Tìm thấy thi thể công nhân cuối cùng trong vụ sạt lở mỏ titan vùi lấp 4 người
Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm đến 14h20 chiều 18/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể anh Nguyễn Văn Nam, nạn nhân cuối cùng trong vụ sạt lở mỏ titan khiến 4 công nhân bị cát vùi lấp.
Trước đó, vào khoảng 16h ngày 15/10, tại khu vực mỏ titan nam Suối Nhum, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam của Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường xảy ra sự cố sạt lở cát ở khu vực bãi thải tạm làm tràn bùn, cát từ khu vực bãi thải đến khu vực văn phòng của Công ty khoảng 500 m.
Qua xác minh ban đầu, vào thời điểm vụ sát lở cát xảy ra, một tổ gồm 5 công nhân đang thực hiện kế hoạch di chuyển cát từ bãi thải thuộc khai trường 1 đến vị trí khác cách đó 400m bằng phương pháp bơm nước theo hệ thống ống dẫn từ hồ chứa đến vị trí cách chân bãi thải khoảng 15m.
Lực lượng chức năng đã trắng đêm tìm kiếm nạn nhân. (Ảnh: PLO)
Khi 5 công nhân đang thao tác làm việc thì xảy ra sự cố về đường ống nước, dẫn đến sạt lở cát từ độ cao 20m xuống vùi lấp 4 công nhân.
Sau khi vụ việc xảy ra, tỉnh Bình Thuận đã hàng trăm người cùng với nhiều phương tiện máy móc đã tham gia tìm kiếm số công nhân bị nạn.
Cá chết nhiều ở Hồ Tây: Đề xuất quan trắc chất lượng nước
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, UBND quận Tây Hồ khẩn trương chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra, xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt tại Hồ Tây.
Đồng thời, đề xuất giải pháp khắc phục; tổng hợp, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện trước ngày 20/10.
Hồ Tây do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý về chất lượng nước; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý về nuôi trồng và khai thác thủy sản; Sở Xây dựng quản lý mực nước như một hồ điều hòa thoát nước (quản lý các cửa phai, vớt bèo); UBND quận Tây Hồ quản lý về trật tự trị an.
Thông tin từ UBND quận Tây Hồ cho biết, quận đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng quận kiểm tra, đôn đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tăng cường công tác vệ sinh môi trường, thu gom toàn bộ khối lượng cá chết trên mặt nước Hồ Tây.
Hồ Tây có nguy cơ ô nhiễm cao khi mưa to, nước thải từ cống tràn vào hồ. (Ảnh: CAND)
"Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã thực hiện thu gom khoảng hơn 800kg cá chết trên mặt nước hồ Tây, tính từ ngày 28/9 đến 6/10 và tiếp tục tăng cường công tác thu gom đảm bảo không tồn đọng cá chết khu vực mặt nước Hồ Tây, đặc biệt tại khu vực phố Nguyễn Đình Thi", văn bản của quận Tây Hồ nêu.
Quận này cũng đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng có phương án xử lý, giải quyết tình trạng cá chết nhiều trên hồ Tây cũng như tiến hành quan trắc đảm bảo chất lượng môi trường mặt nước.
Công bố tình huống khẩn cấp sự cố sụt lún hơn 1km đê sông Mã
Ngày 17/10/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sự cố sụt lún mái đê tả sông Mã đoạn từ K49+950-K50+950, xã Hoằng Đại, thành phố Thanh Hóa.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố Thanh Hóa thực hiện các biện pháp cảnh báo, cắm biển báo sự cố công trình, phân luồng giao thông ngăn cấm xe ô tô tải chạy trên đê qua khu vực xảy ra sự cố. Theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố công trình, đặc biệt khi lũ lên báo động II, trường hợp phát hiện sự cố tiếp tục phát triển, có nguy cơ mất an toàn cho tuyến đê tả sông Mã, phải báo ngay về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT.
Khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ trọng điểm phòng, chống lụt bão công trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đê tả sông Mã; đồng thời chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng xử lý khi sự cố phát triển; thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của sự cố công trình.
Các vị trí sụt lún đã được xử lý khắc phục tạm thời và túc trực theo dõi. (Ảnh: PL&XH)
Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Thanh Hóa trong việc theo dõi diễn biến sự cố, hướng dẫn tổ chức xử lý các tình huống phát sinh (nếu có) ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế sự cố phát triển thêm; thường xuyên cập nhật, báo cáo UBND tỉnh tình hình diễn biến sụt lún và tiến độ khắc phục xử lý sự cố.
Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh phối hợp với UBND thành phố Thanh Hóa thông báo rộng rãi tình huống khẩn cấp sự cố. Các cơ quan truyền thông: Đài Phát thanh và truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa thông tin, cảnh báo về tình huống khẩn cấp nêu trên để Nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Việt Hương (T/h)