Theo tin trên An ninh Thủ đô, sau khi tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH đã có tờ trình dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động gửi Chính phủ.
Tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng bình quân 6% so với mức hiện hành để áp dụng từ ngày 1/7/2024 (như phương án Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất khuyến nghị Chính phủ tại báo cáo số 02/BC-HĐTLQG ngày 12/2/2024).
Về mức lương tối thiểu, dự thảo quy định các mức lương tối thiểu theo tháng và theo giờ được điều chỉnh tăng bình quân 6% so với các mức hiện hành.
Cụ thể: Mức lương tối thiểu theo tháng tại vùng I là 4.960.000 đồng/tháng, vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, vùng III là 3.860.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng; mức lương tối thiểu theo giờ tại vùng I là 23.800 đồng/giờ, vùng II là 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ.
Đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng bình quân 6% từ 1/7/2024. (Ảnh: ANTĐ)
Theo Bộ LĐ-TB&XH mức điều chỉnh nêu trên được tính toán dựa trên cơ sở các yếu tố thực tế theo quy định của Bộ luật Lao động, gồm: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; nhóm yếu tố về kinh tế, thị trường lao động (tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, giá cả tiêu dùng, tình hình lao động, việc làm); nhóm yếu tố về mức lương trên thị trường và khả năng của doanh nghiệp (tiền lương, thu nhập bình quân của người lao động, tình hình phát triển của doanh nghiệp và xu hướng kinh doanh, sản xuất, đơn đặt hàng).
Qua đánh giá, mức lương tối thiểu dự kiến đã cao hơn so với mức sống tối thiểu của người lao động dự kiến đến hết năm 2024 và cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu của năm 2025; có sự cân đối tương quan với mức lương bình quân trên thị trường lao động và phù hợp với thông lệ quốc tế.
100% thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh theo mức này.
Tiền phong thông tin, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ, trong những ngày qua, mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về gây ra tình trạng ngập lụt, sạt lở, ách tắc giao thông, thiệt hại nhiều công trình giao thông, tài sản của nhân dân tại nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Lai Châu...
Để đảm bảo giao thông thông suốt khi xảy ra thiên tai, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, rà soát khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ quét để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa.
Cục Đường bộ Việt Nam phải chủ động triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông thông suốt, bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình đang trong quá trình thi công dở dang; cần đặc biệt chú ý các hạng mục thi công tại khu vực dễ bị sụt trượt, các công trình ở miền núi hay có lũ quét đột xuất.
Các Khu Quản lý đường bộ được yêu cầu tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí đường bị ngập nước sâu, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường sạt lở.
Mưa lớn gây sạt lở, ùn tắc đường tại Hà Giang. (Ảnh: Tiền phong)
Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thực hiện tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: Cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc thường có đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước.
Trong lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra sân bay, nhà ga, hệ thống thông tin liên lạc, công tác điều hành, chỉ huy bay để kịp thời phát hiện và xử lý khắc phục sự cố; chỉ đạo các hãng hàng không điều chỉnh lịch bay, tuyến bay và ga đến cho phù hợp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động bay khi có thời tiết xấu.
Sáng 18/6, ông Cao Đình Vũ, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thanh (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) xác nhận trên Gia đình & Xã hội, trên địa bàn xã hiện có một ngư dân mất tích khi đang đi đánh bắt hải sản trên biển.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 3h sáng ngày 14/6, ông Trương Ngọc Kiên (SN 1979, trú tại thôn Đại Long, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) điều khiển bè ra vùng biển vịnh Bắc Bộ để khai thác thủy sản.
Đến 8h sáng cùng ngày, không thấy ông Kiên trở về nên gia đình lo lắng tìm cách liên hệ cơ quan chức năng. Đến 15h30 cùng ngày, gia đình tìm được bè của ông Kiên cách bãi biển Sầm Sơn khoảng 15 hải lý, máy vẫn chạy nhưng không thấy người.
Hiện lực lượng chức năng cùng gia đình nạn nhân huy động nhiều tàu, thuyền tìm kiếm nhưng hiện tại vẫn chưa tìm thấy.