Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin thời sự mới nóng nhất 20/5: Hà Nội đề xuất chi gần 23.000 tỷ đồng làm đường Vành đai 4

  • Việt Hương
(DS&PL) -

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 20/5/2022. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 20/5/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Hà Nội đề xuất chi gần 23.000 tỷ đồng làm đường Vành đai 4

UBND TP.Hà Nội vừa có tờ trình HĐND cung cấp bố trí vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô.
 
Theo phân kỳ, giai đoạn 2021-2025 dự án cần hơn 19.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 hơn 3.800 tỷ đồng.
 
Tại tờ trình này, UBND TP nêu rõ: "Trường hợp tổng mức đầu tư dự án thành phần do TP Hà Nội quyết định đầu tư có điều chỉnh tăng thì phần vốn tăng thêm sẽ đảm bảo bố trí từ nguồn ngân sách thành phố".
 
Tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư Vành đai 4 vùng Thủ đô hơn 85.800 tỷ đồng, chia thành ba nhóm dự án với 7 dự án thành phần.
 
Trong đó, nhóm một gồm 3 dự án thành phần giải phóng mặt bằng ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Nhóm hai gồm 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn 3 địa phương. Nhóm ba là dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc theo phương thức đối tác công tư loại hợp đồng BOT.

Một đoạn phối cảnh đường Vành đai 4. (Ảnh minh hoạ)

 
Tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trong đó, đoạn qua Hà Nội 58,2 km, qua Hưng Yên 19,3, qua Bắc Ninh 25,6 và tuyến nối 9,7 km.
 
Quy mô đường 4 làn xe cao tốc, tốc độ 80 km/h; có 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh cắt ngang với đường hiện trạng và các lối ra vào cao tốc. Dự kiến 65% tuyến đi trên cao.
 
Mở đường Vũ Tông Phan kết nối từ TP.Thủ Đức tới cầu Thủ Thiêm 2
 
Công ty cổ phần đầu tư Thủ Thiêm (chủ đầu tư) cho biết, để đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông cho khu vực TP. Thủ Đức, đơn vị sẽ mở đường Vũ Tông Phan, kết nối giao thông với đường Nguyễn Hoàng.
 
Đồng thời, kiến nghị sẽ thực hiện việc thảm bê tông nhựa mặt đường Vũ Tông Phan ở các đoạn đường đã thi công để kết nối giao thông với đường Nguyễn Hoàng.
 
Do hiện nay dự án tổng thể chưa được thực hiện hoàn chỉnh, chủ đầu tư dự án không có kinh phí để duy trì công tác duy tu, bảo dưỡng tuyến đường trên.
 
Chủ đầu tư cũng kiến nghị Sở GTVT, UBND TP. Thủ Đức nghiên cứu tiếp nhận tạm phần mặt đường Vũ Tông Phan đã được thảm bê tông nhựa và thực hiện công tác duy tu cho đến khi công ty Thủ Thiêm thực hiện hoàn chỉnh dự án, bàn giao hạ tầng dự án cho các đơn vị quản lý.
 
Theo Sở GTVT, khu vực này tổ chức giao thông gặp nhiều khó khăn, do đó cần xử lý và triển khai cho đồng bộ, nghiên cứu tổ chức giao thông cho phù hợp.
 
Sở GTVT đề nghị TP. Thủ Đức chủ trì rà soát, đánh giá quá trình thi công hạ tầng kỹ thuật của dự án. Trong trường hợp hạ tầng kỹ thuật khu vực không đáp ứng, đề nghị UBND TP. Thủ Đức kiến nghị UBND TP.HCM tạm thời không chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện các dự án thành phần trong khu đô thị phát triển phường An Phú, tránh để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực.
 
Sở GTVT cũng đề nghị Sở Xây dựng khẩn trương hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc tạo điều kiện cho chủ đầu tư hoàn thành trong quý II.

Cầu Thủ Thiêm 2 kết nối quận 1 với TP.Thủ Đức. (Ảnh: Giao thông)

Về phương án kết nối giao thông công cộng, Sở đề nghị Trung tâm Quản lý giao thông công cộng nghiên cứu tổ chức kết nối các tuyến xe buýt tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khu vực đi lại dễ dàng, thuận tiện trong Khu đô thị phát triển phường An Phú, đảm bảo kết nối thuận tiện với hệ thống nhà ga tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên khi đưa vào khai thác.
 
Đường Vũ Tông Phan (Đông Tây 1), đoạn từ đường Nguyễn Hoàng đến đường số 24 có chiều dài toàn tuyến 875m, rộng 32m do Công ty cổ phần đầu tư Thủ Thiêm làm chủ đầu tư.
 
Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ tạo thêm hướng lưu thông cho người dân tại phường An Phú (TP. Thủ Đức) lưu thông về cầu Thủ Thiêm 2, giảm áp lực giao thông trên đường song hành Xa lộ Hà Nội.
 
Hà Nội sẽ có thêm hơn 2.500 điểm dừng xe buýt giai đoạn 2022 – 2025
 
Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2025, Sở GTVT đề xuất bổ sung từ 2.500 - 2.700 điểm dừng xe buýt, tăng mức độ bao phủ của hạ tầng xe buýt (nâng tổng số điểm dừng xe buýt lên khoảng 6.500 điểm, tăng từ 65 - 70% so với hiện nay), bố trí lại điểm dừng xe buýt tiếp cận gần các khu dân cư phù hợp với cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông và kế hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe buýt để tăng mức độ bao phủ của hạ tầng xe buýt.
 
Đồng thời, rút ngắn cự ly giữa các điểm dừng liền kề trong khu vực đô thị trong khoảng 300 - 600m, khu vực khác điểm dừng xe buýt được ưu tiên bố trí gần khu dân cư, tiếp cận gần đường, ngõ kết nối vào thôn, xóm.
 
Ngoài ra, bố trí điểm dừng xe buýt theo hướng tích hợp tiếp cận gần các nhà ga ĐSĐT, điểm trông giữ phương tiện cá nhân đảm bảo cự ly trung chuyển giữa các loại hình < 200m.

Hiện Hà Nội có hơn 3800 điểm dừng xe buýt. (Ảnh: CAND)

 
Nhằm kết nối hạ tầng xe buýt với phương tiện cá nhân, Sở GTVT cũng đề xuất tổ chức 53 điểm Park & Ride để người dân có thể gửi phương tiện cá nhân trung chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng. Nâng cao khả năng tiếp cận phương tiện xe buýt của người dân nằm ngoài phạm vi đi bộ hợp lý hoặc đáp ứng nhu cầu sử dụng xe buýt của người dân khi tới các khu vực hạn chế hoạt động của xe máy, khu vực thu phí phương tiện cơ giới…Dự kiến kinh phí thực hiện Đề án trong giai đoạn 2022 - 2025 lên tới hơn 357 tỷ đồng, trong đó có hơn 48 tỷ đồng vốn ngân sách TP và hơn 309 tỷ đồng nguồn xã hội hóa. 
 
Việt Hương (T/h)
 

Tin nổi bật