Ngày 9/10, Công ty CP đường sắt Sài Gòn đã có giải trình về việc đầu máy tàu hỏa chạy đến đường Phạm Văn Đồng nhưng gác chắn chưa đóng khiến tàu phải dừng khẩn cấp.
Theo đó, lúc 13h36 ngày 8/10, trước giờ đầu máy tàu hỏa chạy hướng về ga Sài Gòn, trực ban đã gọi điện cho các tổ gác chắn xin đóng đường để tàu chạy lúc 13h44.
Lúc này, các nhân viên đã ra điểm giao cắt đường sắt trên đại lộ Phạm Văn Đồng để canh giờ chuẩn bị đóng chắn. Nhân viên đã bấm chuông, đứng quan sát tàu tại vị trí biển đỏ.
Khi thấy tàu đến, nhân viên chưa đóng gác chắn kịp nên ra tín hiệu tàu dừng khẩn cấp. Các nhân viên cho rằng đường sắt qua khu vực quận Gò Vấp có tầm nhìn hạn chế (đường cong) nên phát hiện tàu trễ, đóng gác chắn không kịp.
Tàu dừng khẩn cấp vì nhân viên đóng gác chắn không kịp. Ảnh: Zing
Trao đổi với Zing, một lãnh đạo ga đường sắt Sài Gòn cho biết vụ việc may mắn không xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, đơn vị đã họp yêu cầu các đơn vị, cá nhân liên quan báo cáo tường trình để xử lý theo quy định.
Trước đó, khoảng 13h45 ngày 8/10, đầu máy tàu hỏa chạy trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, hướng ga Sóng Thần về ga Sài Gòn, quận 3, TP.HCM.
Khi đầu máy tàu hỏa vừa đến đoạn cắt ngang đại lộ Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), lái tàu phát hiện các thanh gác chắn chưa được đóng. Lái tàu đã giảm tốc độ và phanh kịp thời.
Lúc này, nhiều ôtô đang lưu thông trên đại lộ Phạm Văn Đồng cũng dừng khẩn cấp. Vụ việc may mắn không xảy ra tai nạn. Đầu máy tàu sau đó tiếp tục hành trình chạy về ga Sài Gòn.
Quảng Bình: Thông đường tạm thời vào vùng đồng bào Rục
Trưa 9/10, Đồn Biên phòng Cà Xèng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình cho biết, với sự nỗ lực của nhóm thợ cùng phương tiện và hỗ trợ từ lực lượng của đơn vị, tuyến đường vào vùng đồng bào Rục tạm thời đã được lưu thông.
Ngay khi nhận được tin báo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt cùng lãnh đạo huyện và xã Thượng Hóa vào hiện trường kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục sự cố sạt lở đá làm tắc tuyến đường độc đạo vào vùng đồng bào Rục (dân tộc Chứt).
Từ chiều qua đến trưa nay, nhóm thợ cùng các phương tiện cơ giới tiến hành khoan, cắt phá nhiều tảng đá lớn đổ xuống làm che lấp mặt đường để san gạt dọn mặt đường. Bộ đội biên phòng và bà con dân bản thì thu dọn số đá có kích thước nhỏ hơn.
Đến gần trưa nay, tuyến đường đã tạm thời lưu thông được một lối cho xe ô-tô bốn chỗ và xe máy đi qua. Mọi hoạt động lưu thông từ ba bản người Rục với gần 200 hộ và Đồn Biên phòng Cà Xèng đã được nối lại.
Tuyến đường vào vùng đồng bào Rục được lưu thông tạm thời. Ảnh: Nhân dân
Trung tá Phạm Xuân Ninh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết trên Nhân dân, hiện vùng biên giới huyện Minh Hóa đang có mưa to khiến nguy cơ sạt lở đá qua đoạn đường này rất dễ xảy ra. Vì thế, cùng với việc cho phép lưu thông tạm thời, bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương vẫn cảnh báo người dân hết sức cẩn thận khi qua đoạn đường này. Hiện, công tác khắc phục sự cố sạt lở vẫn đang được tiếp tục.
Đê tả sông Mã sụt lún, gần 3 vạn dân Thanh Hóa lo lắng
Ngày 9/10, tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thanh Hóa cho biết đơn vị này đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ NN-PTNT về sự cố sụt lún đê tả sông Mã (tuyến đê Trung ương cấp 2) đoạn qua xã Hoằng Đại (TP.Thanh Hóa).
Theo báo cáo, từ ngày 28/9 đến ngày 4/10, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa lớn làm ảnh hưởng tới đời sống của người dân nhiều nơi.
Đặc biệt, từ ngày 1/10 đến ngày 4/10, đoạn đê tả sông Mã đoạn qua xã Hoằng Đại (TP Thanh Hóa) xuất hiện hiện tượng sụt lún đê, với tổng chiều dài khoảng 1 km (từ K49+950 đến K50+950).
Trong đó, có 2 đoạn bị sụt lún nặng có chiều dài 60 m và 80 m, có độ sâu từ 0,8-1,3m.
Đê tả sông Mã đoạn qua xã Hoằng Đại (TP.Thanh Hóa) sụt lún, đe dọa tính mạng, tài sản của gần 3 vạn dân. Ảnh: Người lao động
Theo Sở NN-PTNT Thanh Hóa, sự cố sụt lún đê tả sông Mã đoạn qua xã Hoằng Đại là sự cố nguy hiểm, xuất hiện ngay trong mùa mưa lũ, đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tuyến đê; đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của hơn 29.000 người dân sống ở khu vực tả ngạn sông.
Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, chỉ đạo các đơn vị theo dõi 24/24 giờ, đồng thời cắm biển cảnh báo hạn chế xe tải trọng lớn qua lại để theo dõi, đánh giá và đưa ra phương án xử lý khẩn cấp, nhằm sớm gia cố tuyến đê, đảm bảo an toàn cho người dân tại 5 xã, phường của TP Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa.
Việt Hương (T/h)