Người Việt Nam chi hơn 8.400 tỷ đồng/năm để mua trà sữa
Mỗi năm, người yêu trà sữa tại Đông Nam Á chi tới 3,66 tỷ USD cho loại thức uống này. Đây là thông tin được đưa ra trong một nghiên cứu do tổ chức liên doanh Momentum Works và công ty giải pháp thanh toán kỹ thuật số qlub thực hiện nhằm tìm hiểu về ngành kinh doanh trà sữa trân châu bùng nổ. Theo thông cáo báo chí ngày 16/8 của Momentum Works, hiện có khoảng 60 thương hiệu trà sữa hoạt động tại thị trường Đông Nam Á.
Thị trường tiêu thụ trà sữa lớn nhất trong khu vực là Indonesia, với doanh thu hàng năm ước tính là 1,6 tỷ USD. Thái Lan đứng thứ hai, với 749 triệu USD từ hơn 31.000 cửa hàng trà sữa và các kênh bán lẻ khác.
Việt Nam là thị trường đứng thứ 3 với 362 triệu USD (khoảng 8.477 tỷ đồng) và đứng thứ 4 là Singapore với 342 triệu USD.
Nghiên cứu cho thấy các thương hiệu Đài Loan và thương hiệu nội địa của từng nước từ lâu đã thống trị thị trường trà sữa trân châu tại Đông Nam Á.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh giá cả không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định mua trà sữa của khách hàng. Nghiên cứu cho biết khách hàng quyết định chọn thương hiệu trà sữa nào là tùy vào các loại sản phẩm tại các cửa hàng, cũng như số lượng cửa hàng mà thương hiệu đó có.
Indonesia, Thái Lan và Việt Nam là 3 quốc gia chi nhiều tiền nhất vào trà sữa trong các quốc gia Đông Nam Á. (Ảnh: CNA)
Các thương hiệu cũng có nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng khi họ ngày càng chú ý đến sức khỏe. Ví dụ như tùy chỉnh lượng đường và các lựa chọn thay thế lành mạnh hơn như trà trái cây tươi.
Theo nghiên cứu, có 3 nguyên tắc cơ bản để xây dựng một thương hiệu trà sữa trân châu thành công, bao gồm xây dựng một sản phẩm chủ lực phù hợp để giành sự chú ý ban đầu, đạt được lợi nhuận tại một cửa hàng và mở rộng mô hình trong khi vẫn duy trì các đơn vị kinh tế triển vọng.
Tuy nhiên, họ nói thêm rằng chuỗi cung ứng cho các cửa hàng trà sữa trân châu có thể gặp nhiều thách thức hơn trên sàn thương mại điện tử do nhu cầu cao về độ tươi của nguyên liệu.
300 trận động đất xảy ra ở Kon Tum trong hơn một năm qua
Theo thống kê của UBND tỉnh Kon Tum, từ năm 1903 đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 độ richter trở lên tại huyện Kon Plông và lân cận; trong đó, chỉ có hai trận động đất xảy ra vào năm 1973 độ lớn 3,9 độ richter và năm 2015 độ lớn 3,0 độ richter.
Đáng chú ý, từ tháng 4/2021 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông và vùng lân cận đã ghi nhận hơn 300 trận động đất có cường độ ngày càng lớn. Đặc biệt, ngày 18/5/2022, tại huyện Kon Plông ghi nhận động đất có cường độ 4,5 độ richter.
Dự kiến trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhất là huyện Kon Plông tiếp tục có những trận động đất kích thích có cường độ và mật độ ngày càng lớn, gây sập đổ công trình, nhà ở, cầu cống, sạt lở đất gây ách tắt giao thông, đặc biệt là có nguy cơ rạn nứt bờ đập, dẫn đến vỡ đập thủy điện, khả năng ngập nước vùng trũng, ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Tỉnh Kon Tum thời gian qua liên tiếp xảy ra động đất với cường độ ngày càng lớn. (Ảnh: ANTĐ)
Theo kế hoạch ứng phó thảm họa động đất, UBND tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức thông báo, báo động và cảnh báo kịp thời đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội và Nhân dân tại địa phương các tin động đất; truyền tin cảnh báo, báo động trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống thông tin mạng viễn thông; tăng cường kết nối thông tin để nắm bắt kịp thời các diễn biến, hậu quả của động đất; đánh giá kịp thời quy mô, diễn biến sự cố do thảm họa động đất, xác định nhanh kịch bản ứng phó hiệu quả; triển khai các lực lượng, phương tiện quan sát, giám sát; các lực lượng giúp dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả...
Đồng thời, UBND tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức sơ tán, phân tán bảo đảm an toàn cho nhân dân, các cơ quan, tổ chức và tài sản ra khu vực an toàn...
Hà Nội yêu cầu tăng cường chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết, cúm A
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 3617/SYT-NVY về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và đáp ứng điều trị người bệnh, gửi các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập.
Công văn nêu rõ, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng cũng đang gia tăng đột biến số ca mắc, dịch bệnh đầu mùa khỉ có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta.
Ngày 10/7/2022, Bộ Y tế đã có Công văn số 3652/BYT-DP về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và đáp ứng điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm tiếp tục triển khai các biện pháp sàng lọc, phát hiện sớm người nghi mắc COVID-19, đậu mùa khỉ, cúm A, sốt xuất huyết,… để triển khai công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, khoanh vùng, cách ly, hạn chế lây nhiễm chéo tại cơ sở khám chữa bệnh; thực hiện phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19 và phân công hỗ trợ, chỉ đạo tuyến theo chỉ đạo của Sở Y tế.
Các cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
Các cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, đảm bảo cung ứng thuốc, trang thiết bị, nhân lực cho công tác khám, chữa bệnh; Cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh; tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho các nhân viên y tế về giám sát, chăm sóc, điều trị, phòng chống lây nhiễm đối với các bệnh truyền nhiễm.
Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân; thực hiện tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ cho nhân viên y tế; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác".
Việt Hương (T/h)