Tin thế giới mới nhất ngày 28/10/2017. Cập nhật tin thế giới mới nhất ngày 28/10/2017 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Giới chức châu Âu tuyên bố sẽ chỉ đối thoại với Tây Ban Nha
TTXVN đưa tin, trong tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Twitter ngày 27/10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk nhấn mạnh: "Không có gì thay đổi đối với EU. Tây Ban Nha vẫn là quốc gia đối thoại duy nhất của liên minh". Điều này đồng nghĩa với việc EU không công nhận một Catalonia độc lập.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ảnh: THX/TTXVN |
Trước đó cùng ngày, Ủy viên châu Âu phụ trách nghiên cứu, khoa học và đổi mới Carlos Moedas tái khẳng định lập trường của EU ủng hộ chính quyền Madrid trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại vùng tự trị Catalonia. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta, một Liên minh châu Âu, phải bảo vệ trật tự Hiến pháp Tây Ban Nha". Ông khẳng định việc tôn trọng và tuân thủ Hiến pháp là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với toàn châu Âu.
Trong khi đó, Chính phủ Tây Ban Nha thông báo kế hoạch nhóm họp khẩn cấp vào lúc 23 giờ ngày 27/10 (giờ Việt Nam), sau khi với 214 phiếu thuận, 47 phiếu chống và 1 phiếu trắng, Thượng viện nước này bỏ phiếu thông qua các biện pháp trao cho Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy quyền quản lý trực tiếp vùng Catalonia.
Nghị viện Catalonia thông qua nghị quyết tuyên bố độc lập
Báo VnExpress dẫn nguồn theo Local ngày 27/10 cho biết, Nghị quyết tuyên bố độc lập được nghị viện Catalonia cùng ngày thông qua sau cuộc tranh luận nảy lửa khiến một số nghị sĩ đối lập bỏ ra ngoài để phản đối.
Các nghị sĩ Catalonia tranh luận tại nghị viện trước cuộc bỏ phiếu thông qua nghị quyết tuyên bố độc lập. Ảnh: AFP. |
Theo yêu cầu của một nghị sĩ Catalonia ủng hộ ly khai, Chủ tịch nghị viện Catalonia Carme Forcadell đọc một phần lời nói đầu của nghị quyết tuyên bố độc lập, tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha. Trong cuộc bỏ phiếu diễn ra sau đó, nghị quyết tuyên bố Catalonia độc lập được thông qua với 70 phiếu thuận, 10 phiếu chống và hai phiếu trắng.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau khi Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont tuyên bố độc lập nhưng hoãn thi hành để đàm phán với Madrid.
Các nghị sĩ đối lập rời phòng họp trước cuộc bỏ phiếu để phản đối. Những người ủng hộ Catalonia ly khai tập trung trên các con phố ở thủ phủ Barcelonia gần tòa nhà nghị viện đã tổ chức ăn mừng kết quả của cuộc bỏ phiếu.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy lập tức có phản ứng trên Twitter, đề nghị người dân "bình tĩnh" và cam đoan "luật pháp sẽ được khôi phục ở Catalonia". Thượng viện Tây Ban Nha hôm nay cũng đã cho phép chính quyền Madrid quyền kiểm soát trực tiếp vùng tự trị Catalonia.
Sau khi được Thượng viện phê chuẩn việc kích hoạt Điều 155 trong hiến pháp Tây Ban Nha, chính quyền trung ương Madrid có thể nhanh chóng cách chức Thủ hiến, đình chỉ các bộ trưởng Catalonia và tiếp quản các cơ quan truyền thông, cảnh sát và tài chính của khu vực.
Australia cách chức Phó Thủ tướng vì mang 2 quốc tịch
Theo tin tức trên báo Công an nhân dân, ông Barnaby Joyce - Phó Thủ tướng Australia đã bị tước bỏ tư cách nghị sĩ theo phán quyết của Tòa án Tối cao nước này hôm 27/10 do cùng một lúc mang hai quốc tịch Australia và New Zealand.
Phó Thủ tướng Australia Barnaby Joyce chờ đợi phán quyết của Tòa án Tối cao. Ảnh: Reuters |
Tờ Independent cho biết, phán quyết của Tòa án Tối cao khiến ông Joyce mất tư cách nghị sĩ tại hạ viện, buộc phải bàn giao lại chức phó thủ tướng và rời khỏi chính phủ Australia.
Quyết định bãi nhiệm Phó thủ tướng của Tòa án được thực hiện dựa trên lệnh cấm của Hiến pháp Australia không cho phép những công dân là nghị sĩ của Hạ viện được mang hai quốc tịch.
Phát biểu với các phóng viên sau phán quyết của tòa án, ông Joyce nói: "Tôi đã từng rất lo lắng, một số người nói tôi là một người luôn bi quan và tôi đã luôn sẵn sàng và tôn trọng phán quyết này".
Ngoài ông Joyce, phán quyết tương tự cũng được Tòa án Tối cao nước này đưa ra với 4 chính trị gia khác, trong đó có Bộ trưởng Chính phủ Fiona Nash.
Bãi thử hạt nhân Triều Tiên ở cửa ngõ Trung Quốc có nguy cơ bị sập
Báo Dân trí dẫn tin theo SCMP ngày 27/10 cho biết các nhà nghiên cứu tại Viện Địa chất và Địa Vật lý thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã cảnh báo các chuyên gia Triều Tiên về nguy cơ sập ngọn núi Mantap ở bãi thử Punggye-ri, cách biên giới Trung Quốc 80km.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát trước khi vụ thử hạt nhân lần 6 diễn ra hôm 3/9. (Ảnh: AP) |
Cuộc gặp gỡ giữa 2 nhóm nhà khoa học Triều Tiên và Trung Quốc diễn ra vào ngày 20/9. Theo ông Zhai Mingguo, một nhà địa chất Trung Quốc, cuộc họp đã đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau tuy nhiên vấn đề liên quan các vụ thử hạt nhân Bình Nhưỡng là vấn đề mà chính phủ Bắc Kinh quan tâm hơn cả. Phái đoàn Triều Tiên do ông Lee Doh-sik, giám đốc Viện Nghiên cứu Địa chất thuộc Học viện Khoa học Nhà nước, dẫn đầu.
“Ông Lee là nhà địa chất hàng đầu Triều Tiên, tuy nhiên ông ấy không có liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng”, nhà khoa học Peng Peng thuộc phái đoàn Trung Quốc chia sẻ.
Nổ trên đường ray xe lửa ở Pakistan, 6 hành khách bị thương
Thông tin trên báo VOV, ngày 27/10, ít nhất 6 người bị thương khi một quả bom phát nổ dọc đường ray xe lửa tại tây nam Pakistan, làm đình trệ các chuyến tàu ở khu vực.
Hiện trường vụ nổ (Ảnh: Twitter Photo) |
Trước đó, một đoàn tàu đi từ thủ phủ Quetta tới Lahore thì một vụ nổ xảy ra trên đường ray làm hư hại một trong số các toa tàu. Các quan chức an ninh cho biết có 6 hành khách bị thương trong vụ nổ.
Hiện trường vụ nổ là khu vực có tầm quan trọng chiến lược giáp Iran và Afghanistan, với các hoạt động của phiến quân Taliban cùng các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Sunni, các nhóm giáo phái có liên hệ với Al Qeada và nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Nguyễn Hà (T/h)