấp cứu. Các bác sĩ tại Trung tâm y tế Kỳ Sơn chẩn đoán vết thương thấu ngực tràn khí, tràn máu màng phổi.
Hình minh họa.
Ngay lập tức, bác sĩ Hải nhanh chóng đặt dẫn lưu màng phổi phải, rửa cắt lọc khâu vết thương. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định.
Được biết, nhiều năm nay, tình trạng bệnh nhân bị bò húc đưa vào Trung tâm y tế huyện vẫn luôn xảy ra. Hầu hết các vết thương khá nghiêm trọng chủ yếu tập trung ở vùng ngực, đùi, háng… Bởi vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên cẩn thận, tìm chỗ an toàn khi xem bò chọi tránh các sự cố có thể xảy ra.
Ghi nhận 172 ca mắc sốt xuất huyết, Hà Nội xây dựng 3 tình huống ứng phó
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 10/3 – 17/3, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 8 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 6 ca so với tuần trước đó). Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 172 ca mắc sốt xuất huyết; trong khi cùng kỳ năm 2022, thành phố chỉ có 9 ca.
Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng 3 tình huống ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố. Cụ thể, tình huống 1 khi chưa có dịch trên quy mô xã, phường, thị trấn; tình huống 2 khi có dịch trên quy mô xã, phường, thị trấn; tình huống 3 khi dịch bùng phát, lan rộng ra cộng đồng.
Công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Sở Y tế thành phố cũng giao nhiệm vụ cho CDC Hà Nội tăng cường công tác dự báo, thường xuyên báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết theo quy định, đồng thời xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động chuyên môn theo từng cấp độ dịch. Đồng thời, CDC Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (ngày 15/6).
Riêng các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế thành phố yêu cầu xây dựng kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại đơn vị. Ngoài ra, thường xuyên tập huấn phác đồ chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh sốt xuất huyết cho cán bộ y tế.
Bệnh thủy đậu xuất hiện tại nhiều trường học
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin, trong tuần qua, TP.Hà Nội đã ghi nhận 70 trường hợp mắc thủy đậu. Tổng số ca mắc thủy đậu từ đầu năm đến nay là gần 550 ca, chưa có ca tử vong. Đa phần bệnh nhân thủy đậu ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%).
Theo báo cáo, bệnh nhân ghi nhận tại 18/30 quận huyện, một số đơn vị có số mắc cao như: Chương Mỹ (230), Mê Linh (69), Ba Vì (60), Nam Từ Liêm (56), Mỹ Đức (42). Số ca mắc năm 2023 tăng so với cùng kỳ 2022 (4/0). Đáng chú ý, trong tuần qua, huyện Chương Mỹ ghi nhận 23 ca thủy đậu. Số ca mắc ghi nhận rải rác ở trường học của địa phương này.
Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ đã phối hợp với y tế các xã và nhà trường tổ chức phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, đồ chơi, đồ dùng học tập, thiết bị bán trú; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh học sinh biện pháp chăm sóc, điều trị bệnh cho các cháu và biện pháp ngăn ngừa ổ dịch lây lan ra diện rộng.
CDC Hà Nội nhận định so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, bệnh nhân ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học. Bệnh thủy đậu thường có xu hướng gia tăng vào mùa đông xuân, do đó số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Chăm sóc trẻ mắc thuỷ đậu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. (Ảnh: NLĐ)
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thủy đậu là bệnh do virus Varicella-zoster gây ra, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ai cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh. Bệnh dễ lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với nguồn bệnh như: Nói chuyện, hắt hơi, sổ mũi, ho,…; ngoài ra, bệnh cũng lây gián tiếp qua việc dùng chung đồ sinh hoạt hàng ngày với người bệnh.
Thời gian ủ bệnh khoảng 2 - 3 tuần và khởi phát đột ngột với những triệu chứng như nổi mụn nước ở vùng đầu, tay chân, cơ thể; người bệnh có sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, nôn, chán ăn... Mụn nước xuất hiện rất nhanh, trong vòng 12 - 24 giờ có thể nổi toàn thân với kích thước từ 1- 3 mm đường kính, chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng, mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.
Việt Hương (T/h)