Đắk Lắk có thêm 1 người nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người"
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" (mắc bệnh Whitmore) tại huyện Krông Pac.
Bệnh nhân là nữ, sinh năm 1982. Theo hồ sơ bệnh án, vào ngày 10/10, bệnh nhân có biểu hiện đau bụng dữ dội nên đi khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị áp xe lá lách và được phẫu thuật và điều trị. Sau khi xuất viện về nhà, bệnh nhân vẫn tiếp tục có biểu hiện đau bụng, nên ngày 31/10, lại nhập viện tái khám.
Lúc này, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore trên nền đái tháo đường type 2 và hiện đang được điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Sau gần 10 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, hiện bệnh nhân đang được chỉ định điều trị bằng kháng sinh mạnh.
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân bị Whitmore. (Ảnh: VOV)
Đây là trường hợp thứ 3 ở Đắk Lắk mắc bệnh Whitmore trong năm nay. Hai trường hợp trước, được ghi nhận tại huyện Ea Súp và Cư Kuin.
Công an làm việc với người đánh nữ điều dưỡng ở Bình Dương
Chiều 9/11, đại diện lãnh đạo công an phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết trên NLĐ, công an đã mời người đàn ông hành hung điều dưỡng tại khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Medic Bình Dương lên làm việc.
Danh tính người này được xác định là P.V.H (SN 1985, quê Hải Dương).
Theo công an, khoảng 13h30 ngày 8/11, công an nhận tin báo của điều dưỡng N.T.P, (SN 1991, quê Nghệ An), về việc bị một thanh niên đánh vào vai.
Làm việc tại cơ quan công an, P.V.H khai do đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bị co giật, quá lo lắng nên đã dùng tay đánh vào vai chị P. để hối thúc điều trị cho cháu. Người này đã bị lập biên bản để có những bước xử lý tiếp theo.
Qua làm việc với chị P., công an xác định chị P. không bị thương tích. Nữ điều dưỡng N.T.P cho biết bản thân cô và người nhà bệnh nhân trước đó không có mâu thuẫn gì.
Nam thanh niên đánh vào vai nữ điều dưỡng để hối điều trị cho cháu. (Ảnh từ clip bv)
Cảnh báo ma túy dưới dạng bánh kẹo, nước trái cây
Đại tá Đinh Kim Lập, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận đã ký công văn gởi các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố cung cấp thông tin về các loại ma túy núp bóng thực phẩm.
Theo đó, thời gian qua, trên thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam xuất hiện nhiều dạng ma túy “núp bóng” pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thảo mộc… như: Thực phẩm (các loại bánh kẹo) có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói được cấp phép của cơ quan chức năng ở một số nước trên thế giới với hàm lượng quy định có ghi trên bao bì sản phẩm và có cảnh báo người dùng.
Vừa qua, cơ quan chức năng đã ghi nhận nhiều trường hợp các đối tượng lén lút mang vào Việt Nam phát tán sử dụng dẫn đến ngộ độc như ở Hạ Long, Quảng Ninh.
Loại này người dùng có thể bị nhầm lẫn dùng quá liều gây nguy hiểm đến tính mạng. Ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm che giấu cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt chất ma túy.
Các sản phẩm "núp bóng" đã phát hiện ở nước ta như: Nước trái cây "Crispy Fruit" hương dâu, hương nho, hương xoài, chứa chất Bromazepam, Nimetazepam đều là chất ma túy (thuộc danh mục III, Nghị định 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ).
Socola nhãn hiệu "Chill Max" có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA thuộc Danh mục IIC, Nghị định 57; các loại "nước vui", "nước biển" chứa chất ma túy GHB (thuộc danh mục IIC, Nghị định 57); Bánh cần, bánh lười "Lazy cakes" chứa cần sa.
Nước nho chứa Ketamine; trà chanh, nước giải khát chứa chất ma túy Ketamine, MDMA; ma túy "đông trùng" chứa Nimetazepam được ngụy trang trong các gói nhỏ in hình đông trùng hạ thảo trên bao bì.
Đặc điểm của các loại ma túy "núp bóng" này là có bao bì bắt mắt ngụy trang dưới dạng thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát; gây ảo giác mạnh, thậm chí tử vong nếu sử dụng quá liều.
Các loại ma túy núp bóng đều có bao bì bắt mắt. (Ảnh: PLO)
Ma túy "núp bóng" thảo mộc dạng "cỏ Mỹ": đối tượng tẩm dung dịch có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA vào thảo mộc rồi đóng gói thành loại thuốc lá gói hiệu "Tobaco", thuốc lá điếu hiệu "Hitton" và pha dung dịch có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA bơm vào cây thuốc lá điện tử POD.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tác hại đến cộng đồng do các loại ma túy “núp bóng” thực phẩm, thuốc lá điện tử, Công an tỉnh thông tin đến các Sở, ngành, địa phương biết, chỉ đạo đơn vị, địa phương tuyên truyền bằng nhiều hình thức để cán bộ, người lao động, các nhà trường, phụ huynh, học sinh và người dân biết, nhận diện được những loại thực phẩm, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử dễ bị lợi dụng pha trộn với ma túy.
Đồng thời cung cấp thông tin cho cơ quan Công an ngay khi phát hiện. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao của đơn vị, địa phương mình, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các loại hàng hóa là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam để phòng ngừa tác hại đối với cộng đồng.
Việt Hương (T/h)