Theo báo Nhân dân, ngày 16/9, lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng tiếp tục tiến hành dựng nhà bạt làm chỗ ở tạm thời cho người dân bị mất nhà ở, nhà ở thiệt hại, phải di dời do ở vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở ở huyện Nguyên Bình, địa phương có 56 người chết và mất tích do sạt lở đất.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Nguyên Bình, có 86 gia đình bị mất nhà ở, cần được hỗ trợ chỗ ở tạm.
Trong đó, tại xã Vũ Nông cần dựng 34 nhà, xã Yên Lạc cần dựng 29 nhà và ở xã Ca Thành cần dựng 23 nhà bạt.
Từ ngày 14/9, bộ đội đã dựng xong hơn 10 nhà bạt cho người dân ở xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành. Hiện, công tác dựng nhà bạt đang tiếp tục khẩn trương được thực hiện, nhằm giúp các gia đình ổn định chỗ ăn, nghỉ, sinh hoạt.
Bộ đội dựng nhà bạt cho người dân bị mất nhà ở do sạt lở đất. (Ảnh: Nhân dân)
Về nhiệm vụ tìm các vị trí để xây dựng nhà ở vị trí mới cho các gia đình bị mất nhà ở, lãnh đạo huyện Nguyên Bình cho biết, hiện đã xác định được vị trí xây dựng nhà mới cho các gia đình bị mất nhà ở xã Ca Thành, xã Yên Lạc; huyện đang tiến hành san gạt mặt bằng.
Ông Phạm Xuân Tùng, Bí thư Huyện ủy Nguyên Bình cho biết, trong số các nguồn lực ủng hộ, hỗ trợ làm nhà mới cho người dân bị mất nhà ở, có 2 cá nhân ủng hộ 2 tỷ 240 triệu đồng, xây dựng 32 căn nhà cho người dân ở xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc. Mức hỗ trợ 70 triệu đồng/nhà.
Theo Tiền phong, Bộ NN&PTNT vừa báo cáo Thủ tướng về công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Theo Bộ NN&PTNT, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây ra đợt mưa rất lớn, kéo dài liên tục trên diện rộng tại khắp các địa phương khu vực Bắc Bộ, tổng lượng mưa phổ biến từ 250-500mm, một số nơi trên 700mm, gây ra đợt lũ lớn tại hầu hết các sông ở Bắc Bộ. Đặc biệt tại Lào Cai, Yên Bái, lũ sông Hồng, sông Cầu (Thái Nguyên, Bắc Ninh), sông Đáy (Ninh Bình), sông Trà Lý (Thái Bình) đã vượt lũ lịch sử (tại Yên Bái vượt mức lũ lịch sử năm 1968 khoảng 1,31m).
Lũ trên các sông ở Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình và hạ lưu sông Hồng đều ở mức rất cao trên báo động số 3. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội dưới báo động 3 khoảng 0,2m (đây là mức lũ cao nhất trong hơn 20 năm qua tại Hà Nội).
Bộ NN&PTNT đánh giá đây là trận lụt lớn nhất trong 20 năm qua. (Ảnh: Tiền phong)
Đáng chú ý, mưa lớn kéo dài cũng gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nhất là tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng,... ngập lụt nghiêm trọng tại các khu vực thấp trũng ở cả miền núi, trung du và đồng bằng Bắc Bộ, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân.
Tính đến ngày 16/9, mưa lũ đã khiến 292 người chết và 38 người mất tích, trong đó đặc biệt là nguyên nhân đến từ lũ quét, sạt lở đất đất.
Theo Dân trí, ngày 16/9, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, đã có quyết định tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ và bảo tồn rùa biển.
Theo Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, tháng 3 vừa qua, tàu cá BĐ-97388-TS của ngư dân Võ Hoài Tam (45 tuổi, ở phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn) đã cứu hộ một cá thể đồi mồi nặng 6kg, dài 0,7m bị dính lưới, thả về biển.
Tháng 7, tàu cá BĐ-98485-TS của ông Huỳnh Anh Tuấn (38 tuổi, phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn) đã thả một cá thể vích dài khoảng 0,8m, nặng khoảng 7kg bị dính câu về lại biển.
Ngư dân Bình Định liên tiếp cứu hộ nhiều cá thể đồi mồi quý hiếm bị vướng lưới trên biển. (Ảnh: Chi cục Thủy sản Bình Định)
Tiếp đó tháng 8, tàu cá BĐ-97417-TS của ông Lê Văn Hội (33 tuổi, phường Tam Quan Nam) đã cứu hộ một cá thể đồi mồi dứa dài khoảng 0,7m, nặng 25kg bị vướng lưới giã cào và thả về biển.
Ba ngư dân nêu trên đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định tặng giấy khen vì đã có thành tích trong công tác bảo vệ và bảo tồn rùa biển, góp phần bảo tồn động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo tồn của Việt Nam.
Mới đây, ngư dân Huỳnh Minh Toàn (phường Tam Quan Nam), thuyền trưởng tàu cá BĐ-99095-TS bắt gặp rùa biển bị vướng lưới trôi nổi trên biển.
Do được tham gia nhiều lớp tập huấn về nhận dạng các loài rùa biển và phương pháp cứu hộ do Chi cục Thủy sản tổ chức trước đó, ông Toàn đã nhận ra đây là loài đồi mồi (Eretmochelys imbricata) thuộc loài cực kỳ nguy cấp theo phân loại của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) nên đã cứu hộ và thả về biển.
Chi cục Thủy sản Bình Định đang đề xuất khen thưởng cho ngư dân Huỳnh Minh Toàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cũng quyết định tặng giấy khen cho Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải và xã Nhơn Châu vì thành tích nêu trên.